Những kỷ niệm nép mình nhung nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những tấm ảnh đã ố màu đặt trên chiếc bàn nước, bên trên là một tấm kính mỏng phủ làn hơi màu trà nhờ nhờ khiến chúng dù sống động cũng trở nên tư lự. Thời gian… Giá mà thời gian có thể ngưng đọng lại như trong những tấm ảnh này thì tốt biết bao.

Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG


Từng bức hình là từng kỷ niệm. Này là ngôi nhà cũ kỹ bạc phếch màu nắng gió của cao nguyên. Ta như còn mường tượng, muốn bước vào nhà phải nhấc chân cao một chút khi qua bậc cửa, phải khom người một chút mặc dầu có thẳng lưng lên cũng chẳng hề gì. Nhưng vì sự lụp xụp, vì sự u tối hay vì thói quen nào đó mà ta cứ phải khom lưng lại. Cái thời bước chân ra khỏi nơi mà ta đã gắn bó gần như cả tuổi thơ và cả thời niên thiếu ấy, chút quyến luyến còn lại có lẽ chính là dáng gầy bóng mẹ đang nép vào thân cau thẳng đuột ngơ ngác trước gió. Chắc chỉ có vậy thôi, bởi chí khí ngút trời cần phải ra đi đang hừng hực cháy. Ta mường tượng ngày trở về sẽ hả hê khi mình đã giàu có, đã thành đạt, bước chân xuống nhìn lại những gì cũ kỹ này bằng cặp mắt kẻ cả, bằng cái khịt mũi vì bụi, vì ruồi, vì sự nghèo khó vẫn đeo bám. Sẽ bật cười trước cảnh mình khom người vào ngôi nhà cũ để thắp nén nhang thành kính lần cuối rồi phá tung tất cả để dựng lên một ngôi biệt thự đượm vẻ sang giàu, để cho ai đó xưa kia từng nhìn mình bằng ánh mắt thương hại và giễu cợt, thì nay lại có phần nể phục... Ôi! Những viễn cảnh của ngày ấy nhuốm màu ảo vọng không ngừng.


Ở xứ người, dẫu có lạc loài, dẫu có khó khăn gian khổ, dẫu có nước mắt, dẫu có tủi thân tủi phận gấp vạn lần vẫn cố nuốt nước mắt vào trong. Chợt nhận ra chỉ trong ngôi nhà lụp xụp bé nhỏ ấy mới có những người sẵn sàng bảo bọc yêu thương mình, thương yêu vô điều kiện. Có nhắm mắt lại cũng thấy những bức ảnh trên chiếc bàn nước ố màu ấy. Làm sao quên được chiếc áo hoa lần đầu được mẹ may cho mà không phải là chiếc áo cũ phải mặc lại của ai đó. Làm sao quên được bức hình ngày được nhận phần thưởng Cháu ngoan Bác Hồ với chồng sách truyện cao ngất; giờ đây chúng vẫn được nâng niu cất giữ trong hộc tủ ngay bên phải chiếc bàn nước. Làm sao không nhớ bức hình chụp chung cả gia đình, ba mẹ gầy như cành củi đứng nghiêm trang, bên cạnh là con bé gầy nhẳng cười tươi như hoa với cái hạt gạo sâu nhỏ xíu trên má mà chỉ có mẹ mới thấy được. Và còn đó bức hình chụp với chúng bạn những ngày mới đặt chân vào ký túc xá, cái khoảng sân rợp mát bóng phượng với những nụ cười thư thả của đám sinh viên mới thoát ra khỏi lũy tre làng có phần ngơ ngác, tư lự, có phần tự hào. Rồi bức hình nghệ thuật đầu tiên và duy nhất, được ba mẹ cẩn thận để ngay chính giữa bàn nước: một cô gái xa lạ, cầm cái ô màu đỏ, mặc bộ kimono cũng đỏ rực điểm những cánh hoa anh đào, mái tóc hỉ nhi để lộ cặp chân mày cong vút, mắt ướt, mi cong, bờ môi trái tim trĩu mọng lần đầu được thoa son, làn da phấn trắng tươi của phố thị, khác xa hình ảnh con bé gầy gò áo hoa ngày nào của mẹ.


Bức hình đó đánh dấu những ảo vọng để đánh mất mình cũng từ đó. Biết làm sao được, cái tuổi trẻ nông nổi, tự kiêu tự đại ngày qua, chỉ có những day dứt mới thấu được. Những trải lòng ngốc dại cũng vợi bớt, những đổi thay cũng tự chính mình. Và dẫu ngày trở về không được như mong đợi nhưng vẫn là ngày trở về, bởi những gì cần trải qua đã trải qua, những gì cần đón nhận, dù không được như mong muốn, cũng đã tự mình rối bời đón nhận. Vậy nên, chỉ cần buông tay xách ra, ta vẫn thấy dáng mẹ bên gốc cau già. Chỉ cần bước chân cao hơn một chút, cúi người thấp hơn một chút bước vào ngạch cửa, ta vẫn thấy cái nheo mắt của ba nhìn ra. Chỉ vậy thôi là đã đủ hạnh phúc cả một đời...   
 

Kim Sơn
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...