Nhóm thiện nguyện Flowers biến rác thải thành khu vui chơi cho trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bằng nhiệt huyết và tấm lòng nhân ái, nhóm thiện nguyện Flowers tại huyện Đak Đoa đã thực hiện một dự án đầy sáng tạo và ý nghĩa khi biến những đồ vật tưởng chừng như bỏ đi như lốp xe cũ thành 7 khu vui chơi bổ ích cho trẻ em ở những điểm trường vùng khó.

Sinh ra và lớn lên ở làng Blo-ngôi làng còn nhiều khó khăn ở xã Adơk (huyện Đak Đoa) nên Lê Ánh Thùy Trang (SN 2004) luôn thấu hiểu sự thiếu thốn, vất vả của người dân vùng sâu, vùng xa. Từ năm lớp 9, Trang đã tiết kiệm chi tiêu để mua gạo, sữa và nhu yếu phẩm trao tặng các em nhỏ, người già neo đơn trong làng.

Không chỉ dừng lại ở việc tặng quà, cô gái trẻ còn quyết định thành lập nhóm Flowers để gây quỹ từ thiện. Theo thời gian, Quỹ Flowers đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Trong quá trình thực hiện các hoạt động thiện nguyện tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhóm Flowers nhận thấy tại nhiều điểm trường mẫu giáo vẫn thiếu khu vui chơi cho các em học sinh. Từ đó, các thành viên trong nhóm đã nảy ra ý tưởng tái sử dụng lốp xe cũ để tạo ra thiết bị vui chơi như: xích đu, bập bênh và cầu thang bộ cho các em học sinh tại những điểm trường này.

Lê Ánh Thùy Trang-Trưởng nhóm Flowers tự tay trang trí những lốp xe cũ. Ảnh: Lạc Hà
Lê Ánh Thùy Trang-Trưởng nhóm Flowers tự tay trang trí những lốp xe cũ. Ảnh: Lạc Hà

Để thực hiện ý tưởng, Trang liên hệ khắp nơi để xin lốp xe cũ; đồng thời trích quỹ mua thêm sắt và các vật liệu cần thiết. Trang chia sẻ: “Khi biết tới việc làm của mình, nhiều anh chị đoàn viên, thanh niên đã liên hệ ngỏ ý giúp đỡ. Người tự nguyện hàn sắt, người ủng hộ tiền mua thêm vật dụng… nhờ đó mà thời gian thực hiện dự án được rút ngắn”.

Mỗi khu vui chơi sẽ sử dụng từ 10-15 chiếc lốp xe cũ. Ảnh: Lạc Hà
Mỗi khu vui chơi sẽ sử dụng từ 10-15 chiếc lốp xe cũ. Ảnh: Lạc Hà

Ngoài ra, nhóm Flowers còn phối hợp với Đoàn Thanh niên và giáo viên tại các điểm trường tiến hành sơn, vẽ hình và hoàn thiện khu vui chơi. “Các khu vui chơi không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn an toàn mà còn mang lại niềm vui cho trẻ em. Những chiếc xích đu, bập bênh và cầu thang bộ đều được trang trí đẹp mắt và được các em nhỏ yêu thích ”-Trang tâm sự.

Sau hơn 3 tháng triển khai, nhóm Flowers đã hoàn thành 7 khu vui chơi tái chế tại 7 điểm trường gồm: 4 điểm trường thuộc huyện Đak Đoa (làng Blo, xã Adơk; làng Đê Thung, xã Đăk Rong; làng Bok Rei, Pra Sơmei, xã Đak Sơ Mei) và 3 điểm trường ở huyện Chư Sê (làng Puih Jri, xã Bờ Ngoong; làng Hlú và làng Ka, xã Ia Tiêm). Tại mỗi điểm trường, nhóm lắp đặt 2 bập bênh, 1 xích đu và 1 cầu thang bộ, góp phần làm phong phú thêm hoạt động ngoài trời cho các em nhỏ.

Ngoài xây dựng các khu vui chơi, nhóm còn trao tặng 1 công trình nhà vệ sinh cho Trường Mẫu giáo làng Ka và mái hiên che mưa, che nắng cho các em nhỏ tại điểm trường Puih Jri.

Các em nhỏ thích thú với khu vui chơi tái chế. Ảnh: Lạc Hà
Các em nhỏ thích thú với khu vui chơi tái chế. Ảnh: Lạc Hà

Những khu vui chơi mới đã mang lại niềm hạnh phúc cho các em học sinh ở vùng nông thôn. Em Kpă A (làng Hlú, xã Ia Tiêm) chia sẻ: “Em rất vui khi có khu vui chơi mới. Em sẽ rủ các bạn chơi vào giờ ra chơi và sau giờ học”.

Còn em Hap (làng Blo, xã Adơk) trước đây chỉ quanh quẩn với những trò chơi dân gian thân thuộc như nhảy dây, bắn bi và chiếc xe đẩy làm từ quả bơ. Từ khi trường có khu vui chơi, Hap chăm chỉ đến lớp hơn. “Em rất thích chơi xích đu. Trước đây, em chỉ thấy những trò chơi này ở công viên và trên ti vi, nay em và các bạn có thể chơi thỏa thích mà không cần lên thành phố nữa”-Hap vui vẻ nói.

Trao đổi với P.V, cô Phạm Thị Quý-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đak Sơ Mei-cho hay: “Là trường học ở vùng khó khăn nên chưa có nhiều khu vui chơi ngoài trời cho các em học sinh. Nhờ sự giúp đỡ từ nhóm thiện nguyện Flowers, nhà trường đã có 1 khu vui chơi mới. Các giáo viên và học sinh đều rất phấn khởi.

Khu vui chơi đã giúp các em hào hứng hơn với việc đến trường. Hy vọng rằng nhóm sẽ tiếp tục trao tặng nhiều khu vui chơi cho các điểm trường khó khăn khác, từ đó lan tỏa hành động đẹp và nhân văn”.

Nhóm thiện nguyện Flowers cùng các đoàn viên, thanh niên xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) thực hiện những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện khu vui chơi tại điểm trường làng Hlú (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Thực hiện: L.H

Mỗi công trình vui chơi hoàn thành không chỉ là thành quả của riêng nhóm Flowers, mà còn là sự cộng hưởng của những tấm lòng thiện nguyện. Mỗi tiếng cười, mỗi niềm vui của các em tại các khu vui chơi này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công mà dự án mang lại.

Chia sẻ về dự định sắp tới, Trang cười hiền: “Hy vọng những việc làm của nhóm sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng để có thể mang lại nhiều niềm vui hơn nữa cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa”.

Có thể bạn quan tâm

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2-Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.