Người dân Kon Gang thoát nghèo nhờ trồng tre lấy măng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cây tre Đài Loan được đưa vào trồng tại xã Kon Gang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) gần 15 năm trước nhưng chỉ thực sự trở thành cây hàng hóa trong thời gian gần đây. Đặc biệt, từ khi UBND xã triển khai mô hình trồng tre lấy măng, nhiều hộ dân tộc thiểu số nơi đây đã có thu nhập ổn định.
Gia đình bà Hồ Thị Vân (làng Kop) là hộ tiên phong đưa cây tre Đài Loan về trồng tại xã Kon Gang. Bà Vân cho biết: “Năm 2008, sau khi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan trở về, tôi mang theo giống tre này trồng thử nghiệm trong vườn nhà. Chỉ sau 10 tháng, giống tre này đã cho thu hoạch măng với sản lượng cao hơn nhiều so với các giống tre tại địa phương. Đặc biệt, giống tre này cho thu hoạch măng quanh năm. Nhận thấy cây tre Đài Loan phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên tôi chuyển toàn bộ 1,5 ha cà phê già cỗi sang trồng loại cây này. Hiện năng suất vườn cây đạt trên 34 tấn măng tươi/ha/năm. Với giá bán 10-30 ngàn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, gia đình lãi gần 350 triệu đồng/năm”.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, năm 2017, bà Vân bắt đầu nghiên cứu chế biến các sản phẩm măng giòn, măng chua và măng khô cung cấp ra thị trường với nhãn hiệu “Long Vân”. Khác với các giống măng của địa phương, măng tre Đài Loan có vị ngọt, giòn và dễ chế biến nên được nhiều khách hàng lựa chọn đặt mua với số lượng lớn. Để mở rộng thị trường cũng như nâng cao giá trị, năm 2020, bà đăng ký 3 sản phẩm này tham gia Chương trình OCOP và được chứng nhận đạt 3 sao cấp tỉnh. Hiện tại, cơ sở sản xuất măng Vân Long bán ra thị trường hơn 3 tấn sản phẩm mỗi năm. Để có đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường, bà Vân đã liên kết với một số hộ dân trong xã trồng măng. Các hộ này được hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu măng nguyên liệu.
Bà Hồ Thị Vân giới thiệu các sản phẩm của cơ sở được chế biến từ măng tre. Ảnh: Phạm Ngọc
Bà Hồ Thị Vân giới thiệu các sản phẩm của cơ sở được chế biến từ măng tre. Ảnh: Phạm Ngọc
Nhận thấy trồng tre lấy măng đem lại hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2020, UBND xã Kon Gang phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện Đak Đoa triển khai mô hình này cho 19 hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo ở làng Kop với quy mô sản xuất 8,3 ha. Tổng kinh phí thực hiện trên 346 triệu đồng từ nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ và nguồn đối ứng của người dân. Đến nay, trên địa bàn xã có 30 hộ trồng tre Đài Loan lấy măng với diện tích trên 18 ha.
Anh Bleo (làng Kop) cho biết: Gia đình có trên 3 sào đất bạc màu nên chỉ trồng cỏ vào mùa mưa để chăn nuôi bò. Năm 2020, anh trồng 100 cây tre Đài Loan trên diện tích đất này. Chỉ sau 10 tháng, vườn tre đã cho thu hoạch măng. Mỗi năm, gia đình thu 2,5 tấn măng tươi bán với giá 10-30 ngàn đồng/kg. “Vừa rồi, tôi trồng thêm 2 sào tre phía sau vườn nhà để nâng cao thu nhập. Trồng tre lấy măng đã giúp gia đình tôi có tiền mua phân bón để chăm sóc vườn cà phê, hồ tiêu và mở rộng quy mô chăn nuôi. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng phát triển và vươn lên thoát nghèo”-anh Bleo phấn khởi cho hay.
Vườn tre của gia đình anh Bleo (làng Kop) mỗi năm cho nguồn thu gần 60 triệu đồng. Ảnh: Phạm Ngọc
Vườn tre của gia đình anh Bleo (làng Kop) mỗi năm cho nguồn thu gần 60 triệu đồng. Ảnh: Phạm Ngọc
Nói về hiệu quả của mô hình trồng tre lấy măng, ông Phan Hồng Dũng-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Kon Gang-cho biết: Mỗi héc ta trồng được 850-900 cây tre. Sau 10 tháng là cho thu hoạch măng. Từ năm thứ 3 trở đi, năng suất măng bình quân đạt 25-35 tấn tươi/năm. Đặc biệt, vào mùa khô, nếu bà con ủ gốc và thường xuyên tưới nước giữ ẩm để tre cho măng trái vụ thì giá bán sẽ cao hơn. Cây tre Đài Loan có tuổi thọ hơn 30 năm, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định. Hiện sản phẩm măng tươi của các hộ dân trong xã được cơ sở Long Vân thu mua với giá dao động 10-30 ngàn đồng/kg tùy từng thời điểm. Sau khi trừ chi phí, người dân thu về trên 250 triệu đồng/ha/năm.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Gang-cho biết: Toàn xã có 1.082 hộ, trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua 3 năm triển khai mô hình trồng tre lấy măng đã chứng minh đây là loại cây có thể phát triển tốt trên những diện tích đất bạc màu, đất dốc, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Đây là hướng đi mới có nhiều triển vọng đối với các hộ dân tộc thiểu số trong xã. Nhờ trồng tre lấy măng, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo. “Thời gian tới, UBND xã vận động người dân thành lập tổ liên kết sản xuất gắn với chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng để cung ứng cho thị trường”-ông Thành thông tin.
PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Công an tỉnh Gia Lai tăng tốc triển khai Đề án 06

Công an tỉnh Gia Lai tăng tốc triển khai Đề án 06

(GLO)- Công an tỉnh Gia Lai là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của tỉnh.
Nhớ bok Núp

Nhớ bok Núp

(GLO)- Nhiều người và nhiều hãng thông tấn báo chí chụp ảnh Anh hùng Núp. Trong đó, bức ảnh “Bok Núp” của anh Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai) được nhận xét là một trong những bức chân dung đẹp nhất.