Người đầu tiên tử vong do cúm gia cầm H3N8 ở Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một phụ nữ chết vì cúm gia cầm H3N8 ở Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo ngày 11.4. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên ở người do chủng cúm gia cầm này.
Nhân viên chính phủ kiểm tra gà con để tìm dấu hiệu cúm gia cầm tại một trang trại gia cầm ở Darul Imarah, tỉnh Aceh, Indonesia. Ảnh minh họa. Ảnh: AFP

Nhân viên chính phủ kiểm tra gà con để tìm dấu hiệu cúm gia cầm tại một trang trại gia cầm ở Darul Imarah, tỉnh Aceh, Indonesia. Ảnh minh họa. Ảnh: AFP

Cúm gia cầm H3N8 đã lưu hành từ năm 2002 sau khi lần đầu tiên xuất hiện ở thủy cầm tại Bắc Mỹ. Chủng cúm gia cầm này đã lây nhiễm cho ngựa, chó và hải cẩu.

H3N8 đã không được phát hiện ở người trước khi có 2 ca mắc được ghi nhận ở Trung Quốc vào tháng 4 và tháng 5 năm ngoái.

Người đầu tiên trên thế giới qua đời do cúm gia cầm H3N8 là nữ giới, 56 tuổi đến từ tỉnh Quảng Đông, đông nam Trung Quốc.

Bệnh nhân ốm vào ngày 22.2, nhập viện vì viêm phổi nặng vào ngày 3.3 và qua đời vào ngày 16.3, WHO cho biết.

"Bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền. Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống trước khi phát bệnh và có chim hoang dã hiện diện quanh nhà" - cơ quan y tế Liên Hợp Quốc thông tin.

Cũng theo WHO, "không có người nào tiếp xúc gần với ca bệnh này bị lây nhiễm hoặc có triệu chứng bệnh tại thời điểm báo cáo".

Mặc dù việc tiếp xúc với chợ gia cầm sống có thể là nguyên nhân lây nhiễm của ca bệnh này nhưng "vẫn chưa rõ nguồn lây nhiễm chính xác là gì và virus này có liên quan như thế nào với các virus cúm gia cầm A (H3N8) khác đang lưu hành ở động vật", WHO lưu ý, kêu gọi điều tra thêm động vật và con người.

Trong 2 trường hợp mắc cúm gia cầm H3N8 năm ngoái, một người mắc bệnh hiểm nghèo, người còn lại mắc bệnh nhẹ. Cả 2 trường hợp đều có khả năng bị nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm bị nhiễm bệnh, theo WHO.

“Dường như loại virus này không có khả năng lây lan dễ dàng từ người sang người và do đó nguy cơ lây lan giữa người với người ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế được coi là thấp” - tổ chức có trụ sở tại Geneva khẳng định.

Tuy nhiên, do bản chất không ngừng phát triển của virus cúm, WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát toàn cầu để phát hiện những thay đổi về virus, dịch tễ học và lâm sàng liên quan đến virus cúm lưu hành có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người (hoặc động vật).

Những trường hợp cúm gia cầm ở người thường là kết quả của việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm.

Theo WHO, việc nhiễm cúm động vật có thể dẫn đến các bệnh từ viêm kết mạc hoặc các triệu chứng giống cúm nhẹ đến bệnh hô hấp cấp tính nặng, thậm chí tử vong. Những triệu chứng về đường tiêu hóa hoặc thần kinh cũng đã được ghi nhận nhưng rất hiếm.

Có thể bạn quan tâm