Người Cor ăn Tết ngã rạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khắp các bản làng người Cor ở huyện miền núi Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) đang vào mùa ăn Tết ngã rạ (thường từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch). Năm nay, mưa lũ gây mất mùa lúa rẫy, thế nhưng khi đến dịp tết, người Cor tiếp tục gửi từng hạt lúa vào lòng đất, ngậm hạt sương sa của đất trời, hy vọng năm sau ruộng lúa vàng ươm, trĩu hạt trên những sườn núi cheo leo.

Tế lễ mừng lúa mới

Ông Hồ Ngọc An (62 tuổi, thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng) kể rằng: “Gọi là “ngã rạ” vì khi đó lúa ngoài đồng đã chín ngã, người dân đã thu hoạch xong, đất nương rẫy chỉ còn lại rơm rạ, đốt rẫy chuẩn bị vụ sau”. Tết ngã rạ của người Cor không theo ngày tháng nhất định mà phụ thuộc vào vòng đời của lúa rẫy, mỗi năm có một mùa rẫy. Khi cả làng thu hoạch xong đưa lên các chòi cũng là lúc già làng quyết định cả làng ăn Tết ngã rạ. Thời khắc trước Tết ngã rạ, nếu chẳng may buôn làng có người qua đời thì dời lại khoảng 7 ngày.

 

Đấu chiêng là phần hội được mong chờ nhất trong Tết ngã rạ.
Đấu chiêng là phần hội được mong chờ nhất trong Tết ngã rạ.

Người Cor sinh sống ở huyện miền núi Trà Bồng vốn chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, việc cúng tế hầu như diễn ra quanh năm và theo chu kỳ của đời người. Cũng như các dân tộc khác, người Cor vẫn giữ nghề trồng lúa rẫy trên những sườn núi. Bắt đầu từ tháng 3 âm lịch, người Cor đi đốt rẫy để tỉa lúa, đàn ông đi trước chọc lỗ, đàn bà đi sau bỏ hạt lấp đất. Từ đây, những nghi lễ liên quan đến lúa được hình thành, như: lễ cúng xuống giống, lễ cúng cầu mưa, lễ cúng khi bị chim, chuột cắn phá. Đến cuối thu hoạch là lễ cúng cơm mới; trong đó, Tết ngã rạ được coi là tết trọn vẹn và thiêng liêng nhất năm và là tết truyền thống với đầy đủ phần lễ, phần hội của người Cor.

Buổi chiều trước ngày Tết ngã rạ, đàn bà trong làng chuẩn bị lúa mới, nếp, lá dong, ống nứa; đàn ông lên rừng săn thú chuẩn bị đầy đủ lễ vật. Ông An cho biết: “Trâu, bò là động vật hiến tế linh thiêng nhất có mặt trong tất cả các nghi lễ, cả lễ hội đâm trâu, được chọn để cúng vị thần giữ giống lúa Mo Hwýt, thần Mo Crai phù hộ cho lúa tốt. Heo là loài được chọn cúng tế cho bà Chúa Ngọc, cuối cùng gà dùng để cúng ông bà tổ tiên”. Ngoài cúng trâu, heo, gà..., ở một số làng, xã, người dân còn săn bắt tích lũy nhiều con vật nhỏ trên rừng như chồn, sóc, thỏ... Đặc biệt là chuột lách được người Cor ưa thích, vì loài chuột này sống dưới gốc cây lách, ăn toàn rễ non của cây lách chứ không ăn thứ gì khác, nên rất sạch. Trong Tết ngã rạ, các hộ gia đình cũng cúng chuột lách trong mỗi mâm cỗ. Ông Hồ Văn Yến, Trưởng thôn Cả (xã Trà Hiệp, Trà Bồng), nói: “Việc săn bắt kéo dài nhiều ngày trước khi Tết ngã rạ diễn ra, do vậy các con vật được đưa về đều treo lên giàn bếp cho khô, tích trữ. Chuột về phơi khô, chế biến thành các món ăn như chiên, nướng. Trong lúc làm lễ, già làng chia làm 3 mâm, mỗi mâm có một con chuột. Trong khi đãi bà con, dân bản, trâu, bò, heo, gà có thể đem ra ăn nhưng riêng chuột chỉ được “ăn phép” và được để lại đến ngày hôm sau”.

Nét văn hóa độc đáo cần bảo tồn

 

Lễ cúng Tết ngã rạ của người Cor huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Lễ cúng Tết ngã rạ của người Cor huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Xuất phát từ nhà chủ hộ hoặc già làng, đoàn cồng chiêng đến từng nhà khác trong làng để chúc mừng Tết ngã rạ và mời bà con cùng sang dự lễ với gia chủ. Khoảng 9 giờ sáng, các lễ vật được chuẩn bị xong như bánh ba góc, bánh ống, bánh tóp, cơm mới, cá dí, ly nước lấy từ nguồn suối trong lành. Việc tôn sùng “vạn vật hữu linh”, trong văn tế, người Cor tôn trọng và cúng tất cả các thần linh cho đến con ma xấu, ma tốt, ma suối, ma đồi... Khi cúng được mùa, người Cor mời toàn bộ thần linh, ma quỷ về để tạ ơn.

Sau nghi lễ Tết ngã rạ, mọi người ăn uống thoải mái. Ở một số làng, bản khác phân chia theo đường nước, đường rừng, khi bà con trong dòng họ ăn uống xong sẽ đi dạo quanh làng, đến thăm từng nhà trong làng và đôi khi được gia chủ giữ lại mời cơm. Điều này như là lời chúc nhau năm mới. Khi màn đêm buông xuống, dân làng lại tụ tập tại nhà già làng để cúng ma Ga Ru (ma cho phép mình được làm), mỗi nhà đóng góp các loại bánh. Khi đã tập trung đông đủ, già làng dẫn mọi người đi đến nơi mình chỉ định sẵn để xin phép thần linh cho phép cả làng được tiếp tục vụ mùa năm sau.

Trong Tết ngã rạ, làng còn cúng các già làng đi trước, người quá cố trong gia đình. Năm nay, ông Hồ Ngọc An cũng thực hiện nghi lễ cúng già Hồ Ngọc Hoàng (già làng người Cor, hưởng thọ 100 tuổi, qua đời hồi tháng 8-2017, được phong tặng Nghệ nhân ưu tú trong bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc). “Già Hồ Ngọc Hoàng là người có uy tín, tâm đức cao vời, được cộng đồng giao chức trách giữ mối quan hệ giữa dân làng và thần linh. Nay già Hoàng mất, cả làng thực hiện nghi lễ đưa già Hoàng về với thần, để tiếp tục che chở, bảo vệ dân làng”, ông An bùi ngùi nói.

Sang ngày thứ 2, mỗi gia đình cúng ma hàng (ma cho gia đình làm ăn khá giả, mua sắm vật dụng trong năm như chiêng, ché, lục lạc, cườm). Sau đó là cúng ma Trầu, ma Quế..., các vị thần ma cai quản mỗi loại cây, con vật trong năm, cầu mong sang năm mới nảy nở, sinh sôi, phát triển. Bà con tiếp tục tụ họp, ăn uống và đánh chiêng, đánh trống, múa hát cả ngày. Đến ngày thứ 3, ngày cuối cùng, người dân bắt đầu đi lao động phép ngoài rẫy, ươm giống, tỉa những hạt lúa đầu tiên trên đất mới. Tết ngã rạ đến lúc này đã xong, mọi người bắt đầu một năm mới.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trà Bồng, cho biết: “Tết ngã rạ là nét văn hóa độc đáo của người Cor, góp phần bảo tồn truyền thống dân tộc, lưu giữ bản sắc của đồng bào Cor. Tùy theo điều kiện mà có thể được tổ chức theo gia đình, làng, xã. Tết ngã rạ là tất cả hộ gia đình của làng cùng tham gia, nên trách nhiệm của các gia đình là như nhau. Thông lệ, sau Tết ngã rạ, người Cor mới được phép thực hiện các nghi lễ khác trong năm như lễ đâm trâu, lễ cưới xin, lễ đi hỏi, lễ tục táng”.

Nguyễn Trang/sggp

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.