(GLO)- Sáng 27-4, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Tham dự tại đầu cầu Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.
Ảnh: Đức Phương |
Qua báo cáo của Văn phòng Chính phủ và phát biểu tham luận của các địa phương, các bộ, ngành Trung ương cho thấy: thời gian qua công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm được đẩy mạnh góp phần răn đe, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong quý I-2016, toàn quốc xảy ra 25 vụ ngộ độc thực phẩm làm 969 người mắc, 669 người nhập viện và 2 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 6 vụ ngộ độc, 106 người bị ngộ độc, 303 người nhập viện và 7 người tử vong…
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các trang trại và hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất kích thích tăng trưởng trong trồng trọt gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; chưa có cơ chế giải quyết kinh phí cho công tác xét nghiệm, tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm; chế tài xử lý còn nhẹ chưa đủ sức răn đe các cơ sở vi phạm…
Riêng tại tỉnh Gia Lai, mặc dù công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai đồng bộ nhưng trong năm 2015 toàn tỉnh vẫn xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm làm 397 người bị ngộ độc, 1 người tử vong. Tỉnh chưa thực hiện được nhiều chỉ tiêu xét nghiệm kiểm tra về chất lượng nước, tồn dư hóa chất trong rau, củ, quả và chất cấm trong chăn nuôi gia súc…
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, trong thời gian tới nếu để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm thì người đứng đầu địa phương và lãnh đạo ngành dọc quản lý phải chịu trách nhiệm. Phải nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, sắp tới Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải làm Trưởng ban Chỉ đạo. Chính phủ sẽ ứng tối đa 90% kinh phí cho chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm; các ngành và địa phương phải bố trí kinh phí cho công tác tiêu hủy thực phẩm bẩn vi phạm và bồi dưỡng cho các lực lượng kiểm tra, tiêu hủy. Để nâng mức răn đe trong thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tiến hành xử phạt ở mức cao nhất trong khung xử phạt đối với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; đồng thời các địa phương được giữ lại 100% kinh phí xử phạt để phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đức Phương