(GLO)- Béo phì ở trẻ đang có dấu hiệu gia tăng và nguy hiểm hơn khi ngày càng có nhiều trẻ bị béo phì ở giai đoạn từ 0 đến 36 tháng tuổi. Béo phì được coi là một trong những nguyên nhân gây ra một số bệnh cho trẻ nhưng dường như nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa nhận thức đúng đắn về nguy cơ này.
Trẻ bị béo phì ngày càng sớm
Ảnh minh họa |
Đây là đánh giá của bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Trưởng khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Nhi Gia Lai. Thực tế cho thấy, trẻ bị thừa cân ở giai đoạn từ 0 đến 36 tháng tuổi đang có dấu hiệu gia tăng. Ngoài những yếu tố do gen hoặc do trẻ bị một số bệnh khi vừa mới sinh ra thì nguyên nhân chủ yếu, theo bác sĩ Thành, là vì trẻ được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ quá sớm, thiếu vận động và chế độ ăn uống không phù hợp. “Các bậc phụ huynh dường như ngày càng bận rộn với công việc nên đã không có nhiều thời gian vui chơi cùng con cái và giải pháp nhanh gọn nhất có lẽ là cho trẻ xem, chơi điện thoại, iPad, ti vi để trẻ chịu ngồi yên. Đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ thụ động, lười vận động dẫn tới bị thừa cân”-bác sĩ Thành cho biết.
Cũng theo bác sĩ Thành, chế độ ăn uống không phù hợp với thể trạng của trẻ cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị thừa cân. Ngày nay, rất nhiều bà mẹ trẻ vì nhiều lý do mà không cho con bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc cho trẻ bú dặm sữa công thức ngay những tháng đầu đời vì sợ con kém phát triển khi chỉ bú sữa mẹ. “Đây là điều hoàn toàn không tốt bởi sữa công thức chỉ dành cho những trẻ không thể bú sữa mẹ vì lý do nào đó, đặc biệt khi trẻ ở 6 tháng đầu đời. Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ rất chuộng sữa Tây mà không biết rằng có nhiều loại sữa xuất xứ từ các nước phương Tây tuy rất tốt nhưng lại không phù hợp với thể trạng của người châu Á. Các loại bột ăn dặm được chế biến sẵn thường chứa rất nhiều chất béo lại được nhiều bà mẹ lựa chọn cho con khi đến tuổi ăn dặm vì sự tiện lợi của chúng. Tất cả những điều đó đã khiến cho tình trạng trẻ bị béo phì ngày càng sớm”-bác sĩ Thành phân tích.
Cần nhiều giải pháp can thiệp
Khi có con bị béo phì còn khổ sở gấp nhiều lần so với việc con bị suy dinh dưỡng thấp còi bởi riêng chuyện phải hạn chế cho con ăn uống đã gây ra nhiều khó khăn. Đây là cảm nhận của chị N.T.T. (phường Ia Kring, TP. Pleiku). Chị T. tâm sự: “Cậu con trai út bị phát phì khi đến tuổi đi học mẫu giáo vì tôi đã “tẩm bổ” quá đà và ít cho cháu vận động. Khi nhận ra béo phì là nguyên nhân của nhiều bệnh và thấy cháu nặng nề, đi lại chậm chạp, tôi mới bắt đầu thấy lo lắng nên phải lên kế hoạch giảm cân cho cháu. Tôi thường xuyên phải hạn chế cho con ăn vì lúc nào cháu cùng thèm ăn. Nhưng không cho con ăn thì lại thấy tội”. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của bác sĩ dinh dưỡng khi có một chế độ ăn nhiều chất xơ, hạn chế tinh bột và kết hợp vận động với các môn thể thao, võ thuật, vui chơi ngoài trời, chị đã thành công trong việc giảm cân cho con.
Việc cho trẻ vận động nhiều, tránh xa các thiết bị công nghệ và có một chế độ ăn uống hợp lý là những giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng béo phì. Tuy nhiên, tất cả những giải pháp này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Tại Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) hiện có 27/560 cháu bị thừa cân béo phì. Tỷ lệ này tuy không cao nhưng nhà trường đã áp dụng một chế độ ăn riêng, vận động riêng cho các cháu. “Nhà trường không cắt giảm khẩu phần ăn của các cháu mà chỉ điều chỉnh cho phù hợp khi bớt đi lượng tinh bột, tăng cường rau, canh để đảm bảo các cháu được ăn no nhưng không nạp thêm quá nhiều năng lượng thừa vào cơ thể. Ngoài ra, với 27 cháu này thì các cô giáo cho đi tập thể dục, chạy bộ hay chơi các trò chơi tại khu vận động ngoài trời nhiều hơn”-cô Nguyễn Thị Thanh Hà-Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản chỉ đạo các trường bán trú có kế hoạch phòng-chống thừa cân béo phì cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn bán trú và tạo điều kiện cho trẻ vận động nhiều nhất có thể. Các thực đơn cân bằng dinh dưỡng yêu cầu được áp dụng phù hợp với từng đối tượng học sinh. Trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi thì bổ sung thêm năng lượng, còn trẻ bị béo phì thì hạn chế nhưng không phải cắt bớt khẩu phần ăn mà là thay đổi để các cháu vẫn được ăn đủ số lượng mà không nạp quá nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị trường học phải thường xuyên tuyên truyền về nguy cơ bệnh tật cho trẻ khi bị thừa cân béo phì, chia sẻ những thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho các phụ huynh có con bị béo phì để gia đình có sự phối hợp tốt với nhà trường trong việc giảm cân nặng cho các cháu”. |
Tuy nhiên, theo cô Hà, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc hạn chế tình trạng béo phì ở trẻ khi bữa ăn ở nhà vẫn có quá nhiều năng lượng với các thức ăn công nghiệp, nước ngọt có ga... “Nhiều bậc phụ huynh vẫn mang quá nhiều sữa, sữa chua cho con khi đến lớp. Cô giáo không cho ăn hết thì không hài lòng nên với những trường hợp này, chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở về nguy cơ bệnh tật mà tình trạng thừa cân béo phì gây ra. Thế nhưng, một số phụ huynh cho rằng béo mới tốt, mới khỏe”-cô Hà bày tỏ thêm.
Nguyễn Giang