Nuôi dưỡng tình yêu với sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhân Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019 (từ ngày 1 đến 7-10), Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa, Gia Lai) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp cán bộ, giáo viên và học sinh hiểu về tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời đối với sự phát triển toàn diện của cá nhân, trong đó có văn hóa đọc.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Trần Văn Thế-Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An-cho biết: Nhân Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019 với chủ đề “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”, nhà trường đã tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy và rèn luyện nhân cách con người; đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện nhà trường, tổ chức hiệu quả các tiết đọc sách hàng tuần và xây dựng tủ sách pháp luật, tủ sách các lớp.
“Cuốn sách của tôi”
Đó là một phần thi yêu cầu mỗi lớp tối thiểu phải có 1 bài viết với chủ đề “Cuốn sách của tôi” chia sẻ cảm nhận về cuốn sách mà các em yêu thích hoặc cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức, thay đổi cuộc sống của bản thân. Mỗi bài viết là một sắc thái khác nhau, thể hiện những suy nghĩ chân thành. Trong đó, bài viết của em Nguyễn Thị Thùy (lớp 12A4) gây ấn tượng khá mạnh khi bộc bạch cảm tưởng của mình lúc đọc xong cuốn “Hạt giống tâm hồn”. Vốn là một học sinh giỏi tỉnh từ lúc còn đang học lớp 5 nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, Thùy đã từng chán nản, sức học sa sút, thậm chí, em từng nghĩ đến chuyện bỏ học. Nhưng rồi một lần tình cờ, trong giờ giải lao, em đã đọc được cuốn “Hạt giống tâm hồn” tại thư viện trường. Đó cũng là giây phút em nhận ra cuộc sống của bản thân còn nhiều may mắn hơn ngàn vạn mảnh đời bất hạnh khác. Em nghiệm ra chân lý: “Cố gắng, nỗ lực. May mắn sẽ mỉm cười”.
 “Con đường sách” thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh và giáo viên Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa). Ảnh: Doãn Hùng
“Con đường sách” thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh và giáo viên Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa). Ảnh: Doãn Hùng
Sáng tạo hơn, một số lớp còn viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc một cuốn sách mà mình đã đọc. Em Nguyễn Hữu Anh (lớp 11A5) viết tiếp câu chuyện “Cây khế” với những tưởng tượng cho một cái kết viên mãn hơn khi người anh nhận ra sai lầm của mình sau khi nhận được lời khuyên của người cha nơi chín suối.
“Con đường sách”
Đây là hoạt động của tập thể các lớp nhân Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời nên có sự đầu tư bài bản, trách nhiệm. Theo yêu cầu của Ban tổ chức, mỗi lớp phải chuẩn bị ít nhất 40 đầu sách và trưng bày gian hàng trên “Con đường sách” được bố trí trong khuôn viên nhà trường.
Có thể nhận thấy sách được trưng bày tại các gian hàng rất phong phú về thể loại, phù hợp lứa tuổi học sinh; từ truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, sách kỹ năng sống, sách về văn hóa, chính trị, xã hội cho đến pháp luật. Nhiều gian hàng sách khiến chúng tôi thực sự ấn tượng bởi sự sáng tạo trong tạo hình, trang trí như: mô hình nhà dài của dân tộc Jrai, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản đồ Việt Nam, Khuê Văn Các, chùa Cầu... Nhiều lớp còn có số lượng đầu sách vượt xa gấp nhiều lần. Với tổng số 328 đầu sách/457 cuốn, tập thể lớp 12A1 được Ban tổ chức đánh giá rất cao. Ngoài ra, lớp còn dành ra rất nhiều sách để sẵn sàng cho mượn, đổi hoặc mua lại với giá rẻ. Em Phạm Thị Khánh Linh-học sinh lớp 12A1-tâm sự: “Đây là hoạt động trải nghiệm sáng tạo mà em rất thích. Em mong rằng đây sẽ là hoạt động thường niên và được đầu tư nhiều hơn nữa để văn hóa đọc lan tỏa trong nhà trường”.   
Không chỉ học sinh mà các thầy-cô giáo cũng có gian hàng sách tham gia cùng với các em. Theo thầy Nguyễn Doãn Hùng-Phó Hiệu trưởng nhà trường, có khoảng hơn 10 ngàn cuốn sách các loại đã được trưng bày, giới thiệu. “Hiện tại, mỗi lớp đã có 1 tủ sách với rất nhiều đầu sách phục vụ học sinh. Sách ở thư viện trường cũng ngày càng phong phú nhờ chúng tôi tổ chức vận động bằng nhiều cách khác nhau, từ huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đến toàn thể học sinh. Trong đó, cô Nguyễn Thị Hằng-Tổ trưởng Tổ Ngữ văn ủng hộ hàng trăm đầu sách. Từ đó, chúng tôi đã nhất trí đề xuất Tổ Ngữ văn dành hẳn 1 tiết/tuần cho học sinh đọc sách”-thầy Hùng vui vẻ cho biết.
 LÊ ĐỨC THOẠI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.