Ngổn ngang dự án sân bay Long Thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phóng viên vừa có mặt tại một số xã nơi thực hiện Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và nhận thấy mọi thứ vẫn “giậm chân tại chỗ”. 

Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là dự án (DA) đang được người dân tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước quan tâm vì khi hoàn thành DA sẽ nâng tầm phát triển mọi mặt tại địa phương cũng như vùng lân cận. Nhưng hiện khâu giải tỏa mặt bằng, bố trí công việc làm, khu tái định cư cho người dân vùng DA… đều gặp nhiều khó khăn.

Khu vực xã Suối Trầu, nơi sẽ xây dựng sân bay, vẫn là đồng quê yên ả, chưa có gì thay đổi
Khu vực xã Suối Trầu, nơi sẽ xây dựng sân bay, vẫn là đồng quê yên ả, chưa có gì thay đổi



Mọi thứ vẫn như cũ

Những ngày đầu tháng 7, phóng viên Báo SGGP đã có mặt tại một số xã nơi thực hiện DA và nhận thấy mọi thứ vẫn “giậm chân tại chỗ”. Dù tình trạng mua bán đất đã bớt “nóng” nhưng các “cò” đất vẫn hoạt động mạnh tại các xã nằm trong DA và những xã rìa DA. Khi xe chúng tôi lăn bánh qua những khu vực này, cò đất nhan nhản lao ra quảng cáo, hứa dẫn đi xem đất vì nghĩ chúng tôi là dân từ TPHCM về đầu tư đất tại đây.

Cuộc sống, sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khi được hỏi, ai cũng thở dài, ngán ngẩm và bày tỏ mong muốn DA sớm được thực hiện để họ có thể rời đi, có cuộc sống ổn định. Anh Nguyễn Minh Phương, người dân xã Suối Trầu (thuộc diện giải tỏa trắng), cho biết anh và gia đình mong muốn DA sớm có những bước tiến triển đúng kế hoạch như Chính phủ đề ra bởi người dân ở xã Suối Trầu và các xã phụ cận đã phải sống trên đất quy hoạch quá lâu, chịu rất nhiều thiệt thòi.

Anh Phương chia sẻ: “Chúng tôi chỉ mong có chỗ mới ổn định, tốt hơn nơi ở cũ, một ngôi nhà đúng nghĩa chứ ở đây nhà hư, dột nát cũng không dám sửa sang vì chẳng biết ở đến khi nào, ra đi khi nào”. “DA đã được thông qua rồi, có làm thì làm nhanh để chúng tôi còn có nơi ở mới, lo làm ăn sinh sống. Giờ cứ sống kiểu không an cư thì sao lập nghiệp nổi”, ông Hoàng Văn Pha (xã Bình Sơn) tâm sự.

Suất đầu tư cao?

Nhằm giải quyết những bức xúc trên của người dân cũng như đẩy nhanh tiến độ DA, các đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn nhiều lần về Đồng Nai thị sát DA này và lần mới nhất vào ngày 12-4-2018. Phó Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành và UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện khẩn trương các nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ DA thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sân bay Long Thành… Phó Thủ tướng yêu cầu lấy mốc thời gian đó để tính toán cho công việc cụ thể. Đây cũng là cơ sở để thu xếp vốn và tính toán nguồn vốn nào vay, nguồn nào từ ngân sách, còn nguồn nào xã hội hóa. Làm sao để đến năm 2021 khởi công được DA. Yêu cầu tỉnh Đồng Nai quản lý chặt, không để xảy ra đầu tư xây dựng tự phát; chỉ cho xây dựng khi có quy hoạch được phê duyệt đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp xây dựng trái phép.

Trong khi đó, theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi DA theo ý kiến của Hội đồng Thẩm định Nhà nước. Trong đó, bổ sung hạng mục đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các khu dân cư. Trong phạm vi thuộc giai đoạn 1 của DA, phần lớn là diện tích đất cao su thuộc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (hơn 1.000ha), đến nay các đơn vị đã hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc và lập bản đồ thu hồi đất 2 khu tái định cư. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường của DA để Bộ TN-MT thẩm định.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Thẩm định Nhà nước sớm thẩm định DA giải phóng mặt bằng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định và kiến nghị Bộ GT-VT chỉ đạo các đơn vị trong quá trình lập DA cần phối hợp chặt với địa phương, trong đó có việc xây dựng các tuyến đường chuyên dùng riêng phục vụ DA, không đi vào khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của DA, UBND tỉnh sẽ phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng các khu tái định cư để có thể giao mặt bằng giai đoạn 1 của DA.

Hiện tại, vấn đề quan trọng nhất vẫn là chờ báo cáo FS DA thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được phê duyệt, khi đó các công việc tiếp theo mới được thực hiện.

Trong khi đó, theo báo cáo, tổng số hộ dân bị giải tỏa giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành là 4.864 hộ, suất vốn đầu tư theo hộ dân là 4,71 tỷ đồng/hộ. Bộ KH-ĐT nhận xét suất đầu tư này là khá cao so với các DA khác và đề nghị làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở tính toán và nguyên nhân suất đầu tư rất cao của DA. Còn người dân cho rằng đến thời điểm này vẫn chưa có gì chính thức nên họ chưa biết thế nào, chỉ đến khi mọi thứ có rồi, trao tận tay thì mới biết mức đầu tư cho toàn bộ DA và cho người dân là cao hay thấp.


Tiến Minh (sggp)

Có thể bạn quan tâm

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Giữ làng trong phố

Giữ làng trong phố

Giữa lòng Đà Nẵng sôi động vẫn còn những ngôi làng giữ được nếp xưa với rặng tre, bến nước và những mái nhà ngót nghét trăm tuổi.