Những người lặng lẽ giúp cuộc đời đẹp thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
10 cá nhân được tặng Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023 có chung một niềm mong mỏi, là được chung tay góp sức mình vào các hoạt động cộng đồng.

Đam mê tình nguyện

Nguyễn Trường Giang, Chủ nhiệm CLB Chú Ve Xanh, tỉnh Cà Mau, là một trong 10 cá nhân vinh dự được tặng Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023.

Giang cho biết CLB được thành lập vào năm 2022, với hàng trăm thành viên. Hoạt động của CLB là tìm hiểu các địa điểm bị ô nhiễm, rác thải tồn đọng, sau đó tổ chức thực hiện thu gom. Không những thu gom rác ở các xã, phường ở TP.Cà Mau, Giang cùng các thành viên của CLB đến nhiều huyện khác trong tỉnh.

"Chúng mình mong xóa bỏ những tụ điểm rác tự phát, lan tỏa tinh thần và nâng cao nhận thức của người dân, cùng chung tay bảo vệ môi trường", Giang chia sẻ.

Trò chuyện với PV Thanh Niên, Giang nói: "Sở dĩ mình yêu thích tình nguyện vì muốn góp sức vào những hoạt động cộng đồng để giúp ích cho xã hội". Nhờ tham gia tình nguyện, Giang cho biết bản thân đã trưởng thành hơn, học hỏi được nhiều kinh nghiệm để giúp đỡ người khác. "Và chỉ có tình nguyện mới giúp bản thân mình những điều đó", Giang thổ lộ.

Nguyễn Trường Giang (phải), Chủ nhiệm CLB Chú Ve Xanh, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Thanh Nam

Nguyễn Trường Giang (phải), Chủ nhiệm CLB Chú Ve Xanh, tỉnh Cà Mau. Ảnh:

Thanh Nam

Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel, cũng được tặng Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023.

Việt chia sẻ: "Năm 2022, FAS Angel được nhận giải thưởng tập thể. Năm nay, mình vinh dự nhận giải thưởng cá nhân. Đây là niềm vinh dự quá đỗi tự hào mà có thể cả cuộc đời này khó được cơ hội lần 2 để nhận".

Theo Việt, một trong những điều mà nhiều người thiếu hiện nay là kỹ năng sinh tồn cho bản thân, sơ cấp cứu ngoại viện để giúp đỡ người khác. Vì thế, Việt bắt đầu tìm hiểu, học hỏi các chuyên gia trong và ngoài nước để lĩnh hội những kiến thức sơ cấp cứu ngoại viện. Sau đó, thành lập FAS Angel. Đến nay đội có hơn 100 thành viên.

"FAS Angel là một mảnh ghép khác nhau về hoàn cảnh, độ tuổi, nghề nghiệp… Nhưng tất cả thành viên có điểm chung là tinh thần vì mọi người, sẵn sàng lan tỏa yêu thương đến với cộng đồng. Trong nhiều năm nay, mình và các thành viên của đội rong ruổi khắp các tuyến đường ở TP.Hà Nội để giúp đỡ, sơ cấp cứu những trường hợp không may bị tai nạn, qua đó giúp giảm thiểu tình trạng thương vong. Trung bình mỗi năm, FAS Angel thực hiện hơn 1.000 ca sơ cứu, với khoảng 600 vụ tai nạn giao thông có mức độ khác nhau…", Việt nói.

Việt tâm sự: "Mình cảm nhận tinh thần tình nguyện của người trẻ thật sự rất tuyệt vời. Thật tự hào khi mình được đứng trong hàng ngũ những tình nguyện viên đầy nhiệt huyết. Mình mong rằng người trẻ tham gia tình nguyện ngày càng nhiều, dốc sức mình vào các hoạt động cụ thể để cuộc đời này đẹp đẽ hơn".

Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel. Ảnh: Thanh Nam
Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel. Ảnh: Thanh Nam

Tạo nên những giá trị bền vững

Một gương mặt khác nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023 là nhân vật từng được Báo Thanh Niên viết bài, thầy giáo Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu, giáo viên - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Mây, H.Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.

Chuyền là Chủ nhiệm CLB Vì đàn em thân yêu, với mong muốn trở thành "địa chỉ gieo duyên", kết nối những tấm lòng thơm thảo trên khắp cả nước, để cùng hùn hạp đóng góp nhằm giúp đỡ thật nhiều học sinh.

Theo Chuyền, tất cả hoạt động đều hướng đến mục đích chăm lo cho thiếu nhi. Có thể kể như các chương trình: "Sách giáo khoa cho em", "Bảo hiểm y tế cho em", "Thắp sáng ước mơ", "Xe đạp nâng bước tương lai", "Tiếp sức đường dài", "Cùng em đến trường", "Dạy bơi miễn phí"…

Chính những hoạt động của Chuyền và CLB đã giúp được rất nhiều đứa trẻ ở Đắk Lắk, đặc biệt là học sinh nghèo thoát cảnh thất học, cũng như có cái ăn cái mặc, được đủ đầy dụng cụ học tập khi đến trường như bạn bè cùng trang lứa ở những nơi khác.

"Mình rất vui và hạnh phúc khi nhận giải thưởng lần này. Mình muốn lan tỏa câu chuyện tình nguyện vì cộng đồng của người trẻ Việt Nam. Mình mong sao người trẻ cùng chung tay xây dựng cộng đồng ngày càng tốt đẹp, để lại những giá trị tích cực", Chuyền tâm sự.

Theo Chuyền, một tín hiệu đáng mừng là phong trào tình nguyện của giới trẻ ngày càng phát triển, có chiều sâu, tạo nên các giá trị bền vững, góp phần giải quyết những vấn đề của địa phương. Đặc biệt là góp phần phát triển kinh tế xã hội của những vùng sâu, vùng xa.

Chuyền tâm niệm: "Sống không chỉ là tồn tại. Vì thế, hy vọng rằng bất kỳ người trẻ nào cũng hãy tạo ra những giá trị tích cực cho bản thân bằng cách lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội".

Thời gian tới, Chuyền cho biết sẽ tiếp tục xây dựng những chương trình hành động, thiện nguyện có tính bền vững, lâu dài và tạo sự ảnh hưởng trong cộng đồng, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực hỗ trợ giáo dục, chăm sóc trẻ em.

Thầy giáo Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu, giáo viên - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Mây, H.Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Lê Thanh

Thầy giáo Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu, giáo viên - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Mây, H.Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Lê Thanh

Trà Thị Thu, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, H.Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: "Rất bất ngờ và vinh dự khi nhận được giải thưởng cao quý này. Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023 là động lực cho mình trong thời gian sắp đến, và cũng là trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng".

Thu cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục những công việc đang làm và tìm thêm những cách, phương án hay để giúp cộng đồng khó khăn một cách bền vững hơn.

Thu là người trải qua những hành trình gian khó trong việc gieo con chữ đến với trẻ em ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Nhưng bằng tình yêu thương trẻ em, Thu đã vượt qua được tất cả những khó khăn để tạo nên nhiều dấu mốc ý nghĩa trên hành trình dạy học.

Suốt những năm qua, Thu đã cùng câu lạc bộ "Kết nối yêu thương Nam Trà My" kêu gọi, vận động các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện, thiện nguyện hỗ trợ được nhiều bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh. Thu cũng vận động được hàng trăm suất quà gồm: các loại cây giống, dược liệu, dụng cụ lao động, lương thực, thực phẩm… để hỗ trợ người dân.

Bên cạnh đó, Thu còn tham gia nhiều hoạt động ngoài giờ dạy học như: trồng rau sạch, chăn nuôi heo, gà để cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Những việc làm của Thu đã tạo hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa, được người dân và học sinh yêu thương và quý mến. Đồng thời góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh cũng như bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Nam Trà My.

"Mình ước mong tiếp tục mang thêm nhiều con chữ và niềm tin về một ngày mai tươi sáng cho các em học sinh thân yêu của vùng cao đầy gian khó", Thu bộc bạch.

Thu nhắn nhủ với người trẻ: "Hãy tình nguyện bằng cách làm những gì bản thân có thể để giúp cộng đồng ngày càng tốt đẹp, làm vơi đi những mảnh đời khó khăn. Để không có bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc sống".

Trà Thị Thu, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, H.Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Trà Thị Thu, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, H.Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam

Anh Trương Văn Vũ, Trưởng ban thường trực Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền Nam, chia sẻ: "Rất đáng mừng khi phong trào tình nguyện ngày càng được "trẻ hóa", thu hút học sinh, sinh viên. Họ là những tình nguyện viên rất năng nổ và đầy nhiệt huyết".

Theo anh Vũ, khi tham gia tình nguyện, người trẻ sẽ có cơ hội rèn luyện và nâng cao kỹ năng sống cũng như biết san sẻ, đồng cảm với những mảnh đời khó khăn. "Là người trẻ, hãy nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện để tạo ra những giá trị cho bản thân, góp sức mình vào sự phát triển của đất nước", anh Vũ nói.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

(GLO)- Năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong mọi công việc và luôn gương mẫu trong các phong trào, hoạt động là nhận xét của đồng chí, đồng đội dành cho Thượng tá Trần Thế Tùng-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku. Anh cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...
Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Phạm Diệu Linh (30 tuổi) đã quyết định về miền quê tại tỉnh Sơn La làm vườn và lập nghiệp. Tại đây, chị thuê một mảnh vườn gần 1.000 m2, sau đó tự thiết kế, trồng trọt, biến nơi đây đẹp tựa các phim về đồng quê ở châu Âu để sống chậm với thiên nhiên.