Người Bahnar tích cực hiến máu tình nguyện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trước đây, nhiều người Bahnar ở huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) thường e ngại với việc hiến máu. Tuy nhiên, những năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong đồng bào Bahnar ở Đak Đoa, thu hút nhiều người tham gia.

Anh Đinh Guin-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang đã 19 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, anh Guin kể: Năm 2008, trong lúc đi làm, em họ của anh Guin không may bị tai nạn giao thông phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh này bị chấn thương khá nặng, mất nhiều máu nên phải mổ gấp và cần tiếp máu. Nhưng thời điểm ấy, tại bệnh viện không có nhóm máu phù hợp với bệnh nhân nên phải tìm người tiếp máu. Chứng kiến em họ trong tình trạng nguy kịch, dù biết mình thuộc nhóm máu phù hợp nhưng do sợ bị đau, sợ kim tiêm, ảnh hưởng đến sức khỏe nên anh Guin đắn đo, lưỡng lự. Phải đến khi thấy tình hình càng nghiêm trọng, anh Guin lấy hết can đảm đến gặp bác sĩ để đăng ký hiến máu. “Sau khi được bác sĩ thông báo đủ điều kiện, tôi hiến 250 ml máu. Vì vậy, em họ của tôi thoát khỏi cơn nguy kịch”-anh Guin nhớ lại.

Anh Đinh Guin đã có 19 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: R'Ô HOK
Anh Đinh Guin đã 19 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: R'Ô HOK


Từ đó đến nay, mỗi khi địa phương tổ chức hiến máu, anh Guin luôn tích cực tham gia. Bên cạnh đó, anh còn vận động được hơn 40 người tình nguyện tham gia hiến máu.

Chia tay anh Guin, chúng tôi đến thăm ông Y Bứt (làng Groi 1, xã Glar). Ông Y Bứt cũng có nhiều lần hiến máu tình nguyện. Ông Bứt kể: Ông là người Bahnar đầu tiên ở địa phương đi hiến máu tình nguyện. Thời điểm đó, do chưa hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu nên nhiều thanh niên trong làng cứ nghĩ ông dở người. Họ bảo hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này và không thể làm rẫy được. Ông Bứt nói: “Nhưng thực tế là sau khi hiến máu, tôi vẫn khỏe mạnh, không đau ốm gì. Từ bản thân, tôi đã vận động nhiều thanh niên cùng tham gia hiến máu cứu người”. Năm 2008, ông Y Bứt được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Từ đây, ông tích cực tuyên truyền bà con Bahnar hiểu ý nghĩa việc tham gia hiến máu. Ông Bứt nhiều lần được Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện. Năm 2016, ông được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo.

 Là Bí thư Chi bộ làng Groi 1 ông Y Bứt (bìa trái) thường xuyên vận động bà con tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: R'Ô HOK
Ông Y Bứt (bìa trái; làng Groi 1, xã Glar) thường xuyên vận động bà con tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: R'Ô HOK


Trao đổi với P.V, ông Phạm Duy Chinh-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đak Đoa-thông tin: Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ít tham gia hiến máu do quan niệm và định kiến xã hội. Vài năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác truyền thông, người dân nhận thức được ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp. Tại các xã Ia Băng, Hà Bầu, Hà Đông... người dân tham gia hiến máu rất đông. Định kỳ 2 đợt/năm, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp xã vận động 700-800 người đăng ký hiến máu, tiếp nhận 300-400 đơn vị máu an toàn, trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 20-25%.  
 

 R'Ô HOK
 

Có thể bạn quan tâm

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.