Nhà khoa học Trung Quốc tìm ra kháng thể ngăn virus Corona xâm nhập tế bào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc vừa tách ra được nhiều kháng thể mà họ cho là “cực kỳ hiệu quả” trong việc ngăn chặn virus Corona chủng mới xâm nhập các tế bào, có thể hữu ích trong việc điều trị bệnh Covid-19.
Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã tăng lên hơn 862.000. Ảnh: Reuters
Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã tăng lên hơn 862.000. Ảnh: Reuters
Nhà khoa học Trương Lâm Kỳ thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho rằng một loại thuốc được làm với những kháng thể giống như kháng thể mà nhóm của ông vừa tìm ra có thể hữu hiệu hơn bất kỳ cách điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona gây bệnh Covid-19 hiện nay, theo Reuters.
Hồi tháng 1, nhóm của ông Trương và một nhóm tại Bệnh viện nhân dân số 3 ở thành phố Thâm Quyến bắt đầu phân tích các kháng thể trong máu được lấy từ nhiều bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục, tách ra 206 kháng thể đơn dòng. Ông Trương mô tả những kháng thể này thể hiện khả năng buộc chặt protein của virus Corona.
Sau đó, các nhà nghiên cứu tiến hành một cuộc thử nghiệm khác nhằm kiểm tra xem liệu các kháng thể có thể thật sự ngăn chặn được virus Corona xâm nhập tế bào hay không. Ông Trương cho biết thêm trong số 20 kháng thể đầu tiên được kiểm tra có 4 kháng thể có thể ngăn chặn virus Corona xâm nhập tế bào và hai trong số đó làm việc này “rất tốt”.
“Tầm quan trọng của các kháng thể đã được chứng minh trong thế giới y khoa trong nhiều thập niên. Chúng có thể được dùng để điều trị ung thư, những bệnh tự miễn dịch và bệnh truyền nhiễm”, ông Trương cho hay.
Nhóm của ông Trương hiện đang tập trung xác định những kháng thể mạnh nhất và có thể kết hợp chúng để giảm nguy cơ virus Corona biến thể. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, những bên quan tâm có thể sản xuất kháng thể với số lượng lớn để thử nghiệm, trước tiên trên động vật rồi trên người.
Ông Trương hy vọng những kháng thể nói trên có thể được thử nghiệm trên người trong 6 tháng. Nếu những kháng thể được phát hiện có thể hiệu quả trong thử nghiệm, việc sử dụng chúng cho điều trị Covid-19 có thể mất thời gian lâu hơn.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác kêu gọi cẩn trọng. “Có một số bước cần phải theo dõi từ bây giờ trước khi kháng thể đó có thể được dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Corona”, bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Hồng Kông Ben Cowling cho hay khi ông được Reuters mô tả về phát hiện nói trên.
Cho đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị Covid-19 nào được chứng minh hữu hiệu, trong khi tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới đã tăng lên hơn 861.000, trong đó có trên 42.370 ca tử vong.
Theo Văn Khoa (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.