Trở thành phi công là công việc mà cách đây 5 năm Hà Thu Hường - cơ phó Đội bay A321 không từng nghĩ là mình sẽ làm và có thể làm được.
Nữ cơ phó xinh đẹp sinh năm 1993 |
Sinh năm 1993, Hà Thu Hường hiện đang là cơ phó ở Đội bay A321 của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Sau khi được huấn luyện và học chuyển loại, Thu Hường làm việc cho hãng hàng không quốc gia với vị trí cơ phó được gần 1 năm nay. Công việc hiện tại là thứ mà cách đây 5 năm Hường không từng nghĩ là mình sẽ làm và có thể làm được.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hường theo học một trường đại học ở Hà Nội được 1 năm. Cô từng nghĩ rằng ra trường sẽ làm một công việc hành chính như bao người khác. Nhưng ước mơ một cuộc sống năng động hơn cùng với sự khuyến khích của bố - vốn là một phi công - đã giúp Hường mạnh dạn đăng ký thi tuyển phi công.
May mắn, cô được nhận theo học một trường đào tạo phi công ở Mỹ. Sau 2 năm, Hường về Việt Nam, tiếp tục các khoá học khác và đầu quân cho Vietnam Airlines. Mất tới 4 năm, ước mơ trở thành phi công của cô gái trẻ mới trở thành hiện thực.
Thu Hường chia sẻ, trước khi học phi công, cô chưa từng đi máy bay |
‘Dịp nghỉ hè sau năm đầu tiên học đại học, em định đi làm tiếp viên hàng không, nhưng bố nói thử đăng ký học phi công xem có được không. Ban đầu khi đến với nghề, em có chút lo lắng không biết mình có học được không. Một phần vì em là con gái, cũng không quen biết ai là nữ từng học phi công rồi để xin tư vấn và kinh nghiệm. Nhưng trái với lo lắng của em, trong suốt quá trình học tập và bây giờ là làm việc, các đồng nghiệp nam chia sẻ và giúp đỡ em rất nhiều’ - Hường kể.
‘Từ một người không biết gì về nghề bay, em được học tập và huấn luyện những kỹ năng mới, vì thế không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Có những lúc, em tưởng chừng như mình không thể làm được. Nhưng dần dần, mọi thứ ổn hơn’.
Chia sẻ về những khó khăn của một phụ nữ làm công việc mà theo truyền thống thường dành cho đàn ông, Hường cho rằng mặc dù không có sự chênh lệch nhiều, nhưng ít nhiều phụ nữ ‘chân yếu tay mềm’ hơn về mặt thể lực. ‘Đôi khi, bản lĩnh, tâm lý của phụ nữ cũng không mạnh mẽ bằng đàn ông. Tất nhiên vẫn có những bạn nữ rất cá tính, mạnh mẽ’.
Khác với nhiều người nghĩ, nghề phi công nhiều rủi ro và nguy hiểm, Hường cho rằng tất cả các bộ phận ở dưới mặt đất hay trên buồng lái nơi cô làm việc đều tuân thủ rất chặt chẽ các nguyên tắc về an toàn bay. ‘Vì thế, công việc không nguy hiểm như mọi người vẫn nghĩ, chỉ trừ một số tình huống cần sự bản lĩnh, bình tĩnh một chút’.
Cô cho rằng những phẩm chất quan trọng nhất ở một phi công là sự bản lĩnh, nhanh nhạy và cẩn thận.
Nhớ lại chuyến bay đầu tiên khi còn đang trong quá trình huấn luyện, Hường kể: ‘Trước đó, em chưa từng đi máy bay bao giờ. Lần đầu tiên đặt chân lên máy bay, mà lại là người lái nên em có sợ và run, nhưng sau đó cảm xúc ấy dần nhường chỗ cho sự thích thú’.
Thu Hường và các đồng nghiệp nam |
Hiện tại, Thu Hường cảm thấy hài lòng và yêu thích công việc của mình mỗi ngày. ‘Mỗi chuyến bay, khi nhìn từ trên cao xuống, trong tầm mắt em là những cảnh đẹp của đất nước mình, của các nước trên thế giới. Em cảm thấy mình rất may mắn khi có được những trải nghiệm mà ít người có cơ hội nhận được’.
Mỗi chuyến bay với nữ cơ phó xinh đẹp bây giờ là một niềm vui. ‘Nếu chỉ thấy đi bay là nhiệm vụ, là thứ phải làm thì sẽ rất mệt mỏi. Khi đi bay là làm một việc mình yêu thích thì mọi thứ sẽ rất thoải mái, vui vẻ’.
Hường nói, hiện tại cô đang là cơ phó của máy bay Airbus 321, công việc vừa phải, không quá vất vả hay phải đi đêm nhiều. ‘Lịch bay hiện tại của em khá thoải mái, có đủ thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức. Chủ yếu em bay nội địa và các nước khu vực châu Á’.
Cô cũng chia sẻ rằng khi biết mình là phi công, mọi người thường hỏi thăm công việc có vất vả không, có khó lắm không, hay đi nhiều như thế thì chồng con như thế nào… ‘Đôi khi, thấy mình là nữ lại khoác áo phi công, mọi người cũng nhìn với ánh mắt lạ lẫm và có phần ngưỡng mộ’ - cô cười khi nói.
Công việc đặc biệt này, ngoài việc mang lại cho Hường những niềm vui, trải nghiệm hiếm có còn giúp cô gái trẻ có cơ hội được tiếp xúc với con người ở nhiều vùng đất khác nhau, với những quan điểm sống và nền văn hoá khác nhau.
Hường cho rằng, hầu hết bạn bè học phi công cùng mình đều ra trường và làm đúng nghề đã được đào tạo, bởi vì hầu hết những ai chọn nghề này đều có đam mê và quan trọng nhất là quyết tâm theo học. ‘Để đào tạo một phi công tốn rất nhiều tiền, vì thế ít ai đã quyết định theo học mà bỏ ngang’.
Thu Hường cho biết, một trong số những băn khoăn lớn nhất của các bạn trẻ muốn học nghề phi công là chi phí lớn, tuy nhiên với những bạn có niềm đam mê, cô khuyên các bạn nên cân nhắc bởi vì khi các bạn đã có đam mê và quyết tâm thì tỷ lệ thành công rất cao.
Chia sẻ cuộc sống riêng tư, Hường cho biết, mặc dù bạn trai không làm trong ngành hàng không nhưng rất hiểu và ủng hộ công việc của cô. ‘Bọn em cũng chuẩn bị kết hôn trong năm nay’ - nữ cơ phó chia sẻ.
Nguyễn Thảo - Ngọc Trang (VIE)