Nhật ký mùa thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi không biết phải chờ đợi điều gì ở mùa thu, khi những tháng ngày này vẫn đang lặng lẽ đi tới. Mùa thu trong tôi đôi khi chỉ ngắn ngủi đúng bằng một buổi sáng cuối tuần. Có lẽ sự lớn dần của tuổi tác dễ khiến mình cảm tưởng thời gian eo hẹp đi. Dù biết, trời đất muốn chuyển vần luôn cần đủ giờ, đủ khắc.
Có một sáng thức dậy, nhìn ra bên ngoài thấy mặt trời le lói. Cái rùng mình khe khẽ báo hiệu một ngày thu sương giá. Cách đó mấy hôm, tôi đã bắt đầu lục tìm chiếc áo dạ của mùa đông trước. Cái lạnh như hơi men vừa dậy lên đã ngấm sâu vào da thịt. Tôi lẩm nhẩm một bài hát trong khi chạy xe tới trường. Lớp học mùa thu được các cô cậu học trò quét dọn tinh tươm. Tôi với tay kéo tấm rèm phủ qua lớp cửa kính còn đọng những hạt sương đêm. Sợ gió lạnh ùa vào. Biết đâu chừng, có vài học trò mặc chưa đủ ấm. Tan trường, nhìn các em tạm biệt nhau trong cơn gió se sẽ của buổi ban trưa nhạt nắng, tôi thầm ước có bà tiên bất ngờ xuất hiện ngay ở cổng trường và tặng cho mỗi em một tấm áo may bằng vải bông thô sực ấm. Tôi không có ý mơ mộng chuyện thần tiên. Chỉ bởi, cái lạnh muôn đời khiến người ta bối rối chuyện áo khăn.
Trong cái lạnh buổi đêm, tôi nằm xuống cạnh một cuốn sách đang đọc dở dang, đã cố không ngẫm ngợi nhiều nhưng trong lòng cứ rít lên tiếng gió. Ngọn nến thơm leo lét cháy, hắt một vệt sáng mờ như có như không lên bức tường đã rạn. Đêm nằm nghe bão, bỗng thèm và tiếc nhớ một điều gì đó trong ngần. Tôi trở dậy pha tách trà hoa đậu biếc rồi mân mê trong lòng tay, nghe nhịp thời gian gõ đều trên chiếc bàn còn ngổn ngang giấy bút. Cái hạnh phúc chắt chiu được mới đáng giá làm sao! Như ngày mưa gió bão bùng nhắc ta yêu thêm những cảnh trí tĩnh lặng, có nắng và hương thơm.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Mùa thu này, tôi tiễn một tình thân. Họ ra đi vì bạo bệnh khi tuổi đời còn quá trẻ. Tôi không muốn hỏi trời cao những điều thuộc về số phận, chỉ ngước lên nhìn một khoảng không cay nồng của mùa thu trắng gió. Chúng ta có thể sống theo nhiều cách. Nhưng ai cũng chỉ có một cuộc đời. Tôi thấy mình mãi mãi là kẻ đi trên cánh đồng mùa thu với một vẻ bối rối lạ thường. Luôn lẩm nhẩm điều gì đó thật khó hiểu và cứ tự nhắc đi nhắc lại rằng chúng ta có thể sống theo nhiều cách.
Tôi không đếm mình đã có bao nhiêu ngày thu lẳng lặng trôi đi. Ở nơi mà khái niệm về mùa rất mông lung, tôi như cơn mưa được tán ra từng sợi mỏng. Có mùa thu này rồi sẽ có mùa thu khác. Yên ả rồi sóng gió. Mỗi thay đổi là một khúc quanh trong đời người. Nếu phải viết nhật ký cho mùa thu thì từng trang giấy đâu khác gì nỗi nhớ. Những nỗi nhớ “mỗi ngày mỗi đầy”. Tôi đang hình dung đến một ngày phải trả lời câu hỏi mùa thu dài ngắn bao nhiêu. Đột nhiên lại lúng túng, trong khi dư vị mùa thu vẫn còn đầy những giác quan tôi. Có lẽ, mùa thu với những xáo trộn của đời sống này, đúng như nhà thơ Tản Đà từng viết: “Vèo trông lá rụng đầy sân/Công danh phù thế có ngần ấy thôi”…
LỮ HỒNG
 

Có thể bạn quan tâm

Âm sắc Tây Nguyên trên quê Bác

Âm sắc Tây Nguyên trên quê Bác

(GLO)- Từ ngày 16 đến 20-5, gần 40 ca sĩ, diễn viên, nghệ nhân Gia Lai đã tham gia 2 sự kiện vô cùng ý nghĩa tại tỉnh Nghệ An. Đó là hội diễn nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát Làng Sen” và triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” năm 2025.

Khai mạc triển lãm ảnh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Bình Định - Sắc màu hội tụ”

Khai mạc triển lãm ảnh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Bình Định - Sắc màu hội tụ”

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023); 47 năm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/1978 - 18/5/2025), sáng 12-5, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp Bảo tàng Quang Trung khai mạc triển lãm ảnh chủ đề “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Bình Định - Sắc màu hội tụ”.

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.