(GLO)- Trong khuôn khổ Chương trình "Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản 2022", sáng 22-5, tại Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai (TP. Pleiku), UBND tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế (FSC) và Trung tâm Giao lưu Nhật-Việt tổ chức Hội thảo về tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư giữa Gia Lai và các địa phương của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch.
Tham gia hội thảo có Trợ lý Bộ trưởng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành; đại diện lãnh đạo các sở, ngành thuộc tỉnh; đại diện lãnh đạo tổ chức JICA, tỉnh Gifu (Nhật Bản) cùng đại diện một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Kỳ vọng hợp tác
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết: Tuy các doanh nghiệp của Gia Lai đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng cũng có các doanh nghiệp đã sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu như sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, chanh leo của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Đây là những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường châu Âu sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực. Bên cạnh đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng hoàn thiện, nâng tầm sản phẩm đặc trưng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Sở Ngoại vụ tỉnh Gia Lai-FSC và Trung tâm giao lưu Nhật-Việt ký kết hợp tác chiến lược. Ảnh: Hà Duy |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành nhấn mạnh: “Để xây dựng, phát triển kinh tế Gia Lai nhanh và bền vững, thời gian qua tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư. Bên cạnh sự cố gắng, phấn đấu, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và doanh nghiệp tỉnh nhà, Gia Lai đã nỗ lực mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp, đối tác Nhật Bản cùng hợp lực với chúng tôi đánh thức và khơi dậy mảnh đất giàu tiềm năng này. Hãy đến thăm, khám phá mảnh đất Gia Lai chúng tôi với những cảnh quan xinh đẹp, con người hiền lành và mến khách, với những nét văn hóa Tây Nguyên đặc trưng độc đáo và đầy hứa hẹn cho đầu tư, cùng nhau hợp tác phát triển trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch. Hội thảo về tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa tỉnh Gia Lai và các địa phương của Nhật Bản được tổ chức hôm nay là cơ hội để 2 bên gặp gỡ, tìm hiểu những tiềm năng, thế mạnh của địa phương và khả năng của các doanh nghiệp để giao lưu xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác đầu tư. Đây cũng là cơ hội để làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa tỉnh Gia Lai với các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương nước ngoài nói riêng, với Nhật Bản nói chung”.
Đối với vấn đề thúc đẩy, tăng cường hợp tác đầu tư giữa Gia Lai với các địa phương của Nhật Bản, ông Nguyễn Đức Minh-Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản-bày tỏ: “Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu đối với Việt Nam trong thời gian qua. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều Thống đốc của Nhật Bản trực tiếp đến với Việt Nam để thúc đẩy hợp tác kinh tế. Đây là tiền đề sự hợp tác giữa các địa phương của 2 nước. Gia Lai là tỉnh vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển và thúc đẩy quan hệ song phương. Sau đại dịch Covid-19, cả 2 nước đều đã mở cửa trở lại, Đại sứ quán chúng tôi sẽ luôn đồng hành để kết nối chặt chẽ Gia Lai với Nhật Bản, tiếp nhận tất cả các thông tin để giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy hợp tác mạnh hơn giữa các địa phương của 2 nước”.
Sở Ngoại vụ tỉnh Gia Lai-Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế và Trung tâm giao lưu Nhật-Việt ký kết hợp tác chiến lược. Ảnh: Hà Duy |
Thể hiện thành ý trong hợp tác đầu tư, ông Shimonishi Kiyoshi-Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng-nói: “Chúng tôi được biết Gia Lai có tiềm năng về nông nghiệp với những sản phẩm như cà phê, tiêu, cao su... Hôm nay, qua hội thảo này, tôi mong thời gian tới sẽ có sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa Gia Lai với các doanh nghiệp Nhật Bản”.
Tranh thủ các dư địa
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết: “Hiện nay, chúng tôi tập trung kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực chính là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu, năng lượng tái tạo và du lịch. Về nông nghiệp, chúng tôi tập trung phát triển theo chiều sâu; đẩy mạnh trồng rừng với những loại cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao. Gia Lai là vùng đất rộng, sản lượng cây trồng lớn nhưng chủ yếu bán thô, nên chúng tôi cũng đang tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến. Đồng thời cũng đang xây dựng ngành công nghiệp không khói, đó là du lịch. Riêng về hạ tầng giao thông, Gia Lai không có đường thủy, không có đường sắt nên phải phát triển đường cao tốc, đường hàng không để tạo thuận lợi trong giao thông. Chúng tôi đã nâng cấp sân bay Pleiku, nhưng năng lực chỉ mới khoảng 1 triệu khách/năm, vẫn chưa tương xứng với nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi đang đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải quy hoạch lại sân bay với quy mô 5 triệu khách/năm bằng việc mở rộng đường băng và sân ga”.
Hợp tác xã Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai) và Công ty Akira Japan ký kết biên bản ghi nhớ. Ảnh: Hà Duy |
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý nước thải trong chăn nuôi, ông Ishikawa Kenta-Trưởng văn phòng đại diện Công ty Kendensha (Nhật Bản) bày tỏ mong muốn có sự hợp tác với các doanh nghiệp tại Gia Lai trong xử lý nước thải: “Công ty chúng tôi đã đặt văn phòng tại Việt Nam khoảng 3 năm trước. Chúng tôi nhận thấy Gia Lai là địa phương đang phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi và mong muốn tỉnh hỗ trợ trong việc kết nối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này”.
Trước ý kiến đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành giải đáp: Hầu hết hiện nay, vấn đề xử lý nước thải trong các dự án đều do các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án tự xử lý. Nhưng đây là vấn đề rất quan trọng trong việc triển khai dự án, Gia Lai rất hoan nghênh nếu Kendensha đặt trụ sở tại Gia Lai để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khác có thể thuận lợi liên hệ, hợp tác.
Một số doanh nghiệp khác của Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm tới hình thức hợp tác đầu tư vào tỉnh; sự hỗ trợ của tỉnh đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Trả lời câu hỏi này, ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-thông tin: “Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh dưới hình thức là thành lập 1 tổ chức kinh tế hoặc góp vốn, liên doanh. Trong quá trình triển khai dự án, tỉnh nỗ lực hết sức để hỗ trợ nhà đầu tư kết nối với các ngân hàng thương mại trên địa bàn với tỷ lệ vay khoảng 70-80% giá trị dự án. Còn đối với các chính sách đầu tư vào vùng kinh tế khó khăn, tùy theo ngành nghề, lĩnh vực sẽ có những chính sách ưu tiên đầu tư khác nhau, ví dụ như miễn thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong vài năm đầu”.
Đặc biệt, tại hội thảo, ông Toyotaro Iwai-Nghị sĩ tỉnh Gifu (Nhật Bản) đã giới thiệu cách ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp tại Gifu như: bón phân bằng công nghệ flycam, cấy mạ bằng hệ thống tự động; cắt cỏ bằng robot, máy tạo luống, phủ ni lông điều khiển bằng máy tính bảng... Nghị sĩ Toyotaro Iwai chia sẻ: “Nhật Bản đang là quốc gia phải đối mặt với vấn đề dân số giảm, dân số già dẫn tới việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực. Vì vậy, chúng tôi buộc phải tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đã đem lại hiệu quả lớn. Chúng tôi hy vọng sắp tới sẽ có sự hợp tác giữa 2 địa phương. Gia Lai cũng có thể áp dụng những công nghệ tương tự vào nông nghiệp”.
Tham gia ý kiến tại hội thảo, ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam-bày tỏ: “Người dân tộc thiểu số của Gia Lai khá nhiều. Tuy cần cù, chịu khó nhưng có những tập quán canh tác ăn khá sâu, khó thay đổi. Việc chuyển từ chế biến thô sang chế biến sâu cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong doanh nghiệp Nhật Bản góp phần thay đổi tập quán này bằng việc “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để nông dân học tập, cùng với chúng tôi giúp nông nghiệp Gia Lai “chuyển mình”.
Ở lĩnh vực du lịch, phía Nhật Bản nêu: có khả thi không việc thành lập “làng Nhật Bản” tại Gia Lai? Trả lời cho ý kiến này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Hoàng cho rằng: “Việc thành lập làng Nhật Bản tại Gia Lai là một ý tưởng độc đáo. Nếu việc này được triển khai có thể tạo nên sự khác biệt, tạo nên một thương hiệu cho du lịch Gia Lai. Nếu cả 2 bên đều quyết tâm thì việc này nằm trong tầm tay. Chúng ta có thể đề xuất Bộ Ngoại giao, Chính phủ có những chính sách dành riêng cho vấn đề này”.
Kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành nhấn mạnh: “Sau hội thảo này, chúng tôi tin rằng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa Gia Lai và các địa phương của Nhật Bản. Những thế mạnh về phát triển năng lượng tái tạo, tỉnh rất mong những doanh nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa liên quan đến pin năng lượng mặt trời của Nhật Bản có thể đến đặt đại bản doanh tại Gia Lai. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp các bạn đến thăm, tìm hiểu nhiều hơn về cơ hội hợp tác, đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án bằng việc cải cách hành chính, minh bạch về các chính sách ưu đãi, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất. Chúng tôi biết Nhật Bản không phải là thị trường dễ tính. Vì vậy, doanh nghiệp trong tỉnh cũng sẽ thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để “đi là đến và đến thì phải tới đích”, đưa sản phẩm của Gia Lai từng bước tiếp cận thị trường Nhật Bản”.
Dịp này, 3 đơn vị gồm Sở Ngoại vụ tỉnh Gia Lai, Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế và Trung tâm giao lưu Nhật-Việt đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược; các doanh nghiệp Gia Lai và Nhật Bản cũng thực hiện ký kết 6 biên bản ghi nhớ giao thương và chuyển giao công nghệ. |
HÀ DUY