Nỗi niềm cựu võ sĩ quyền Anh số 1 Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong lịch sử môn quyền Anh (Boxing) của Gia Lai, võ sĩ Thái Văn Lâm (SN 1988, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) là kiện tướng quốc gia duy nhất. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh sớm treo găng khi đang ở đỉnh cao phong độ.

Ngày đầu gian khó

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Ia Yok, từ nhỏ, Lâm đã đam mê võ thuật. Khi ấy, trong xã chưa có nơi dạy võ, cậu bé gầy gò, dong dỏng cao phải lóc cóc đạp xe đạp đi hơn 10 km ra khu vực ngã tư Biển Hồ (TP. Pleiku) để theo học võ cổ truyền.

Năm 2005, bước ngoặt đến với Lâm khi các võ sư của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh về “tuyển quân”. Sau khi kiểm tra sơ bộ về thể hình, thể lực cũng như các tố chất khác, Lâm chính thức được tuyển vào đào tạo môn Boxing, được võ sư La Hồng Lai (hiện là Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh) đào tạo.

Võ sĩ Thái Văn Lâm (bìa phải) dự định mở câu lạc bộ Boxing để thực hiện ước mơ “truyền lửa” cho các em có cùng đam mê. Ảnh: Văn Ngọc

Võ sĩ Thái Văn Lâm (bìa phải) dự định mở câu lạc bộ Boxing để thực hiện ước mơ “truyền lửa” cho các em có cùng đam mê. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Lâm bộc bạch: “Tôi ao ước được đi học võ, được lên võ đài thi đấu. Những ngày đầu, tôi lao vào tập luyện liên tục với ước mơ trở thành võ sĩ chuyên nghiệp. Có những hôm, mẹ lên thăm, thấy con mình mắt sưng húp vì những cú đấm thì khóc dữ lắm và muốn tôi nghỉ. Nhưng tôi quyết tâm xin ở lại vì đã yêu môn quyền Anh rồi”.

Cũng theo anh Lâm, thời điểm đó, chế độ ăn uống, tập luyện, thi đấu dành cho vận động viên (VĐV) khá eo hẹp. Nhiều người bỏ dở giữa chừng. Chính anh đã có những khoảng thời gian khó khăn. Song được sự động viên, đồng hành của võ sư La Hồng Lai, anh quyết tâm khẳng định mình. Tại các giải đấu khu vực hay toàn quốc, 1 thầy, 1 trò với chiếc xe máy lại lên đường thi đấu.

“Đôi lúc cũng cảm thấy tủi thân vì chỉ có 2 thầy trò trong hành trình tham gia thi đấu từ giải này đến giải khác. Song, đó cũng là động lực để tôi quyết tâm hơn mỗi khi lên đài để chứng minh rằng càng khó khăn mình càng phải vượt lên”-anh Lâm chia sẻ.

Với lối đánh mạnh mẽ, lì lợm cùng khả năng di chuyển nhanh nhẹn, anh nhanh chóng trở thành võ sĩ đáng gờm của làng Boxing quốc gia. Anh liên tiếp giành huy chương vàng ở các giải đấu khu vực miền Trung-Tây Nguyên và trở thành kiện tướng Boxing quốc gia trong 3 năm liền (2008-2010) khi lọt vào chung kết các giải đấu cấp quốc gia.

Sự nghiệp dở dang

Ấn tượng khó quên nhất trong những lần so găng là khi anh đánh bại tay đấm nổi tiếng Trương Đình Hoàng (Đak Lak) tại Giải Cúp các câu lạc bộ Boxing mạnh toàn quốc 2009. Lúc đó, VĐV Trương Đình Hoàng đang là võ sĩ của đội tuyển quốc gia. Nhưng Thái Văn Lâm đã tạo nên bất ngờ khi hạ gục võ sĩ của đội chủ nhà và trở thành võ sĩ Việt Nam cuối cùng hạ gục được Trương Đình Hoàng. Bởi từ đó đến nay, võ sĩ người Đak Lak là VĐV bất bại ở các giải đấu quốc nội và còn là tay đấm đầu tiên trong lịch sử quyền Anh Việt Nam đoạt đai WBA châu Á và WBA Đông Á.

Thái Văn Lâm chính là võ sĩ Quyền Anh Gia Lai giàu thành tích nhất. Ảnh: Văn Ngọc

Thái Văn Lâm chính là võ sĩ Quyền Anh Gia Lai giàu thành tích nhất. Ảnh: Văn Ngọc

Còn nhớ, trong một lần chia sẻ trước ống kính truyền hình, võ sĩ Trương Đình Hoàng cho rằng, trận thua trước võ sĩ Gia Lai mang đến bài học lớn vì trước đó anh khá kiêu ngạo, có phần coi thường đối thủ. Còn với võ sĩ Thái Văn Lâm, ngoài những tấm huy chương bạc ở các giải Boxing cấp quốc gia, anh là VĐV Boxing đầu tiên của Gia Lai giành huy chương bạc tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VI-2010 được tổ chức tại tỉnh Đak Lak và đối thủ của anh chính là Trương Đình Hoàng.

Với những thành tích trên, những tưởng võ sĩ Thái Văn Lâm sẽ có những bước tiến dài trong sự nghiệp khi đang ở đỉnh cao phong độ ở tuổi 22 thì anh bất ngờ tuyên bố giải nghệ. Sau khi lập gia đình (năm 2009), anh chịu nhiều áp lực về kinh tế, khi mà chế độ cho VĐV không đủ để anh chăm lo tổ ấm. Là kiện tướng quốc gia, anh được tuyển thẳng vào Trường Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh nhưng cũng đành gác lại. “Khi thổ lộ nguyện vọng với thầy Lai, 2 thầy trò đã khóc rất nhiều. Thầy động viên tôi ở lại nhưng hoàn cảnh của tôi không cho phép”-anh Lâm tâm sự.

Treo găng, anh lao vào làm đủ mọi việc để lo cho cuộc sống gia đình. Dẫu vậy, anh vẫn một lòng đau đáu với niềm đam mê Boxing. Trên gương mặt anh bây giờ vẫn còn in dấu những đòn đánh của đối thủ năm xưa với vết thương bị gãy sống mũi. Những hôm trái gió trở trời, anh lại bị đau đốt sống cổ, đau đầu. Không thể quay lại con đường võ sĩ chuyên nghiệp, thỉnh thoảng, anh vẫn đến tập luyện tại một câu lạc bộ gym ở TP. Pleiku và hướng dẫn cho các võ sinh ở đây.

Anh Lâm chia sẻ: “Tôi vẫn luôn mong muốn mình làm được điều gì đó cho Boxing Gia Lai, nhất là giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn để không bị bỏ lỡ đam mê như mình ngày trước. Tôi dự định sẽ mở câu lạc bộ Boxing để thực hiện ước mơ “truyền lửa” cho các em có cùng đam mê với mình”.

Võ sư La Hồng Lai: “Thái Văn Lâm là VĐV đi lên từ gian khó nên có nghị lực, quyết tâm cao trong tập luyện và thi đấu. Không dễ gì đào tạo được một kiện tướng quốc gia ở môn Boxing như vậy. Đáng tiếc là vì hoàn cảnh nên Lâm không thể tiếp tục. Hy vọng Lâm sẽ thực hiện được ước mơ mở câu lạc bộ Boxing để truyền lại cho các thế hệ sau những gì em đã được học, đã trải qua trong các lần thượng đài”.

Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Toàn (bìa phải) trong hành trình đạp xe xuyên Việt. Ảnh: L.V.N

Xuyên Việt bằng xe đạp ở tuổi lục tuần

(GLO)- Với những thanh niên khỏe mạnh, việc đạp xe xuyên Việt đã là thử thách rất lớn vì đòi hỏi thể lực, sức bền cùng sự quyết tâm. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1962, tổ 5, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đã làm được điều đó khi ở tuổi lục tuần.