Nhiều khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí môi trường giai đoạn 2021-2025 ở nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Theo phản ánh của hầu hết các địa phương trong tỉnh, việc thực hiện chỉ tiêu thu gom, xử lý rác thải nguy hại, bao gồm rác thải y tế và bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng là rất khó thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thúy Loan-Chủ tịch UBND xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ) cho hay: Đến nay, xã đã xây dựng được 80 bể chứa bao bì đựng thuốc BVTV sau sử dụng. Xã cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bỏ bao bì thuốc BVTV vào bể chứa theo đúng quy định.

Tuy nhiên, với diện tích hơn 3.000 ha đất sản xuất thì số bể chứa nói trên chưa đảm bảo cho công tác thu gom bao bì thuốc BVTV theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).

Ông Trần Minh Phúc-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Đức Cơ-thông tin: Toàn huyện có trên 67.733 ha đất nông nghiệp. Theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, huyện phải xây dựng 6.919 bể chứa bao bì đựng thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy nhiên, đến nay, toàn huyện mới chỉ xây dựng được 270 bể. Vì vậy, đến thời điểm này, chưa có xã nào đạt chỉ tiêu này.

Các địa phương gặp khó trong thực hiện chỉ tiêu về thu gom, xử lý rác thải nguy hại. Ảnh: Nhật Hào

Các địa phương gặp khó trong thực hiện chỉ tiêu về thu gom, xử lý rác thải nguy hại. Ảnh: Nhật Hào

Bên cạnh khó khăn về thu gom, xử lý rác thải nguy hại, nhiều địa phương trong tỉnh còn gặp khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Ia Grai-cho biết: Theo bộ tiêu chí quốc gia về môi trường giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn phải đạt từ 30% trở lên, đối với xã nông thôn mới (NTM) nâng cao từ 50% trở lên. Đây là tiêu chí mới và khó thực hiện do năng lực của người làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn về phân loại rác thải còn hạn chế, người dân cũng chưa hình thành ý thức phân loại rác thải.

“Ngoài khó khăn về phân loại rác thải tại nguồn, các xã còn gặp khó trong thực hiện chỉ tiêu thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Theo bộ tiêu chí mới, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định phải đạt từ 70% trở lên (đối với xã NTM nâng cao từ 80% trở lên).

Huyện ủy Ia Grai đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06 về vệ sinh môi trường và thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, kết quả bước đầu chưa cao và không bền vững do cự ly vận chuyển rác thải xa nhưng phí thu từ người dân để thu gom rác thải thấp, không đảm bảo kinh phí thu gom, vận chuyển”-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện nói.

Còn ông Lê Tấn Hiếu-Trưởng phòng TN-MT huyện Chư Prông thì cho hay: Huyện có 2 xã phấn đấu đạt xã NTM nâng cao gồm Bàu Cạn và Ia Drăng. 2 xã có nhiều nỗ lực trong thực hiện tiêu chí môi trường. Tuy nhiên, hiện tại, các xã này gặp vướng mắc ở việc thực hiện chỉ tiêu hỏa táng đạt từ 10% trở lên vì không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, theo bộ tiêu chí mới, các xã phải có bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh.

Tiêu chí này khó thực hiện bởi tất cả các xã đều đã có quy hoạch bãi rác nhưng chưa có kinh phí xây dựng, chưa thành lập đội vệ sinh thu gom rác thải, chưa có trang-thiết bị chuyên dụng phục vụ cho quá trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến bãi chôn lấp.

Nhiều địa phương gặp khó vì người dân còn thiếu ý thức thu gom, xử lý rác thải. Ảnh: Nhật Hào

Nhiều địa phương gặp khó vì người dân còn thiếu ý thức thu gom, xử lý rác thải. Ảnh: Nhật Hào

Theo bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), giai đoạn 2021-2025, hầu hết các địa phương gặp khó trong thực hiện các chỉ tiêu về môi trường. Cụ thể, các xã gặp khó trong thực hiện chỉ tiêu thu gom chất thải nguy hại (yêu cầu đạt 100%), chỉ tiêu phân loại chất thải rắn tại nguồn, chỉ tiêu về thu gom xử lý chất thải nhựa.

Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương khó khăn về kinh phí xây dựng bể chứa rác thải BVTV; việc phân loại rác thải là tiêu chí mới nên khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động các hộ dân ở trung tâm xã, quỹ đất hạn chế, phân loại xong xử lý như thế nào chưa có hướng giải quyết.

Đối với các xã NTM nâng cao thì chỉ tiêu về sử dụng hình thức hỏa táng là không phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương, chỉ tiêu về bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo vệ sinh môi trường cũng khó thực hiện vì hầu hết các xã đều là bãi rác lộ thiên.

Cũng theo bà Vinh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có xã nào đánh giá đạt tiêu chí môi trường theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025. Do đó, tới đây, Sở TN-MT tiếp tục hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 7 về môi trường trong Bộ tiêu chí về huyện NTM và tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo chất thải được thu gom, xử lý đúng quy định, giảm thiểu các hoạt động gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích xã hội hóa thành lập các đội, các tổ thu gom rác thải; xây dựng các điểm thu gom vận chuyển xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.

Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, vận động người dân tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường; phát động ngày chủ nhật xanh, ngày thứ bảy không rác, quét dọn đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh tại gia đình, trồng cây xanh hàng rào, đào hố rác tại vườn nơi có đất, tách chuồng trại khỏi nhà ở và tập trung nguồn lực, nhân lực đầu tư thực hiện có trọng tâm trọng điểm giúp các xã đã đăng ký hoàn thành các chỉ tiêu môi trường bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.