Ngôi nhà mơ ước của mẹ tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi lần về quê, ngước nhìn con rựa, chiếc câu liêm-bộ đồ nghề “đi rú” của cha vẫn còn giắt trên mái nhà, tôi lại nghe như văng vẳng đâu đây bước chân mẹ trong chiều mưa năm nào. Cố nén tiếng nấc mà nước mắt tôi vẫn ứa ra: “Mẹ ơi, đây là ngôi nhà ước mơ một đời của mẹ!”.
Ông bà nội tôi mất lúc cha tôi mới 6 tuổi. Cô tôi một mình vật lộn với mấy sào ruộng nuôi em. Năm 1947, hai chị em theo dân làng tản cư vào núi. Cô tôi mắc bệnh sốt rét. Thuốc thang không có, bệnh cô tôi nặng dần. Lúc lâm chung, cô nắm tay cha tôi nghẹn ngào: “Chị chết cái thân không tiếc, chỉ lo rồi đây ai sẽ bảo ban em”.
Hoàn cảnh gia đình là thế, nhưng cưới vợ chưa đầy 1 năm, cha tôi xung phong đi bộ đội. Để chuẩn bị cho mẹ con tôi ra ở riêng, ông ngoại gọi 3 con rể đến giao nhiệm vụ. Hơn tháng sau thì căn nhà hoàn thành. Trông bên ngoài cũng không đến nỗi nhưng vào trong mới thấy sự chắp vá èo uột: Cột chiếc thấp chiếc cao, đứng chênh vênh trên những tảng đá sần sùi. Kèo, xà lớp cũ lớp mới gá vào nhau. “Hãy tạm vậy đã, khi nào chồng con về rồi tính”-ông ngoại an ủi mẹ tôi.
Vậy là, bắt đầu từ hôm đó, tôi sống với tuổi thơ của mình trong căn nhà, chứng kiến bao nỗi lo toan thắt ruột của mẹ. Nhà cứ 4 năm lại phải thay mái. Dịp đó, cả tháng trời mẹ tôi phải cơm đùm gạo bới lên nguồn cắt tranh. Xong 1 lần lợp nhà, mẹ tôi gầy rộc, mắt trũng sâu... Tuy nhiên, nỗi lo lợp lại nhà chẳng thấm vào đâu với nỗi lo vào mùa lụt bão. Cứ mỗi lần bão nổi là mẹ lại như kiến bò trong chảo nóng, miệng lẩm bẩm cầu trời khấn Phật. Tôi còn nhớ quãng năm 1966, quê tôi có một cơn bão lớn tràn qua. Căn nhà rung lên bần bật. Hoảng hốt, mẹ đội mưa gió sang nhà hàng xóm cầu cứu. Cậu Thể chạy sang bảo: “Chị để em chặt 2 cây cau ngoài vườn vào làm đòn chống, may ra...”. Nói rồi, cậu Thể lao ra vườn, vừa đẵn được một cây thì mẹ cậu đã đứng bên nhà gọi to: “Thể, về mau! Nhà mình cũng sắp sập rồi!”. Hoảng hồn, cậu Thể vứt bịch cây cau xuống sân chạy về. Chẳng còn biết kêu ai nữa, mẹ tôi đành ra vần cây cau vào. Hai mẹ con ráng sức đưa đầu cây lên chống vào xà nhà rồi đóng cọc ghìm chân lại. Mẹ vừa làm vừa khóc, nước mắt nhòe lẫn nước mưa…
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Đất nước thống nhất, cha tôi về hưu với hành trang là chiếc ba lô sờn đựng mấy bộ quần áo, 1 túi bột ngọt và mấy bánh lương khô. “Việc lớn xong rồi, giờ chỉ còn lo làm ăn”-ông nói giọng hoan hỉ. Mẹ tôi cười buồn: “Lâu nay chịu khổ quen rồi, tôi chẳng mơ giàu có; những ngày còn lại chỉ mong có được căn nhà chắc chắn cho khỏi lo lụt bão, ông làm sao được thì làm”.
Quê tôi đất chật người đông, nghề phụ không có nên hết việc đồng là cả làng lại kéo nhau vào rừng kiếm cái sinh nhai, gọi là “đi rú”. Đi rú là nghề cực nhọc. Cha tôi tuy còn sức nhưng cột sống ảnh hưởng nặng do một lần bị bom hất văng khỏi hầm trú ẩn, giờ cứ gánh nặng là đau. Biết vậy nhưng cũng đành liều. Nhiều năm đóng quân ở núi Ba Rền, ông biết nơi nào có nhiều mây. Vậy là, hội đi rú mây được cha tôi lập ra. Mỗi chuyến đi kéo dài 5 ngày. Từ quê đi tàu hỏa hơn 30 km rồi đi bộ tiếp 20 km nữa mới đến nơi. Chọn được chỗ thích hợp, dựng lán trại xong là bắt tay ngay vào việc… Mây mọc thành từng cụm, móc vào nhau lùng nhùng, rút được 1 cây nhiều khi hoa cả mắt. Bóc được mây rồi kéo về lán, tối cơm xong là đốt lửa lên chẻ. Mây chẻ xong từng sợi sẽ được gập đôi lại, làm một con sào dài vắt lên phơi nắng. Đến ngày thứ tư, khi hoàn thành công đoạn sấy mây thì đóng hàng để về.
Tôi học xong đại học, ra trường rồi đi làm xa. Trong quãng thời gian 6 năm, cha tôi vẫn miệt mài với những chuyến “đi rú” như thế. Cho đến một ngày, tôi nhận được thư cha báo tin là đã mua được nhà. Đó là một ngôi nhà gỗ của người làng bên. Bởi làm theo lối xưa, giờ lỗi thời nên họ bán rẻ. Hai mái và hàng cột phụ, cha tôi phải mua gỗ làm mới. Cột chính cũng quá thấp, ông phải đúc thêm một khúc xi măng nối vào. Tuy vậy, để hoàn thiện ngôi nhà thì còn phải xây tường bao quanh nữa. Cha tôi lúc này đã yếu, ông không “đi rú” thường xuyên được; nhưng hễ lúc nào thấy khỏe chút là lại liều đi. Tích cóp thêm lương hưu hàng tháng nữa, mấy năm sau thì bức tường xây đá bao quanh cũng hoàn thành. Khỏi phải nói niềm vui sướng lúc này của mẹ tôi… Tiếc thay, niềm hạnh phúc bình dị đó chẳng được lâu. Chưa đầy chục năm sau, khi ngôi nhà hoàn thiện thì cha mẹ tôi lần lượt qua đời. Tôi lập nghiệp ở nơi xa. Em tôi lấy vợ rồi làm nhà ở riêng. Căn nhà để trống...
Mỗi lần về quê, mở cánh cửa ngôi nhà tối om, tôi lại hít một hơi thở thật sâu để nén nỗi xúc động đang trào dâng. Ngước nhìn con rựa, chiếc câu liêm-bộ đồ nghề “đi rú” của cha vẫn còn giắt trên mái nhà, tôi lại nghe như văng vẳng đâu đây bước chân nhấm nháp sự bình yên trong chiều mưa năm nào của mẹ.
NGỌC TẤN
 

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.