(GLO)- Nếu bình minh ở Tây Nguyên đầy sương mù với những tia nắng rây xuyên qua mây, xuyên qua những rừng thông bạt ngàn làm nao lòng du khách thì Bình Định đón bình minh trong sự lấp lánh của biển. Nếu hoàng hôn Tây Nguyên với ráng chiều rải thảm óng vàng trên thảo nguyên xanh thì phố biển lại chia tay với tia nắng chiều muộn từ khe núi còn quyến luyến với những cung đường của biển.
Trong những ngày nắng hè, những bí ẩn và vẻ đẹp lộng lẫy của bờ biển Bình Định chạy từ Quy Nhơn ra đến Hoài Nhơn dài 134 km là cung đường khám phá tuyệt vời của dân phượt.
Bờ biển Eo Gió (xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn) nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Ngọc Sơn |
Tôi có một người bạn là nghệ sĩ nhiếp ảnh, anh mê biển đến kỳ lạ. Anh thường thức dậy sớm hơn mặt trời, vác máy ảnh rong ruổi trên những “đường cong” của biển trong ánh bình minh, hoặc thuê thuyền của ngư dân chạy ra cùng với mặt trời ngắm bờ bằng những tia nắng đầu tiên. Anh ví von, bờ biển như người tình mong đợi còn mặt trời là chàng kỵ sĩ. Họ xa nhau một đêm nên lúc gặp lại mọng chín nụ hôn bình minh và bịn rịn chia tay trong hoàng hôn tím.
Nghe anh tả mà tôi cũng nôn nao. Mỗi người đến với biển có một khám phá riêng, một cảm nhận riêng dù biển ngàn năm vẫn thế. Có thể nói, nỗi lòng trìu mến và dữ dội của sóng đã tạc cho Bình Định một bờ biển đẹp đến nao lòng. Vách núi từ bãi Xếp, bãi Bàu, bãi Dại... đánh một đường cong ẻo lả tô điểm cho TP. Quy Nhơn, thỉnh thoảng phô ra vài bãi cát hình nửa vầng trăng. Khi đến trung tâm thành phố, bãi cát vẽ một hình trăng non lưỡi liềm, nhìn từ trên cao như chiếc võng đu đưa ru phố biển. Một nhà báo của tờ Bangkok Post (Thái Lan) khi đến Quy Nhơn đã phải lặng người mà thốt lên 4 chữ: sun (mặt trời), sand (bãi cát), sea (biển) và serenity (sự thanh bình).
Anh nhà báo này cho biết, biển nào cũng có 3 chữ S (sun, sand, sea) nhưng chữ S thứ 4 là “serenity” thì không phải phố biển nào cũng giữ được. Trong áp lực của cuộc sống hiện đại, đến với Quy Nhơn là đến với sự yên bình, thanh tịnh, thân thiện, bất cứ ai cũng được chào đón nồng hậu. Về với biển Quy Nhơn như được về với quá khứ, về với thuở ban đầu.
Từ trung tâm TP. Quy Nhơn, vượt biển bằng chiếc cầu Thị Nại, du khách sẽ say đắm lạc vào hành trình đi giữa núi và biển. Sự giao duyên này được ví như cuộc hôn nhân kỳ thú của thiên nhiên. Trong tưởng tượng của anh bạn nhiếp ảnh của tôi, từ thiên đường Kỳ Co chạy đến bãi Trung Lương (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) là sự thăng hoa của một nghệ sĩ trên thiên giới được giao nhiệm vụ kiến tạo bãi biển. Không có một nét vẽ nào thừa, tất cả đẹp đến hồn nhiên. Chàng nghệ sĩ thường đứng ở eo núi, nơi lồng lộng gió, để ngắm nhìn tuyệt tác của mình. Sau này, người đời đặt tên nơi đó là Eo Gió. Có lẽ đó chỉ là sự tưởng tượng hơi quá của một tay máy nhưng nó thỏa mãn lòng yêu biển của anh ấy.
Và người nghệ sĩ ấy còn không quên vẽ một vệt thẳng, tạo thành bãi cát dài chạy ra đến huyện Phù Mỹ, kiến tạo nên mũi Vi Rồng. Mũi Vi Rồng là ngọn núi vươn mình ra biển khơi, có hình dáng trông như một con rồng khổng lồ được thiên nhiên tạo tác, chạm trổ. Cách đó không xa, chừng 20 km đường một bên đèo một bên biển, bãi biển Lộ Diêu (huyện Hoài Nhơn) hiện ra. Du khách ở lại đón bình minh trên Lộ Diêu sẽ được tận hưởng màu rêu biển xanh đến kỳ lạ khi thủy triều xuống. Để rồi khi kết thúc hành trình khám phá những “đường cong” của biển ở Bình Định, ta nhận ra mình đang lạc giữa những cảm giác, những cung bậc cảm xúc thẩm mỹ cao độ.
TRƯỜNG ĐĂNG