Chuyện những chàng trai của nhóm SOS Sài Gòn cứu giúp người gặp nạn trong đêm khuya cùng nhiều câu chuyện về sự tử tế của người trẻ sẵn sàng hiến dâng sức lực cho cộng đồng đã làm lay động biết bao người...
Chuyện đẹp không bao giờ phai
Hằng ngày, có thể bắt gặp đâu đó ở công viên, những gương mặt trẻ lăn lộn bán từng hộp bánh, từng móc khóa tự làm để tạo quỹ giúp đỡ người khó khăn. Những đêm cuối năm lạnh, họ vẫn xuống đường với những bát cháo nóng làm ấm lòng người vô gia cư…
Thành viên nhóm SOS Sài Gòn vá xe miễn phí cho người đi đường. |
Đó là câu chuyện của Thái Duy Đức, chàng trai khuyết tật, đưa người bạn bại liệt chỉ mới quen được 2 ngày, từ Lâm Đồng xuống TP.HCM chữa bệnh. Rồi hình ảnh hằng ngày chàng trai ngồi xe lăn này túc trực bên giường bệnh, lau mát cho bạn trong những cơn sốt, lo miếng ăn giấc ngủ cho bạn, trong khi ngay bản thân Đức cũng bị bệnh không kiểm soát được việc tiểu tiện. Câu chuyện đã lay động nhiều tấm lòng, nhiều người bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Vũ Huy Cảng, sinh viên Trường ĐH Điện lực Hà Nội, chạy xe ôm kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng đã tìm mọi cách để trả lại 320 triệu đồng khách bỏ quên. Câu chuyện này đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng khi được mọi người chia sẻ “chóng mặt” vì ngưỡng mộ hành động tử tế của Cảng.
Cũng có những người trẻ dành thời gian, công sức chỉ muốn giúp xã hội, giúp đỡ người khác. Đó là 3 sinh viên Trường ĐH Gia Định. Các sinh viên này dành rất nhiều thời gian đi theo người khiếm thị khi di chuyển trên đường để thấu hiểu những khó khăn của họ, để rồi từ đó nghiên cứu và sáng tạo gậy dẫn đường thông minh tặng miễn phí cho người khiếm thị.
Tiếp tục cống hiến
Khi được hỏi về dự định trong năm tới của nhóm, Hồ Tuấn Sáng, Trưởng nhóm SOS, cho hay: “Tụi mình mong muốn có thêm nhân lực để phủ sóng khắp thành phố và có thể phục vụ người dân 24/24. Năm tới, nhóm mình sẽ tổ chức các đợt tuyển tình nguyện viên để nhiều người trẻ có cơ hội được đóng góp, giúp ích cho cộng đồng. Dự định lớn nhất trong năm tới của nhóm là xây dựng đội ngũ vừa đi giao hàng vừa hỗ trợ kịp thời các sự cố của người dân”.
Còn Võ Chí Hiếu, một trong 3 chàng trai sáng tạo gậy dẫn đường thông minh cho người khiếm thị, thì dự định: “Sẽ cố gắng cân bằng công việc để có thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như có nguồn kinh phí sáng chế gậy. Ước muốn lớn nhất của tụi mình là tất cả người khiếm thị đều được sử dụng gậy miễn phí”.
Với Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, thì: “Mình sẽ cố gắng lao động để có được nhiều điều kiện giúp ích cho xã hội. Mới đây, cơn bão số 16 đã làm thiệt hại rất nhiều hoa màu ngoài đảo Trường Sa. Nhìn thấy những tấm hình các anh gửi về khiến mình trăn trở. Mình đang tiếp tục nghiên cứu mô hình nhà kính tích hợp được nhiều tính năng và có khả năng chịu đựng được mưa bão cao. Có như thế, các vườn rau ngoài đảo mới được đảm bảo”.
Trong suốt năm qua, Sang đã đóng góp mô hình trồng rau tiết kiệm nước cho Trường Sa. Không những vậy, Sang còn liên tục liên lạc, tư vấn cho các chiến sĩ ngoài đảo những phương pháp, cách thức để giữ nước cho cây trồng.
Đêm khuya cần nhớ 2 số điện thoại... Thanh Nam |
Nữ Vương/thanhnien