Ngôi sao xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những cây rừng bện thành dây leo, đan chi chít trên đầu, gã dùng dao vén lên để có một lối mòn đi vào.

Trước gã có bóng của ba người, có cả đàn ông đàn bà và nghe tiếng suối chảy róc rách nữa. Gã cười, ừ, có lẽ đây là đường đi lấy nước của dân, gã cũng muốn tắm một chút sau đường đi dài nên liền đi theo họ. Một trong ba người đó có một cô gái, gã biết vì cô ấy ngoảnh lại nhìn gã và cười, gã bỗng khựng người lại trong giây lát, cái cười đó sao nó quen đến thế. Nhưng trong phút chốc, gã nghe tiếng con quạ ở đâu bay ngang qua. Những bóng người trước mặt mất hút, những sợi dây leo bện chặt trên đầu bao bọc lấy gã. Ngẩng lên chỉ thấy những sợi khói, sợi sương hay chút nắng gì đó lọt qua kẽ lá đến nơi gã đang đứng. Trước mắt gã không có đường đi, không có lối mòn, cũng không còn nụ cười sơn nữ.

Sau vài giây hoảng loạn, gã lại cân bằng ngay bởi kinh nghiệm đi “phượt” lâu năm của mình. Gã ngồi xuống, lấy la bàn ra quan sát. Sau một hồi xác định vị trí, gã lấy dao vẹt dây rừng ra mà đi. Tiếng suối biến mất, trên đầu gã chỉ là tiếng vài con chim non kêu lên vì lạc mẹ. Gã tự hỏi, tiếng con quạ khi nãy từ đâu bay qua và nó đi đến đâu? Và những người gã đã nhìn thấy, cả nụ cười cô gái đã ngoảnh lại cười với gã, họ đi về đâu? Không lẽ đó chỉ là ảo giác?

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Gã mỏi chân nên ngồi xuống nghỉ sau khi tìm được một khoảng trống giữa đám cây rừng rồi khoanh những đám lá khô lại, nhen lửa lên. Gã muốn có cảm giác an tâm hơn khi có lửa. Tự dưng gã rùng mình, gã sợ. Lần đầu trong đời, gã cảm thấy sợ mà không rõ mình đang sợ gì!

*
Gã mê “phượt”, mỗi tháng gã phải rời khỏi nhà ít nhất mười ngày để đến những nơi mà gã muốn. Gã chẳng thèm đến chốn phồn hoa đô hội, những khu du lịch nổi tiếng. Gã muốn khám phá những con đường chưa ai đi và những nơi chưa ai tới. Gã cũng yêu vài lần, nhưng không ai ở lại với gã bởi cái “chân đi” khiến gã không còn thời gian lãng mạn cho người mình yêu, trong khi tất cả các cô gái đều muốn có một gia đình êm ấm, quây quần và hạnh phúc.

5 năm trước, gã từng vác máy lên một huyện nhỏ của Tây Nguyên. Mê đắm một ánh mắt, gã ở lại để chinh phục cho bằng được, rồi cũng đi sau khi nhận thấy tất cả những thứ gã có không còn quan trọng với cuộc đời mình nữa. Gã lại muốn đi tới những nơi mà gã chưa biết, chưa thấy. Gã bỏ rơi cái ánh mắt mà gã từng mê đăm đắm ở lại giữa núi rừng cùng lời thề thốt điêu ngoa giả dối, gã đi mà cũng không mảy may nhớ đến lấy một lần, không thấy áy náy trong lòng một lần.

*
Cơn sợ hãi qua đi, gã vẹt những cỏ bụi và dây leo xung quanh để mở con đường thông thoáng hơn. Những cây cổ thụ đứng sừng sững, nhưng tiếng gió rít qua những thân cây nghe như có ai đó kéo những nhát cưa khó nhọc khiến gã thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng.

Gã đốt thêm lên một ngọn đuốc giữa ban ngày, để đảm bảo rằng ánh sáng bao phủ quanh gã, nếu gã không nhìn thấy ai, thì ai đó ở quanh đây cũng có thể nhìn thấy và cứu gã nếu có gì bất trắc. Lại tiếng quạ bay ngang qua đầu, gã nhìn dưới chân mình có vết máu, rồi lại nghe văng vẳng tiếng ru con. Gã lần theo vết máu tươi đang trải dài dưới chân mình. Cơn sợ hãi đã làm tất cả máu trong người dồn hết lên não, gã nghe mặt và đầu mình nóng phừng phừng, mọi nhịp thở đều như bị ngắn lại, đông đặc.

Gã vấp phải một rễ cây. Vết máu kết thúc ở đó, tiếng ru con cũng không còn nghe thấy, mọi âm thanh quanh gã bây giờ chỉ là tiếng rú rít của rừng già, tiếng côn trùng và cái thâm u lạnh lẽo không tài nào diễn tả nổi.

Gã cầm đuốc soi quanh rễ cây lồi lên trên mặt đất rồi thở phào, chỉ là một trong rất nhiều rễ của một cây cổ thụ gần đó. Bước qua rễ cây, bỗng gã vấp chúi nhụi, cảm giác như ai đó nắm lấy chân mà giật ngược, soi đuốc quay lại thì vẫn chỉ là cảnh mà gã đã nhìn thấy. Gã lại bước qua một lần nữa, vẫn có cảm giác như có bàn tay nào đó níu chân mình. Gã đứng lại và nghĩ, mình đi phượt bao nhiêu năm, ăn ngủ ở bao nhiêu khu rừng, bao nhiêu đồi núi, không lẽ giờ lại sợ những chuyện không đâu? Lần này gã đi đường vòng, không bước qua những rễ cây đó nữa. Mặt trời dần hiện ra trước mắt gã, khoảng không trước mặt rộng hơn, gã bắt đầu thở dốc. Nhưng gã bỗng thét lên một cách kinh hoàng và sung sướng, bởi trước mặt gã là một ngọn tháp.

Ngôi tháp gần như còn nguyên vẹn, chỉ là cỏ và rêu đã phủ đầy trên đỉnh tháp. Cảm giác như trong ngôi tháp này có điều linh thiêng nào đó mà thiên nhiên cần gìn giữ, nên rừng già bao bọc xung quanh mà không ai phát hiện ra. Đây là một chuyện lạ, bởi ở đất nước này, bất cứ di tích hay thắng cảnh nào cũng đều bị người ta đều khai thác du lịch một cách triệt để, khai thác đến mức phá hoại cả những gì nguyên bản nhân danh 2 từ “trùng tu”.

Khi cầm ngọn đuốc soi xét tất cả xung quanh và bên trong, gã khẳng định nó là một cái tháp Chàm, giống như những ngôi tháp Chàm đã có trên dọc miền Trung của đất nước. Nhưng tại sao giữa khu rừng già này cũng có một ngôi tháp như thế, khi gã chưa bao giờ nghe nói rằng trong lịch sử, người Chăm từng đến Tây Nguyên sinh sống? Hay do kiến thức của gã còn hạn hẹp?

Gã bắt đầu thấy mừng, đã hết sợ, liền đưa máy ảnh lên chụp lia lịa, chụp hết tất cả các góc, chụp từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Gã quên chuyện dòng máu tươi lúc nãy, quên luôn cái rễ cây níu chân gã vừa dăm phút trước. Máu khám phá chiếm hết chỗ trong đầu gã. Gã bắt đầu thấy những bức ảnh gã chụp chưa đủ gợi hết vẻ huyền bí của nó, nên bèn gom lá đốt lên để tạo chút khói sương bảng lảng. Nhưng khi khói vừa lên khỏi nóc tháp, gã nghe đất dưới chân mình chuyển động, những rễ cây cổ thụ quanh  gã cũng chuyển động, chúng chạy quanh và ôm lấy gã. Gã sợ hãi bỏ chạy. Nhưng một trong những chiếc rễ cây đã nhanh chóng quấn quanh thân gã, siết chặt. Gã la hét, giãy giụa, nhưng hình như mọi thứ vô nghĩa.

Trong cơn tuyệt vọng, gã nghĩ mình sẽ chết ở đây, nơi không có lối ra, nơi không ai có thể tìm thấy gã, nơi gã sẽ biến thành mồi ngon cho những con thú rừng ăn thịt nếu có, mà trước tiên, có lẽ máu của gã cũng là thức uống cho những rễ cây khát máu này. Trước lúc nhắm mắt lại, gã nhìn thấy ánh mắt cô gái mà gã đã bỏ đi 5 năm trước, gã nhìn thấy cô ấy đi về phía gã, hai tay ôm một vật gì đó đầy máu, gương mặt hốc hác, đau đớn. Gã thất thần, sao cô ấy lại xuất hiện ở đây? 5 năm rồi, gã không biết cô ấy giờ ra sao, đã lấy chồng hay chưa? Nhưng sao trong thời khắc cuối cùng của gã, cô ấy lại xuất hiện một cách tuyệt vọng đến thế này, cũng tuyệt vọng như tình cảnh của gã bây giờ vậy. Gã cố mở miệng để gọi tên cô ấy, nhưng gã không gọi được, mọi thứ lại trở về trạng thái đông đặc.

Trong lúc ấy, gã nghe tiếng chân người, có tiếng hét lớn “Dừng lại!”. Một người trong đoàn cầm một nắm gì đó như thách thức, tất cả những rễ cây thu lại về vị trí ban đầu. Bóng cô gái 5 năm trước của gã biến mất. Gã nằm vật ra dưới đất, không còn sức sống.

Một người trong đoàn người tiến đến chỗ gã:
Này, bọn ta thấy xe ngoài kia, nhưng sao anh không vào bằng cổng mà lại vào bên hông rừng, phía bên suối?
Gã ngơ ngác nhìn cái người nói giọng lơ lớ bên cạnh gã, rồi nhìn ra phía đoàn người vừa đi vào. Ở đó đúng là có lối ra, con đường trải nhựa hẳn hoi. Nhưng lý do gì để gã tìm vào bên trong khu rừng già, lý do gì mà gã không nhìn thấy cái cổng vào to đùng từ đường lớn... thì gã không biết.

Gã hốt hoảng hỏi:
- Tôi nhìn thấy một cô gái...
Người đó mặt đanh lại:
- Nó thế nào?
- Là... mà không, có lẽ tôi ảo giác, tôi nhớ người tôi đã từng quen nên mới thế!
Vẫn gương mặt đanh lại đó, giờ ánh mắt như tóe lửa:
- Cậu nói sao? Cậu quen nó sao?
Người đó nắm áo gã lôi ra ngoài, kéo đến chỗ đoàn người, ném gã xuống đất, nói như hét:
- Nói xem, quen thế nào?

Gã nghe như đó là mệnh lệnh, gã nghe như đó là âm thanh gì khủng khiếp lắm, gã không biết nữa. Vài giây trước gã còn nghĩ đó là ảo giác, tại sao những người ở đây đều tin nó là thật? Như bị thôi miên và gã bắt đầu kể. Gã kể về những đêm trăng, gã nhớ ánh trăng như dát vàng lên cơ thể nàng, thơm nồng mùi hoa rừng, tự nhiên đến ngào ngạt.

Người đàn ông nghe gã nói rồi quỵ xuống, ôm tay lên đầu và khóc:

- Dân làng đã không chấp nhận nó, tôi đã đuổi nó đi, nó vào rừng này để sống và sinh con. Tới khi tôi mang cơm và quần áo vào cho nó chuẩn bị sinh nở thì thấy nó đã cào nát những rễ cây, máu lênh láng quanh đây, đứa con vẫn không kịp chui ra khỏi bụng mẹ, hai mẹ con nó đã lạnh ngắt rồi!

Gã nghe như sét đánh ngang tai mình. Gã đã giết nàng, giết ánh mắt đã làm gã từng không thể nhấc chân đi, thậm chí, giết luôn cả đứa con của gã ư? Người ta kể gã nghe, ngôi tháp này từng có huyền thoại về ngôi sao bỗng dưng xuất hiện khi một bà mụ đang đỡ đẻ. Vì mải mê nghe âm thanh phát ra từ ngôi sao đó, rằng “đây là đứa trẻ của thần linh, ta mang về cho thần linh”..., bà mụ sững sờ quên cả việc đỡ đẻ, đến khi sực tỉnh thì hai mẹ con đã chết. Người chồng tức giận chém chết bà mụ. Máu ba người đã chết chảy quanh chân tháp.

Nhưng tại sao câu chuyện đó lại ứng vào gã, ứng vào người có đôi mắt đẹp đến mơ màng như nàng? Máu của nàng và con nàng cũng chảy quanh chân tháp này, nàng cũng ôm những rễ cây này để chống chọi với cơn đau trong giờ lâm bồn, sau khi bị chính gã ruồng bỏ cùng những lời thề thốt trăm năm.

Gã quỳ xuống ôm lấy những rễ cây cổ thụ khóc nấc, nỗi hối hận muộn màng của gã, những giọt nước mắt của gã rớt xuống, chảy lan theo những rễ cây, nơi mà lúc nãy máu đã chảy dài. Giờ đây, nơi đó những mầm lá xanh và những bông hoa trắng muốt nở ra, tỏa hương thơm ngát. Khói âm u quanh chân tháp cũng bay về trời. Gã nhìn thấy một ngôi sao xanh trên đỉnh tháp, vọng lại thanh âm từ huyền thoại: “Đây là đứa con của thần linh...”.

Giờ gã mới nhìn thấy rõ, những rễ cây dưới chân, chúng đan thành những ngôi sao chạy dài, bọc quanh chân tháp. Người ta nói rằng, bất cứ ai rơi máu bên trong phạm vi những rễ cây ấy đều trở thành người của thần linh, linh thiêng giữ gìn di tích ấy.

Triều An

Có thể bạn quan tâm

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời lúc 10h45 sáng 13/3 tại Hà Nội. Năm cuối đời, ông chống chọi với bệnh ung thư. Vài tháng gần đây, nhiều đồng nghiệp chia sẻ hình ảnh thăm nhạc sĩ Thụy Kha trong bệnh viện. 

Tiết mục múa của đơn vị Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Ia Grai năm 2025.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang huyện Ia Grai: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng giành giải nhất toàn đoàn

(GLO)- Trong 2 đêm (11 và 12-3), huyện Ia Grai tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang năm 2025. Liên hoan quy tụ 13 đơn vị tham gia. Mỗi đơn vị đăng ký trình diễn từ 3 đến 5 tiết mục ca, múa và diễn tấu các loại nhạc cụ.

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

(GLO)- "Nắng chưa qua" của Bút Biển là một bài thơ đầy hoài niệm. Bằng những câu thơ nhẹ nhàng mà day dứt, tác giả khắc họa nỗi buồn của sự xa cách, khi ký ức vẫn còn đó nhưng hiện tại chỉ còn lại gió lùa, hoa rụng và căn phòng trống,... dường như có ai đang ngóng về một vệt nắng chưa qua.

Bản hòa ca cùng triền ký ức

Bản hòa ca cùng triền ký ức

(GLO)- Dù đã có hơn 30 năm sống ở Pleiku nhưng khi đọc tập “Vân môi say phố” của Ngô Thanh Vân (NXB Hội Nhà văn, 2024), tôi lại có cảm tưởng được khám phá một miền đất tưởng chừng quá đỗi quen thuộc.

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

(GLO)- Tối 10-3, tại làng C (xã Gào), Đội Thông tin lưu động-Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh (17/3/1975-17/3/2025), chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Hội viên Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh tại chương trình chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2024. Ảnh: H.N

Nhạc sĩ Gia Lai kiếm tìm tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn

(GLO)- Bám sát hơi thở cuộc sống và đưa bản sắc dân tộc vào tác phẩm, các nhạc sĩ Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã thực sự cố gắng trong hoạt động sáng tác nhằm ghi dấu ấn. Song, làm gì để tác phẩm lan tỏa rộng rãi, ghi đậm trong tâm trí người nghe đang là trăn trở của những người tâm huyết.

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

(GLO)- Độc đáo, sáng tạo, ý nghĩa là những đánh giá chung về hơn 300 bức tranh của các tác giả “nhí” gửi về tham gia cuộc thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp do Hội đồng Đội thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phát động gần 1 tháng qua.

Thơ Sơn Trần: Nhớ Pleiku

Thơ Sơn Trần: Nhớ Pleiku

(GLO)- "Nhớ Pleiku" là một tác phẩm đầy cảm xúc của tác giả Sơn Trần. Từng câu thơ vẽ nên bức tranh phố núi đẹp mơ mộng với cảnh sắc yên bình, quyện hòa cùng ký ức, tình yêu và nỗi nhớ...