Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi heo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bức xúc trước việc ông Huỳnh Anh Tân và một số hộ dân nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, người dân thôn Tân Lập (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã phản ánh đến chính quyền địa phương nhờ giải quyết.
Nhà nằm ngay bên cạnh khu chăn nuôi heo của ông Huỳnh Anh Tân, hàng ngày, gia đình ông Nguyễn Đình Chơn phải hứng chịu mùi hôi từ chất thải chăn nuôi. Ông Chơn cho biết: Ông Tân nuôi heo đã hơn 3 năm nay. 2 năm trở lại đây, mùi hôi từ chất thải chăn nuôi bắt đầu ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của gia đình ông và các hộ xung quanh. Cứ từ 5 giờ chiều đến sáng sớm hôm sau, mùi hôi bốc lên nồng nặc, đặc biệt là thời điểm ông Tân cho người lấy phân heo mang đi xử lý để bón cho cây trồng. “Lo sợ mùi hôi sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tôi đành gửi các con về ở nhà bố mẹ vợ. Tôi và các hộ dân xung quanh cũng đã làm đơn phản ánh lên UBND xã đề nghị xử lý vấn đề này”-ông Chơn cho hay. 
Tương tự, nhà ông Hứa Nở nằm ngay sau khu chăn nuôi của ông Tân nên ngày nào cũng chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi chất thải. Mặc dù ông Tân đã có biện pháp giảm đàn nhưng mùi hôi vẫn gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình. “Ban đầu, ông Tân chỉ nuôi với số lượng ít. Sau này, ông Tân cùng với bố mình nuôi heo nhiều hơn nên chất thải cũng tăng theo. Nhất là từ tháng 10 Âm lịch đến Tết Nguyên đán, mùi hôi thốc thẳng vào nhà tôi rất khó chịu. Thời gian gần đây, mùi hôi có giảm hơn nhưng khi có gió thổi cũng gây ảnh hưởng. Nhiều hôm, gia đình phải đóng cửa kín mít để ăn cơm. Vì vậy, tôi mong gia đình ông Tân xem xét lại số lượng nuôi để không ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng tôi”-ông Nở nói.  
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Hùng cũng bức xúc: “Xung quanh nhà tôi không chỉ có ông Tân mà một số hộ khác cũng chăn nuôi heo. Cứ tới tầm 5 giờ chiều hoặc sáng sớm, mùi hôi từ các chuồng heo bắt đầu nồng nặc. Tôi mong chính quyền địa phương xem xét hướng dẫn các hộ dân nuôi heo với số lượng đúng quy định và có phương án xử lý chất thải để không ảnh hưởng tới môi trường cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân”.
Người dân phản ánh về khu vực chăn nuôi heo của ông Huỳnh Anh Tân gây mùi hôi, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Nhật Hào
Người dân phản ánh về khu vực chăn nuôi heo của ông Huỳnh Anh Tân gây mùi hôi, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Nhật Hào
Ông Phan Thành Chung-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Lập-cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, tháng 6-2021, Ban Nhân dân thôn phối hợp với UBND xã tiến hành kiểm tra thực tế. Thời điểm đó, ông Tân đang nuôi 50 con heo. Sau khi vận động, ông Tân cam kết nuôi hết lứa heo này rồi giảm đàn; đồng thời, có phương án xử lý chất thải để không ảnh hưởng tới các hộ dân. Tới thời điểm này, ông Tân đã giảm đàn heo xuống còn 20 con. Tuy nhiên, người dân vẫn kiến nghị vì lý do nuôi heo trong khu dân cư với số lượng như trên vẫn gây mùi hôi và ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt của họ.
“Thực tế, trên địa bàn thôn có nhiều hộ chăn nuôi heo ngay trong khu dân cư chứ không riêng gì ông Tân. Thôn đã nhiều lần vận động các hộ chỉ nuôi từ 10 con trở lại và có hầm biogas xử lý, không để phân heo tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Trong trường hợp nuôi với số lượng lớn nên chọn vị trí xa khu dân cư. Tuy nhiên, có 6 hộ vẫn nuôi với số lượng từ 20 con trở lên. Hiện tại, đàn heo của một số hộ còn nhỏ nhưng thêm vài tháng nữa khi heo lớn, chất thải nhiều hơn thì mùi hôi sẽ nồng nặc hơn. Do đó, chúng tôi kiến nghị xã nên khảo sát lại số lượng heo nuôi của các hộ nhằm vận động người dân nuôi đúng số lượng, làm tốt các phương án bảo vệ môi trường. Trong trường hợp nuôi số lượng nhiều thì nên di dời ra địa điểm xa khu dân cư để tránh ô nhiễm, gây bức xúc trong Nhân dân”-ông Chung cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Hứa Văn Hòa-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khươl-cho biết: Xã cũng đã hướng dẫn, vận động các hộ chăn nuôi với số lượng phù hợp và xử lý chất thải để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tới thời điểm này, xã chỉ mới nhận được phản ánh của người dân liên quan tới mùi hôi từ cơ sở chăn nuôi heo của hộ ông Huỳnh Anh Tân và đã phối hợp giải quyết, người dân cũng cho rằng mùi hôi đã giảm. Trong trường hợp người dân vẫn còn phản ánh thì xã sẽ kiểm tra và tiếp tục vận động hộ ông Tân giảm đàn, thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Nếu sau khi giảm đàn mà người dân vẫn tiếp tục phản ánh thì vận động ông Tân di dời chuồng trại đi nơi khác. Ngoài ra, xã cũng sẽ phối hợp với thôn Tân Lập khảo sát lại các hộ chăn nuôi heo nhằm hướng dẫn các hộ thực hiện chăn nuôi theo đúng quy định, đặc biệt là nuôi với số lượng phù hợp, có hầm biogas xử lý chất thải. Hộ nào nuôi với số lượng lớn hơn so với quy định, xã sẽ vận động di dời ra xa khu dân cư. Nếu các hộ không di dời mà vẫn nuôi với số lượng lớn, vượt thẩm quyền của xã thì xã sẽ báo cáo UBND huyện để chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, có chế tài.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.