Lời cảnh báo đến từ nghiên cứu của Trường Y khoa Morehouse ở Atlanta - Mỹ, vừa công bố trên tạp chí American Journal of Physiology-Heart and Circulatory Physiology của Hiệp hội Sinh lý Mỹ.
Các nhà khoa học đã thí nghiệm trên những con chuột được biến đổi để mắc bệnh cao huyết áp, một vấn đề rất phổ biến ở con người.
Họ phát hiện ra rằng mức huyết áp giảm nhịp nhàng hằng đêm điển hình ở những động vật khỏe mạnh, có lối sống bình thường, dường như biến mất ở những con chuột tiếp xúc với lịch trình ánh sáng thay đổi.
Điều này tương đương với những gì xảy ra khi phá vỡ đồng hồ sinh học ở con người: Chính là thói quen ăn, ngủ, sinh hoạt không đúng giờ, không điều độ.
Trước đây, nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy việc tuân thủ đồng hồ sinh học, bao gồm việc ăn đúng bữa, ngủ - thức vào giờ cố định... là tốt cho sức khỏe. Nhưng đây là lần đầu tiên các bằng chứng vững chắc cho thấy không làm điều đó ảnh hưởng đến biến cố mà nhiều người sợ hãi: Đột quỵ.
Ở người bình thường, huyết áp đều giảm tự nhiên 10-15% vào ban đêm. Nghiên cứu này cho thấy khi ánh sáng mà chúng ta tiếp nhận trong ngày bị thay đổi do chế độ làm việc giờ giấc thất thường, hoặc theo ca luân phiên bao gồm một số ngày trực đêm, đồng hồ sinh học sẽ bị phá vỡ và dẫn đến thiệt hại ở cơ chế giảm huyết áp tự nhiên này.
Hậu quả của điều này là tăng nguy cơ khởi phát đột quỵ sớm và giảm tuổi thọ.
Các tác giả cũng cố tìm ra phương án khắc phục bớt hậu quả của điều đó, có thể là lời khuyên hữu ích cho những ai đang tạm "mắc kẹt" với công việc: Nhịn ăn gián đoạn.
Đó là một kiểu ăn kiêng mà trong y khoa được nghiên cứu để kiểm soát tiểu đường, trong khi nhiều người khác lại dùng như biện pháp giảm cân bởi được chứng minh là thúc đẩy trao đổi chất.
Cách ăn khá đơn giản: Ăn vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày, khoảng thời gian còn lại không ăn gì. Ví dụ nhịn ăn gián đoạn 12-12 nghĩa là từ bữa sáng đến bữa tối gói gọn trong 12 giờ, 12 giờ còn lại không ăn.
Có những công thức khắc nghiệt hơn và dễ chịu hơn. Các chuyên gia khuyên nên thử những công thức dễ chịu trước, trừ khi bạn là người bệnh đang nhịn ăn gián đoạn với sự theo dõi của bác sĩ.
Nghiên cứu trên chuột của các bác sĩ và nhà khoa học Atlanta cho thấy nhịn ăn gián đoạn giúp trì hoãn sự khởi phát của đột quỵ ở người có đồng hồ sinh học không được ổn định.
Theo một phương diện nào đó, nhịn ăn gián đoạn cũng là cách tự ổn định đồng hồ sinh học, bởi bạn sẽ phải ăn gói gọn trong khung giờ cố định.