Với tập thơ Khúc rời những con chim quên tổ (NXB Thuận Hóa) ra mắt bạn đọc đầu năm 2025, nhà thơ Lê Vĩnh Thái (Thừa Thiên Huế) góp thêm một thanh âm lạ, đáng ghi nhận trong tiến trình thơ đương đại.
Tập thơ chạm đến nhiều chủ đề, nhưng ngẫm trong nỗi quay quắt thơ anh, ta như thấy quê hương anh, quê hương mỗi người hiện diện đâu đó với bao đau đáu.
![]() |
Quê hương trong thơ Lê Vĩnh Thái vừa cụ thể mà cũng vừa ẩn dụ, ở đó vùng tâm tưởng được hồi sinh từ những trầm tích ký ức. Dòng ký ức khi xiết cuộn, khi thâm âm như rơi vào tĩnh lặng để độc thoại, để hồi nhớ, để ngậm ngùi. “con lạy mạ sông thơm ở nước từ tâm/ đăng điệu cổ ca sơ diếp hồng hư ha ha hào sảng/ bình yên sông trên lòng sâu/ chảy miết không hư hao/ phơi phới tảng rêu rau dòng cạn…” (Con cúi đầu lạy sông).
Những hình ảnh “nước từ tâm”, “đăng điệu cổ ca”, “tay mẹ quẫy bóng mình”… khiến thơ Lê Vĩnh Thái khẽ khàng chạm vào, làm đầy thêm những thiếu hụt trong tâm hồn tha hương...
Hay ở một thi phẩm khác, anh tiếp tục truy tìm hình hài tuổi thơ đã bị thời gian bào mòn. “Tôi tìm lại mình/ tuổi thơ cồn cào dòng chảy/ ngày thanh trà chín rộ/ quả chao nghiêng bên dáng nội còng lưng/ tiếng ho khan ụ đầy cổ họng, bần bật giấc không yên/ đánh thức con giấc ngái ngủ sang hè// Quê nội/ con đường ăn mòn trí tưởng/ qua nhà mình nhớ ngõ nhà xa/ bàn chân chậm dần nhịp bước/ ngắn đi bao chiều/ tôi đứng/ dáng hình loang lổ/ nghe trầm tích vụn vỡ dưới chân mình...” (Quê nhà mình nhớ ngõ nhà xa)
Nhưng có lẽ, tập thơ này chạm mạnh nhất vào người đọc chính là ở những “khúc rời”: “những con chim bay đường thiểu năng/ reo rắt sinh trưởng bằng cái chết đồng loại/ ngày ảm đạm khuôn mặt dật dờ bóng tối/ giấc mơ đăng quang trên bầu trời hư danh ảo vọng/ quẩn quanh mùa đông// những con chim cánh đã mỏi mòn/ đồng xa lây lất trú giấc phù du chao liệng quanh chiếc tổ của đường/ bay mang tên tu hú/ mơ hồ sợi dây vô hình lửng lơ trên bầu trời/ ký sinh tao nôi kẻ khác/ tận diệt ảo tượng chếnh choáng” (Khúc rời những con chim quên tổ). Ở đây, Lê Vĩnh Thái không chỉ viết về loài chim. Anh viết về sự lạc hướng, sự vay mượn bản sắc, những giấc mơ rỗng… Chất suy tưởng mang sắc thái triết học hiện sinh thấm đẫm trong nhiều bài thơ anh, cho thấy một giọng điệu riêng, ý thức tự xác lập bản sắc của mình.
Khúc rời những con chim quên tổ là một tập thơ không dễ đọc, bởi nó không dẫn dắt người đọc theo một tuyến cảm xúc mạch lạc, mà là những chùm âm thanh đứt đoạn, những hình ảnh rời rạc bất ngờ, nên đôi khi thơ anh tạo cảm giác đứt quãng. Nhưng chính điều đó khiến thơ Lê Vĩnh Thái trở nên khác biệt, buộc người đọc phải nghĩ suy, mở rộng hình dung, đào trường liên tưởng để có thể tiếp cận với những vẻ đẹp hiếm và quý.
NGÔ PHONG