"Nhịp cầu nối những bờ vui"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những cây cầu bê tông vững chắc bắc qua suối đã hiện thực hóa niềm mong mỏi từ bao đời nay của đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong niềm vui khôn xiết, người dân kỳ vọng “nhịp cầu nối những bờ vui” này sẽ mang đến sự đổi thay to lớn cho buôn làng.

Sau 4 năm triển khai (2018-2021), 87 cây cầu dân sinh bằng bê tông thuộc dự án LRAMP do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã hoàn thành giúp người dân các xã vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh đi lại an toàn, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Mùa xuân mơ ước

Chiếc công nông nổ xình xịch chở những bao lúa còn thơm mùi rơm chầm chậm vượt dốc lên cây cầu bê tông vững chắc bắc qua con suối lớn, bỏ lại phía sau cánh đồng lúa vàng ươm đang vào mùa gặt. Ở nhiều góc ruộng, gần sát đường bê tông là những bao lúa chất chồng, từng chiếc xe nối tiếp nhau chở lúa về làng. Cánh đồng rộng lớn với gần 100 ha lúa nước, gần 400 ha cà phê, bời lời, mì, cây ăn quả là nơi sản xuất của người dân làng Kép 1, Kép 2, Amơng, Al, Phung và làng Ia Lôk (xã Ia Mơ Nông), làng Mrông Yố, Bluk Blui (xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Từ ngày cây cầu tạm bợ được thay thế bằng cầu bê tông, bà con nơi đây ai nấy đều phấn khởi.

Cầu Ia Rmok (huyện Krông Pa) là cầu dân sinh quy mô nhất cả nước thuộc dự án LRAMP do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Ảnh: Minh Nguyễn

Cầu Ia Rmok (huyện Krông Pa) là cầu dân sinh quy mô nhất cả nước thuộc dự án LRAMP do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Ảnh: Minh Nguyễn

Chẳng thể tả hết sự vui mừng, ông Siu Plô (làng Amơng) nở nụ cười mãn nguyện: Trước đây, cứ vào mùa mưa, việc vận chuyển nông sản từ khu sản xuất về làng rất khó khăn, có lúc bị gián đoạn. Bởi cây cầu cũ được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp nghiêm trọng; mỗi lần có đông người qua, cầu rung lắc vô cùng nguy hiểm. Không những vậy, cây cầu cũ khá thấp nên mỗi lần mưa lớn là bị ngập sâu. Người dân đi làm bị cô lập hàng tiếng đồng hồ. Năm 2020, cây cầu rệu rã ấy đã được thay thế bằng cây cầu bê tông cốt thép 2 nhịp, rộng 3,5 m, dài 35 m trước sự vui mừng của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Những cây cầu LRAMP hoàn thành và đưa vào sử dụng đa số ở các buôn làng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Nhịp cầu nối những bờ vui” đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi. Ông Kpă H'Lot (làng Broch, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) cho biết: “Ngày trước, mỗi lần đi trên cầu tạm là nơm nớp lo. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào, nhất là trong mùa mưa lũ. Đã có nhiều trường hợp người dân đi xe máy chở nông sản bị rơi xuống suối, suýt mất mạng. Giờ có cầu xây kiên cố bắc qua suối rồi, mọi người ở đây vui lắm. Có cầu, người dân đi lại thuận tiện, việc vận chuyển phân bón, nông sản cũng đỡ vất vả. Giá trị sản phẩm nông nghiệp làm ra cũng được nâng lên, đời sống bà con dần bớt khó khăn”.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh và huyện nên hạ tầng giao thông của xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) không còn khó khăn như trước đây, việc đi lại, vận chuyển hàng nông sản của bà con rất thuận lợi. Ảnh: Minh Nguyễn

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh và huyện nên hạ tầng giao thông của xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) không còn khó khăn như trước đây, việc đi lại, vận chuyển hàng nông sản của bà con rất thuận lợi. Ảnh: Minh Nguyễn

Gần 3 năm nay, anh Đinh Văn Song (thôn 3, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) không còn phải vất vả vượt suối đi làm rẫy mỗi ngày vì đã có cây cầu bê tông kiên cố, vững chãi bắc qua con suối chảy xiết. Gia đình anh có 1,3 ha đất sản xuất ở bên kia cầu. Trước đây, mỗi khi đến mùa mưa, nước suối dâng cao chia cắt con đường duy nhất dẫn đến khu vực sản xuất của gần 70 hộ dân nơi đây. Có người liều lĩnh vượt suối, bơi qua dòng nước chảy xiết để đi làm rẫy hoặc từ rẫy về nhà. “Đến mùa thu hoạch, việc vận chuyển nông sản thường xuyên bị ùn ứ. Chỉ cần một cơn mưa là phải chờ 2-3 ngày sau khi nước rút bớt thì xe công nông mới có thể vượt suối”-anh Song cho hay.

Phấn khởi sải bước trên cầu mới, anh Song vui vẻ nói: Nhờ có cây cầu mà hàng hóa được thông thương, cuộc sống của người dân trong thôn ngày càng khởi sắc. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, xây được nhà to, sắm thêm máy móc để phục vụ sản xuất. “Giờ xe ô tô chở hàng hóa, nông sản có thể chạy bon bon trên cầu. Việc trồng trọt của bà con chắc chắn thuận lợi hơn rất nhiều, thương lái không còn ép giá nông sản. Cây cầu như tiếp thêm động lực để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững”-anh Song chia sẻ.

Theo ông Trương Quang Giàu-Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho: Cây cầu rộng 3,5 m, dài 24 m hoàn thành giữa năm 2020 đã thỏa niềm mong đợi lâu nay của người dân, kết nối được khu dân cư với khu sản xuất, nương rẫy của bà con. Từ đó, việc đi lại, vận chuyển nông sản được đảm bảo, cuộc sống của người dân trong xã dần ổn định. Công trình cũng tạo liên kết giữa các vùng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn của địa phương.

Nói về đổi thay do những cây cầu LRAMP mang lại, ông Phan Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kông Chro-khẳng định: Năm 2019 và 2020, tại các xã vùng khó gồm: Chư Krêy, Sró, Yang Nam, Đak Pơ Pho và Đak Song có 6 cây cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP hoàn thành với kinh phí hơn 14,3 tỷ đồng. “Các công trình này đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân, góp phần giải quyết tình trạng cô lập vào mùa mưa lũ, làm thay đổi diện mạo giao thông ở các vùng đặc biệt khó khăn. Ý nghĩa thiết thực nhất của Dự án LRAMP là các cây cầu được xây dựng tại các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, nơi bất lợi về giao thông”-ông Vân nhấn mạnh.

Tiếp sức cho vùng khó

Cùng với các địa phương khác trên cả nước, tại 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều có những cây cầu dân sinh bằng bê tông vững chắc thuộc Dự án LRAMP được đưa vào sử dụng mang đến niềm vui cho người dân. Cầu Ia Rmok bắc qua sông Ba thuộc địa bàn huyện Krông Pa được đầu tư với kinh phí hơn 36 tỷ đồng. Cầu dài hơn 330 m, rộng 3,5 m, là cầu dân sinh quy mô nhất cả nước thuộc Dự án LRAMP. Hơn ai hết, hàng ngàn hộ dân sống tại các xã phía Nam sông Ba như: Ia Rmok, Ia Hdreh, Krông Năng, Phú Cần vui mừng khôn xiết khi không còn phải đi cầu tạm bằng gỗ bắc rất nguy hiểm, nhất là trong mỗi mùa mưa lũ. Đặc biệt, cây cầu góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trong vùng, hạn chế việc thương lái ép giá nông sản vì lý do chi phí vận chuyển. Điều này càng có ý nghĩa khi hơn 70% dân số tại các xã này là người Jrai.

Những cây cầu bê tông vững chắc đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi. Ảnh: Minh Nguyễn

Những cây cầu bê tông vững chắc đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi. Ảnh: Minh Nguyễn

Chia sẻ niềm vui cùng người dân, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-thông tin: Địa hình huyện bị chia cắt bởi nhiều sông suối, trong khi nguồn lực địa phương hạn chế, việc đầu tư các công trình cầu, cống vượt sông suối chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, việc được Tổng cục Đường bộ Việt Nam hỗ trợ triển khai xây dựng nhiều cầu dân sinh đã góp phần phát triển mạng lưới giao thông nông thôn của địa phương. Đến nay, ngoài cầu Ia Rmok, trên địa bàn huyện có thêm các cầu, cống ở các xã: Phú Cần, Ia Rsai, Ia Mlah đưa vào sử dụng với tổng kinh phí hơn 52 tỷ đồng. Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nhấn mạnh: “Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, có quy hoạch và tầm nhìn cụ thể đã góp phần gia tăng tính kết nối, thúc đẩy giao thương, tạo động lực cho các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, giúp người dân tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ y tế, giáo dục”.

Trong khi đó, ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-khẳng định: Dự án LRAMP có ý nghĩa rất lớn đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đến nay, dự án đã đầu tư tại địa phương 5 cầu, 6 cống với kinh phí gần 15 tỷ đồng, qua đó không những góp phần quan trọng việc phát triển hạ tầng giao thông mà còn giảm gánh nặng ngân sách địa phương để xây dựng mới các cầu dân sinh vốn đã xuống cấp, hư hỏng nặng.

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

(GLO)- Tại khắp các địa phương trong tỉnh Gia Lai, công tác chỉnh trang đô thị đang được khẩn trương thực hiện, bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán 2025 và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Kbang: Làm đẹp không gian đô thị chào đón Xuân mới. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang làm đẹp không gian đô thị chào đón Xuân mới

(GLO)- Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, cơ quan chức năng và người dân huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đang khẩn trương chỉnh trang đô thị, làm đẹp các tuyến đường góp phần tạo diện mạo phố xá sáng-xanh-sạch-đẹp đón mừng Xuân mới.

Tại Quyết định này, UBND tỉnh công bố 15 thủ tục hành chính mới và 22 thủ tục bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Công bố 15 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố 15 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ 22 thủ tục trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.