Nơi tuyến đầu chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Họ là những y-bác sĩ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các ca nghi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra để hướng dẫn, tư vấn, cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm. Trước căn bệnh với sự lây lan cực mạnh, chưa có thuốc đặc trị, tất nhiên ai cũng lo lắng, sợ hãi nhưng các nhân viên y tế tỉnh Gia Lai thì luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Vượt qua nỗi sợ
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Nhi được phân công nhiệm vụ tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân nếu có dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Khoa Bệnh nhiệt đới tại 2 bệnh viện này sẽ bố trí khu vực cách ly tiếp nhận những ca nghi nhiễm hoặc mắc Covid-19 để chăm sóc, điều trị. Đến thời điểm này, Gia Lai không ghi nhận ca bệnh nào nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các y-bác sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng.
Công tác tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã 10 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên bác sĩ CKI Siu Ru có những trải nghiệm đáng nhớ với nhiệm vụ ở nơi tuyến đầu chống dịch. Bác sĩ Siu Ru kể: “Ngày 2-2, tôi cùng đội phản ứng nhanh lên đường đón một bệnh nhân tại thôn 2 (xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) nghi nhiễm Covid-19 để chuyển đến khu vực cách ly tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Bệnh nhân này trở về từ tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Trước đó, tôi thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, khi đặt vào tình huống thực tế, tôi cũng có chút lo lắng. Dù vậy, tôi vẫn động viên mình phải vượt qua nỗi lo sợ để thực thi nhiệm vụ”.
 Các thành viên đội phản ứng nhanh (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh) hội ý nhanh trước khi đi xác minh trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19. Ảnh: N.N
Các thành viên đội phản ứng nhanh (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh) hội ý nhanh trước khi đi xác minh trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19. Ảnh: N.N
Khi đón bệnh nhân về khu vực cách ly, kíp trực gồm có bác sĩ Siu Ru, 2 điều dưỡng và 1 hộ lý cùng cách ly để phòng-chống lây nhiễm ra bên ngoài, đồng thời đảm bảo công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân đến khi có kết quả xét nghiệm chính thức. “48 tiếng đồng hồ chờ kết quả xét nghiệm là khoảng thời gian rất dài và căng thẳng không chỉ với bệnh nhân mà còn với kíp trực chúng tôi. Mỗi ngày 2 lần, tôi trực tiếp vào thăm khám cho bệnh nhân. Không chỉ chăm sóc sức khỏe mà còn lo chuyện cơm nước, mua những vật dụng sinh hoạt cá nhân khi bệnh nhân có nhu cầu. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thường xuyên động viên để bệnh nhân an tâm cách ly, điều trị”-bác sĩ Siu Ru nói.
Ngày 4-2, khi nhận tin báo bệnh nhân có kết quả âm tính với vi rút corona, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Bác sĩ Siu Ru cùng đồng nghiệp trút bỏ bộ đồ bảo hộ và việc đầu tiên là gọi điện thoại về cho gia đình. “Vợ tôi đang mang thai đứa con đầu lòng. Những ngày qua, cô ấy hết sức lo lắng. Dù vậy, do cả 2 vợ chồng đều là bác sĩ nên chúng tôi dễ dàng cảm thông, chia sẻ và động viên lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ”-bác sĩ Siu Ru chia sẻ.
Nghỉ được 1 ngày, vào ngày 5-2, cũng chính kíp trực của bác sĩ Siu Ru lại tiếp nhận thêm 2 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 cách ly tại đây. Vậy là, bác sĩ Siu Ru và các đồng nghiệp lại bắt tay thực hiện nhiệm vụ mới. Hộ lý Trịnh Thị Quyên cho hay: “Chưa hết mừng vì ca bệnh đầu tiên có kết quả âm tính thì chỉ 1 ngày sau tôi và các đồng nghiệp lại phải cách ly cùng với 2 bệnh nhân khác. Nhiều lần trải nghiệm công tác phòng-chống dịch với ít nhiều kinh nghiệm nhưng chúng tôi cũng không khỏi lo lắng, bởi nếu bệnh nhân mắc bệnh thì mình sẽ là người có nguy cơ lây nhiễm cao. Dẫu vậy, tôi đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, không để nỗi sợ lấn át. May là cả 2 trường hợp trên cũng đều có kết quả xét nghiệm âm tính”.
Sẵn sàng thực thi nhiệm vụ
Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) có 5 bác sĩ, 13 điều dưỡng và 3 hộ lý. Công việc ở đây vốn dĩ đã nhiều, trong mùa dịch lại thêm vất vả, đòi hỏi đội ngũ y-bác sĩ phải nỗ lực gấp đôi để làm tốt nhiệm vụ. “Đã chọn nghề y và làm việc tại khoa truyền nhiễm thì phải xác định tư tưởng sẵn sàng. Cũng lo lắng nhưng chúng tôi tự trấn an để thực thi nhiệm vụ”-bác sĩ CKI Sô Song Hương Ly-Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới-cho biết.
Bác sĩ Siu Ru thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Siu Ru thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Ảnh: Như Nguyện
Công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh 23 năm và chuyển về Khoa Bệnh nhiệt đới từ năm 2003 đến nay, bác sĩ Ly đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng-chống dịch. Chị kể: Thời điểm chị chuyển về khoa đúng vào lúc dịch SARS xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, tại Gia Lai không có ca bệnh nào. Tiếp đến là dịch cúm H1N1 năm 2009, Gia Lai có nhiều trường hợp mắc bệnh phải cách ly điều trị. May mắn là không có ca bệnh nặng, không một nhân viên y tế nào bị lây nhiễm H1N1. “Và nay, chúng tôi tiếp tục đương đầu với Covid-19 có diễn biến phức tạp hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn và tất nhiên nhiệm vụ đặt ra cũng hết sức nặng nề”-bác sĩ Ly nói.
Theo bác sĩ Ly, những người trực tiếp làm công tác phòng-chống dịch là những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao vì phải thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh. Nhưng một khi đã chọn nghề y thì phải chấp nhận và sẵn sàng trong mọi tình huống, chỉ mong mọi người cảm thông, chia sẻ và hợp tác để đội ngũ y-bác sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Cùng với các bác sĩ trực tiếp chăm sóc và điều trị, các nhân viên y tế trong đội phản ứng nhanh phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh những ngày qua cũng tất bật với guồng quay công việc. Mỗi ngày, đội nhận khá nhiều tin báo các trường hợp đi về từ vùng có dịch từ phía cơ quan chức năng và người dân. “Khi nhận được tin báo, chúng tôi lập tức lên đường bất kể giờ giấc để xác minh các trường hợp nghi ngờ và đến tận nơi tư vấn, hướng dẫn cho họ. Trường hợp nào cần cách ly thì chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh cách ly và lấy mẫu xét nghiệm”-ThS. Phạm Khương Sơn-Trưởng khoa Phòng-chống Bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh) cho biết.
Tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, 2 đội phản ứng nhanh phục vụ công tác phòng-chống dịch bệnh được thành lập. Các thành viên luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu. Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm-thông tin: “Đường dây nóng của ngành Y tế tiếp nhận khá nhiều tin báo và Trung tâm đều cử cán bộ, nhân viên đi xác minh. Chúng tôi rất mong muốn người dân tiếp tục có sự chia sẻ, cung cấp thông tin chính xác để Trung tâm có định hướng xử lý phù hợp; các nhân viên y tế phòng-chống dịch cũng đỡ vất vả”. 
Sau 3 trường hợp cách ly do nghi nhiễm Covid-19 đều có kết quả xét nghiệm âm tính, từ ngày 9-2 đến nay, Gia Lai không có thêm trường hợp nào bị cách ly do nghi ngờ nhiễm bệnh. Dẫu vậy, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của những người ở tuyến đầu chống dịch vẫn chưa hết nặng nề. 
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.