Nhiều sai phạm trong xây dựng ở Bến xe Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc xây dựng bến xe ở các huyện theo xã hội hóa là chủ trương đúng đắn, phát huy được nguồn lực từ các công ty, doanh nghiệp. Vậy nhưng, không phải bến xe nào cũng thực hiện đúng với giấy phép được cấp, bến xe huyện Phú Thiện là một ví dụ điển hình.
Hàng loạt sai phạm trong xây dựng
Sau khi có thông tin phản ánh, PV Báo Công lý đã phối hợp với ông Bùi Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Ia Ke (địa phương có bến xe của huyện) trực tiếp có mặt tại Bến xe huyện Phú Thiện (Gia Lai) để nắm bắt thông tin.
Được biết, đây là bến xe do Công ty TNHH Đức Lâm (gọi tắt là công ty Đức Lâm) có trụ sở tại thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện đầu tư xây dựng. Đơn vị thiết kế là Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Vĩnh Giang; Đơn vị thẩm tra là Công ty TNHH MTV Thương mại và Tư vấn xây dựng Hòa Bình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bến xe này được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công Đức Lâm theo mã số dự án 4748436204, chứng nhận lần đầu ngày 4/11/2015.
Tiến độ thực hiện dự án được chia làm 3 giai đoạn cụ thể: Giai đoạn 1 từ tháng 8/2015-12/2015 sẽ phải hoàn thành các thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công, cấp phép xây dựng. Giai đoạn 2 từ tháng 1/2016-12/2016 hoàn thành việc xây dựng các hạng mục cần thiết phục vụ bến như: Bãi đậu xe, giao thông nội bộ, nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh, tường rào, hệ thống điện nước ... Giai đoạn 3 từ tháng 1/2017-5/2017 phải hoàn thành các hạng mục còn lại.
 
Bến xe nhìn từ cổng ra, vào.
Song song với đó, Sở Xây dựng Gia Lai cũng cấp giấy phép xây dựng số 110/GPXD ngày 29/11/2016 cho công ty Đức Lâm. Hiệu lực khởi công xây dựng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp. Nếu quá thời gian trên, thì đơn vị phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng. Diện tích đất được cấp hơn 8 nghìn m2.
Các hạng mục theo giấy phép xây dựng gồm: Nhà điều hành 2 tầng; Căn tin 1 tầng; Ki ốt 1 tầng; Nhà nghỉ 1 tầng; Nhà vệ sinh chung 1 tầng; Nhà để xe 1 tầng và Trạm cấp nhiên liệu.
Vậy nhưng, có mặt thực tế tại vị trí bến xe cho thấy, phía ngoài đang xây dựng cây xăng dầu, phía trong ngôi nhà điều hành một tầng đã được xây dựng xong. Vào sâu bên trong, một dãy nhà nghỉ đồ sộ đang được xây dựng dở dang phần khung, sắp đổ bê tông “đứng” sừng sững, cùng một số công trình phụ đã hoàn chỉnh.
Do không nắm rõ việc xây dựng các công trình trong này, Chủ tịch UBND xã Ia Ke phải gọi điện thoại cho một người bên phía công ty Đức Lâm rồi cho biết: "Ở đây không có nhà nào hai tầng, nhà điều hành chỉ 1 tầng. Nhà nghỉ đang xây dựng. Giấy phép 110 ngày 29/11/2016 công ty không gia hạn. Các công trình đang xây dựng, hiện nay công ty chưa gia hạn, chưa xin thêm giấy phép".
Sau khi đi khảo sát thực tế, ông Khiêm cho biết: “Trong 7 hạng mục theo giấy phép đã xây dựng được: nhà điều hành (không đúng giấy phép-PV), nhà vệ sinh, nhà xe. Còn căng tin chưa có, ki ốt chưa có, nhà nghỉ đang xây dựng, trạm cấp nhiên liệu đang xây dựng”.
Giám đốc Công ty xây dựng bến xe nói gì?
Để nắm bắt thêm thông tin, PV đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Đức Lạc, Giám đốc công ty Đức Lâm, đề nghị được gặp trực tiếp, trao đổi các thông tin xoay quanh dự án Bến xe Phú Thiện. Nhưng ông Lạc cho biết, bản thân đang ốm, phải đi khám lại ở Bệnh viện nên buổi làm việc được thực hiện qua điện thoại.
Ông Lạc cho biết, giấy phép không gia hạn nữa. Nhà điều hành 2 tầng nhưng chỉ làm 1 tầng, hôm khai trương ông đã báo cáo với các Sở ngành và Huyện. Công ty đổ trụ là để xây dựng 2 tầng nhưng giờ đổ 2 tầng thì mất quá nhiều tiền trong lúc không thu lại được nên công ty đang dừng lại ở đó. “Bây giờ chưa có xe, chỉ 1 tuyến xe Tiến Đạt thì 2 tháng nay không chạy nữa. Nếu đông người chúng tôi sẵn sàng dỡ mái trước để làm lên tầng trên, việc này dễ thôi vì đổ trụ và các thứ hết rồi. Các anh cũng phải thông cảm với nhà đầu tư như thế”.
Ông cho biết thêm, do không có xe vào, ra nên không có nguồn thu, không đủ tiền trả bảo vệ. Bây giờ đầu tư mà không có thu thì rất khó khăn.
 
Nhà điều hành trong giấy phép là 2 tầng nhưng thực hiện chỉ 1 tầng.
Nói về việc cấp giấy phép, ông Lạc cho hay vì ông đang ốm nên đã có báo cáo qua điện thoại với Sở Đầu tư (KH&ĐT) để báo cáo xin ý kiến. Huyện cũng đã nhất trí cứ cho triển khai, khi ông Lạc hết ốm, ký giấy mang lên huyện sẽ làm thủ tục cấp giấy phép.
Liên quan đến bến xe này, ngày 4/4/2019, Công ty Đức Lâm đã có cáo tình hình thực hiện dự án lên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai trong đó thể hiện rõ: Trong quý II/2019 đơn vị sẽ tiến hành triển khai thi công các công trình còn lại như: Căng tin; Ki ốt; Nhà nghỉ; Hệ thống chống sét.
Bên cạnh đó, ngoài việc Công ty báo cáo không có doanh thu và lợi nhuận ra thì không đả động gì đến bất cứ khó khăn nào từ phía công ty.
Như vậy, Bến xe Phú Thiện đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy phép xây dựng lần lượt vào các năm 2015 và 2016 với thời gian thực hiện dự án là 12 tháng. Vậy nhưng đến nay, rất nhiều hạng mục vẫn đang được xây dựng hoặc chưa xây dựng mà không được các cơ quan chức năng xử lý?.
Báo Công lý tiếp tục thông tin về vụ việc.
Trần Sỹ-Ngọc Trinh ( Công lý)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.