Nuôi trồng thủy sản: Bấp bênh đầu ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều sông suối, ao hồ tự nhiên cùng với hệ thống hồ thủy điện, thủy lợi lớn rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do đầu ra sản phẩm còn bấp bênh.

Tiềm năng dồi dào

Hiện toàn tỉnh có 619 lồng nuôi cá nước ngọt tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện tập trung ở các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Phú Thiện, Kbang, Đak Đoa và thị xã An Khê. Đáng chú ý, 7 hợp tác xã (HTX) liên kết với hộ dân nuôi trồng thủy sản theo hình thức chuỗi giá trị và có 3 sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Với lợi thế mặt nước từ lòng hồ thủy điện An Khê-Ka Nak, nhiều năm nay, người dân thị xã An Khê đã đầu tư nuôi cá lồng thương phẩm với các loại như: diêu hồng, cá trắm, cá trê… cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Tèo (thôn An Xuân 3, xã Xuân An) cho biết: “Tôi nuôi cá lồng từ năm 2013 đến nay. Hiện tôi nuôi 50 lồng, chủ yếu là cá diêu hồng. Khu vực này nguồn nước ổn định, ít dịch bệnh nên cá phát triển tốt. Cá nuôi từ 8 tháng đến 1 năm là thu hoạch. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, tôi còn cung cấp cá cho một số tỉnh lân cận như: Bình Định, Quảng Ngãi… Mỗi năm, tôi bán khoảng 70 tấn cá”.

Ông Tèo xuống các nhà máy chế biến mua thức ăn cho cá để giảm chi phí. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Tèo xuống các nhà máy chế biến mua thức ăn cho cá để giảm chi phí. Ảnh: Nguyễn Diệp

Tại huyện Đak Đoa, nghề nuôi cá lồng cũng ngày càng phát triển. Ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong-cho hay: Hợp tác xã có 25 lồng nuôi các loại cá như: lăng nha, diêu hồng, rô phi đơn tính, trê… trên lòng hồ thủy điện Đak Krong. Nhờ nguồn nước sạch, có dòng chảy nên việc nuôi dưỡng rất thuận lợi, cá phát triển tốt, ít bị dịch bệnh.

Theo đánh giá của một số địa phương, nguồn nước và điều kiện thời tiết phù hợp là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và PTNT cùng một số huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình nuôi cá nước ngọt trong lồng và các ao hồ tự nhiên. Các mô hình này đã tạo động lực kích thích người dân chú trọng phát triển nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn.

Bấp bênh đầu ra

Tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh rất dồi dào. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá thức ăn cho cá tăng cao, trong khi giá cá thành phẩm bấp bênh, đầu ra hạn chế khiến nhiều hộ nuôi cá lồng bị lỗ. Ông Hoàng Ngọc Khương (thôn 6, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) cho biết: “Tôi đầu tư gần 200 triệu đồng làm 12 lồng nuôi cá trắm, diêu hồng trong lòng hồ thủy lợi đội 6. Tuy nhiên, 2 năm vừa qua, cá đến kỳ thu hoạch rất khó bán và thường bị ép giá nên tôi phải bán lẻ cho người dân trong vùng. Trong khi đó, giá thức ăn trên thị trường liên tục tăng cao nên không chỉ tôi mà một số hộ khác cũng bị lỗ nên rất khó duy trì”.

Mô hình nuôi cá lồng của ông Khương ở thôn 6, xã Ia Nhin. Ảnh: Nguyễn Diệp

Mô hình nuôi cá lồng của ông Khương ở thôn 6, xã Ia Nhin. Ảnh: Nguyễn Diệp

Toàn tỉnh hiện có khoảng 15.400 ha nuôi trồng và khai thác thủy sản, tăng 2,34% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, diện tích nuôi 1.100 ha, diện tích khai thác 14.300 ha. Riêng 6 tháng đầu năm nay, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 1.945 tấn, tăng 22,72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng gặp khó khăn tương tự, ông Tèo cho hay: Trước đây, giá mỗi bao cám trọng lượng 25 kg khoảng 300-350 ngàn đồng thì hiện nay đã tăng lên 500 ngàn đồng, thậm chí có loại hơn 600 ngàn đồng. Cùng với đó, do đầu ra sản phẩm không ổn định nên lợi nhuận của người nuôi cá không nhiều.

“Tôi tự ươm cá giống và đến tận nhà máy ở các tỉnh mua thức ăn về mà còn lao đao. Nếu phải đầu tư mua cá giống, thức ăn đại lý thì người nuôi cá lỗ nặng”-ông Tèo bộc bạch.

Còn ông Hồ Quang-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh thì thông tin: “Hiện nay, người dân trong huyện chủ yếu nuôi trồng thủy sản với quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong hoàn cảnh đó, giá thức ăn đầu vào tăng cao làm cho người nuôi cá gặp nhiều khó khăn”.

Ngoài ra, hiện nay, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản còn hạn chế, người dân chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm. Đối tượng nuôi chưa đa dạng, tập trung chủ yếu là các loại cá truyền thống như: diêu hồng, trắm, rô phi đơn tính… Hơn nữa, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Mô hình nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện Ia Ly (huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Diệp

Mô hình nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện Ia Ly (huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Diệp

Trao đổi với P.V, ông Thái Văn Dũng-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản từng bước phát triển ổn định. Dù vậy, nghề này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do diện tích nuôi trồng thủy sản trong lồng xa khu dân cư, đi lại khó khăn. Nguồn cá giống sản xuất trong tỉnh chưa nhiều mà chủ yếu nhập từ tỉnh khác. Các hộ nuôi cá đặc sản còn đang tự phát, trình độ kỹ thuật còn thấp, quy mô nhỏ lẻ. Đặc biệt, giá con giống, thức ăn tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định khiến người dân gặp không ít khó khăn.

“Để nuôi trồng hiệu quả các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chú trọng công tác quan trắc môi trường để cảnh báo đến người chăn nuôi. Bên cạnh đó, mời gọi các doanh nghiệp, HTX đầu tư nuôi trồng thủy sản nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện. Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Đề án phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, đơn vị đang chờ Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 để chủ động tham mưu kế hoạch tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2030. Đặc biệt, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác đánh bắt thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác theo hình thức tận diệt”-ông Dũng thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Anh Trương Văn Sơn (bìa trái, thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol) giám sát nhân công thu hoạch diện tích khoai lang của gia đình. Ảnh: Vũ Chi

Nông dân Phú Thiện trúng mùa khoai lang

(GLO)- Những ngày này, nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đang bước vào cao điểm vụ thu hoạch khoai lang. So với năm ngoái, vụ khoai lang năm nay được mùa, được giá, nông dân thu lời bình quân trên 130 triệu đồng/ha.

Ông Trần Đình Tuấn (thôn 5, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) cho biết, 3 ha điều của gia đình chỉ cho thu khoảng hơn 2 tấn. Ảnh: L.N

Nông dân kém vui vì năng suất điều giảm sâu

(GLO)- Mặc dù giá tăng cao nhưng người trồng điều trong tỉnh Gia Lai vẫn kém vui vì mất mùa. Nguyên nhân do vào thời điểm điều ra hoa thì gặp trời mưa, không khí lạnh kéo dài, sương muối làm hư hoa, tỷ lệ đậu quả đạt thấp.

Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú và Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 9 khu vực mỏ đất san lấp làm VLXD thông thường. Ảnh: Lê Nam

Gia Lai: Đấu giá thành công 9 mỏ đất làm vật liệu san lấp

(GLO)- Ngày 19-3, tại TP. Pleiku, Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 9 khu vực mỏ đất san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường chưa có kết quả thăm dò khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Nông nghiệp xanh: Giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh

Nông nghiệp xanh: Giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh

(GLO)- Nông nghiệp xanh là xu hướng nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Điểm vượt trội của nông nghiệp xanh so với nông nghiệp truyền thống là tính bền vững, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Khu vực Đông Nam tỉnh đang vào mùa cao điểm thu hoạch thuốc lá. Ảnh: V.C

Đầu tư nâng cao giá trị cây thuốc lá

(GLO)- Khi giá nhiều loại nông sản biến động thất thường thì giá thuốc lá luôn giữ ổn định trong nhiều năm qua. Nhờ liên kết đầu tư cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng thuốc lá được nâng cao, mở ra cơ hội xuất khẩu trong tương lai.

Krông Pa tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Krông Pa tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

(GLO)- Từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện Krông Pa đã triển khai hỗ trợ sinh kế để tiếp thêm động lực giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Ông Ngôn (làng Kon Chră, xã Hra, huyện Mang Yang) thu hoạch mì trồng xen vào diện tích rừng keo. Ảnh: N.D

Mô hình nông-lâm nghiệp kết hợp: Lợi ích kép

(GLO)- Từ năm 2023 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) triển khai mô hình nông-lâm nghiệp kết hợp. Theo đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ mượn đất trồng xen cây mì vào diện tích rừng keo do đơn vị quản lý.