Những phụ nữ dân tộc thiểu số lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Sê đã mạnh dạn tìm hướng đi mới để khởi nghiệp. Không chỉ phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống, họ còn tạo nguồn cảm hứng tích cực lan tỏa đến nhiều chị em phụ nữ.

Quyết định khởi nghiệp khi đã ở tuổi 50, bà Hoàng Thị Thúy (thôn Mỹ Thạch 3, thị trấn Chư Sê) người dân tộc Nùng vẫn kiên định với đam mê tạo ra dòng sản phẩm cà phê sạch, hướng đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Để khởi nghiệp, năm 2016, bà quyết định thu mua sản phẩm cà phê được trồng theo hướng hữu cơ của bà con trên địa bàn để về trực tiếp rang xay và tạo ra cà phê nguyên chất.

Thế nhưng, kết quả không như mong đợi, bà đã thất bại ngay lần đầu đưa sản phẩm ra thị trường. Bởi lẽ, người dân vẫn chưa quen với hương vị cà phê mới, chưa thể phân biệt được cà phê sạch với các loại cà phê pha trộn. Không nản lòng, bà tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật với quyết tâm chinh phục khách hàng.

Ngoài việc học cách rang xay cà phê, bà còn thực hiện các quy trình khép kín từ khâu thu hoạch, chế biến, đóng gói để đảm bảo các sản phẩm cà phê luôn giữ được nguyên vị.

Sau hơn 8 năm kinh doanh với nhiều thử thách, đến nay, sản phẩm cà phê sạch mang thương hiệu Thanh Thúy đã có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Có thời điểm, cơ sở của bà xuất bán ra hơn 50 kg cà phê rang xay mỗi ngày, với giá 120-220.000 đồng/ký.

khoi-nghiep-o-tuoi-50-ba-hoang-thi-thuy-thon-my-thach-3-thi-tran-chu-se-da-tao-ra-dong-san-pham-ca-phe-sach-anh-mai-ka-7731.jpg
Khởi nghiệp ở tuổi 50, bà Hoàng Thị Thúy (thôn Mỹ Thạch 3, thị trấn Chư Sê) đã tạo ra dòng sản phẩm cà phê sạch. Ảnh: Mai Ka

Nhận xét về hội viên Hoàng Thị Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Chư Sê Đoàn Thị Ánh Hồng cho biết: Chị Thúy rất năng động, không ngại thử thách để xây dựng thành công thương hiệu cà phê sạch. Đây là tấm gương sáng để nhiều hội viên, phụ nữ noi theo và lấy đó làm động lực để tự tin theo đuổi đam mê khởi nghiệp. Đặc biệt, chị còn là người có tấm lòng nhân ái, thường xuyên chung tay tổ chức các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ hội viên khó khăn và người nghèo trên địa bàn huyện.

Tương tự, với suy nghĩ “phải làm giàu từ nông nghiệp”, chị Siu Yăm (làng Hlú, xã Ia Tiêm) đã trở thành gương điển hình về khởi nghiệp phát triển kinh tế trên địa bàn. Lập gia đình từ khi rất trẻ, vợ chồng chị gặp khó khăn về kinh tế, nhiều năm thuộc diện hộ nghèo của xã. Không cam chịu để cái nghèo đeo bám, chị Yăm luôn trăn trở, nghĩ cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

“Tôi luôn nung nấu ước mơ làm giàu từ nông nghiệp trên mảnh đất quê hương mình. Năm 2015, tôi bàn với chồng thuê 1 ha đất để trồng bắp, mì, khoai lang… Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 50 triệu đồng. Sau 3 năm, với số vốn tích lũy được và mạnh dạn vay thêm vốn, tôi đã mua được 4 ha đất để trồng xen cà phê với bơ nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích”-chị Yăm cho biết.

Ngoài ra, chị cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn và học hỏi kinh nghiệm để chăm sóc cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ vậy, mỗi vụ, gia đình chị thu về trên 300 triệu đồng từ cà phê và gần 200 triệu đồng từ cây bơ. Ngoài trồng trọt, chị Yăm còn chăn nuôi thêm heo, gà và canh tác 4 sào lúa.

chi-siu-yam-ben-trai-anh-lang-hlu-xa-ia-tiem-khoi-nghiep-thanh-cong-tu-nong-nghiep-anh-mai-ka-6363.jpg
Chị Siu Yăm (bìa trái, làng Hlú, xã Ia Tiêm) khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp. Ảnh: M.K

Nói về mô hình khởi nghiệp của chị Yăm, bà Nguyễn Thị Thảo-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Tiêm-cho rằng: Nhờ tinh thần dám nghĩ, dám làm mà chị Yăm đã vươn lên làm giàu một cách bền vững. Bên cạnh sản xuất giỏi, chị Yăm còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều phụ nữ khác trong làng để cùng phát triển hiệu quả kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Được biết, để khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Sê triển khai thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn xã Dun giai đoạn 2017-2025”. Hội cũng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phụ nữ xây dựng kế hoạch, ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp, nhất là hội viên người dân tộc thiểu số.

Có thể bạn quan tâm

Tích hợp giá trị sản phẩm OCOP

Tích hợp giá trị sản phẩm OCOP

Sau 6 năm triển khai trên toàn quốc, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ, được xem là một trong những giải pháp chiến lược nâng cao giá trị nông sản, tích hợp đa ngành, phát triển công nghiệp nông thôn, các làng nghề truyền thống và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Lão nông Jrai mê làm giàu

R’com Hlung: Lão nông Jrai mê làm giàu

(GLO)- Ông R’com Hlung (làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là người rất mê làm giàu. Ở tuổi ngoài 60, ông vẫn tích cực học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ia Sao: Lan tỏa phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

Ia Sao lan tỏa phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) có sức lan tỏa sâu rộng, phát huy tính năng động, sáng tạo của hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Thời gian qua, nhờ triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, tài nguyên rừng trên địa bàn lâm phần do ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê được quản lý tốt hơn. Ảnh: Lê Nam

Gia Lai công bố một số thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực lâm nghiệp và kiểm lâm

(GLO)- Ngày 20-9, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đã ký ban hành Quyết định số 488/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm; 6 thủ tục hành chính mới và 4 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực lâm nghiệp và kiểm lâm thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và PTNT.