Nhà ở xã hội "lên sàn": Giá hơn 700 trăm triệu, mất 100 triệu phí môi giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tại nhiều dự án nhà ở xã hội trên cả nước, để nhanh chóng thu hồi vốn, chủ đầu tư đã liên kết với các sàn giao dịch bất động sản khác nhau để bán hàng. Từ đó xảy ra tình trạng, giá nhà ở xã hội lại do các sàn này quy định chứ không phải do Nhà nước quy định, dẫn tới có sàn thu phí môi giới lên tới hơn 13% giá trị căn hộ, khiến cho chính sách nhân văn về nhà ở xã hội khi đi vào thực tiễn không còn nhiều ý nghĩa.

 Dự án nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm (Bắc Ninh). Ảnh: PV
Dự án nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm (Bắc Ninh). Ảnh: PV


Nhiều sàn cùng "bán" một dự án

Theo điều tra của Báo Lao Động, hiện nay có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đang bị chủ đầu tư cùng các sàn giao dịch bất động sản lợi dụng để kinh doanh trục lợi. Như tại dự án Nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang (thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển bền vững Evergeen Bắc Giang, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI), có quy mô 10 toà nhà, mỗi toà 20 tầng, dự kiến bàn giao vào quý II/2023.

Theo đại diện Chủ đầu tư, đơn vị có thực hiện một số công tác truyền thông nhằm giới thiệu, cung cấp thông tin và tư vấn sản phẩm nhà ở xã hội tại dự án cho công nhân từ cuối năm 2022. Thế nhưng, thực tế ghi nhận của PV Báo Lao Động thì nhân viên một số sàn bất động sản như Tâm Thành Land, Iland, TK Land… lại đứng ra chào mời các nhà đầu tư không thuộc diện mua nhà ở xã hội “góp vốn” vào dự án dưới hình thức “đặt cọc, giữ chỗ”, trong khi dự án vẫn chưa đủ điều kiện kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai.

Sau khi Báo Lao Động có tuyến bài phản ánh về việc trên, ngày 29.3, UBND tỉnh Bắc Giang đã xử hành chính phạt đơn vị môi giới tại dự án này là Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Everland số tiền 140 triệu đồng.

Thế nhưng, hoạt động môi giới, mời chào nhà đầu tư “đặt cọc” nhà ở xã hội tại dự án tạm lắng một thời gian, sau đó lại rầm rộ trở lại vào đầu tháng 5.2022, khi dự án đã đủ điều kiện kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo thông tin từ các sàn môi giới bất động sản, hoạt động mời chào, mua bán, đầu tư nhà ở xã hội không đúng đối tượng, không đúng quy định tại dự án này chỉ dừng lại cách đây 1 tháng (từ ngày 18.6.2022). Thế nhưng, hiện cũng không có dấu hiệu dừng lại, nhiều chỗ nhiều nơi vẫn có tình trạng rao bán công khai, khiến cho việc tiếp cận nhà ở xã hội của các đối tượng thu nhập thấp trở nên khó khăn hơn.

Nhà hơn 700 triệu, mất 100 triệu đồng cho môi giới

Tại dự án nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm do Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam làm chủ đầu tư, theo kết luận kiểm tra số 146/KL-SXD ngày 29.4 của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán 9 căn hộ nhưng lại chưa gửi về Sở Xây dựng tỉnh xét duyệt xem khách hàng mua có đủ điều kiện mua nhà ở xã hội hay không.

Trong số 9 trường hợp, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành làm việc với 5 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp khách hàng đồng ý cung cấp thông tin. Theo 3 trường hợp này cho biết, họ đã mua nhà qua môi giới là công ty Cổ phần Cen Bắc Ninh (đơn vị thuộc Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ - Cen Land), có trụ sở tại tầng 9 toà nhà VNPT Bắc Ninh, với số tiền thu ngoài hợp đồng lên đến 100 triệu đồng/ căn hộ. Trong khi đó, giá căn hộ 60m2 được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại dự án chỉ là 761,7 triệu đồng (12.965.000 đồng/m2). Tức là phí môi giới lên tới hơn 13% giá trị thực tế căn hộ.

Tại dự án nhà ở xã hội Môi trường xanh (Từ Sơn, Bắc Ninh), do công ty TNHH Môi trường xanh làm chủ đầu tư. Dự án này vừa bị Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh ra quyết định thu hồi 76 căn hộ bán sai đối tượng và không đảm bảo quy trình mua bán theo quy định.

Nhiều người dân mua nhà tại dự án như đang ngồi trên đống lửa vì đã chuyển về đây ở ổn định một thời gian dài thì nay nhận được thông báo từ chủ đầu tư cho biết, họ không thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội. Đồng thời, nếu muốn tiếp tục ở thì phải nhờ người khác thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội làm lại hồ sơ đứng tên thay.

Người dân cho biết, họ mua nhà ở xã hội tại dự án Môi trường xanh qua một đơn vị có tên là Công ty cổ phần bất động sản và du lịch Vietlanders hay còn gọi là sàn bất động sản Vietlanders (địa chỉ tại số 217 phố Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) với số tiền chênh lên đến hàng trăm triệu đồng/căn hộ.

“Khi tôi đến mua thì người tư vấn không nói cho tôi biết là có đủ điều kiện mua hay không, mà chỉ giục đóng tiền cho chủ đầu tư sau đó chuyển về ở. Nếu tôi biết mình không đủ điều kiện thì chắc chắn sẽ không bỏ tiền mua nhà tại dự án này” - một người dân mua nhà tại dự án Môi trường xanh nói.

Cũng theo nhiều người không thuộc đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, đã mua nhà qua sàn giao dịch bất động sản, nhân viên sàn giao dịch luôn cam kết là dự án đầy đủ pháp lý. Do vậy họ mới mua. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra, người dân mới biết mình không đủ điều kiện. Tiền mất, tật mang. Bỏ ra cả trăm triệu cho môi giới tưởng rẻ nhưng không ngờ lại vướng mắc pháp lý như vậy.  

 

https://laodong.vn/bat-dong-san/nha-o-xa-hoi-len-san-gia-hon-700-tram-trieu-mat-100-trieu-phi-moi-gioi-1069534.ldo
 

Theo Trần Tuấn (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.