Với chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Australia, hai nước có cơ hội cùng đẩy mạnh kết thúc đàm phán hiệp định TPP?
Kết thúc đàm phán Hiệp định TPP là mục tiêu lớn mà Australia, Việt Nam và các thành viên đàm phán hiệp định mong đợi khi nó đang ở giai đoạn nước rút.
TPP không thể thiếu trong nghị trình làm việc của Ngoại trưởng Julie Bishop tại Hà Nội. |
Ngoài cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày (18 và 19-2), Ngoại trưởng Australia Julie Bishop còn có cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị, VN và Australia "có nhiều lợi ích và cách tiếp cận tương đồng" trong đàm phán TPP. Nếu đàm phán TPP kết thúc, nó sẽ góp phần tạo khuôn khổ hợp tác dài hạn ở châu Á-Thái Bình Dương và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước.
Có thể kỳ vọng như thế nào về những cam kết mới, mạnh mẽ của cả hai bên để kết thúc đàm phán TPP trong giai đoạn nước rút gay cấn?
Đàm phán TPP là một trong những ưu tiên lớn của Việt Nam trong năm 2014. Tôn trọng những tiêu chí của Hiệp định TPP đưa ra và sẽ nỗ lực phấn đấu theo lộ trình để đáp ứng mục tiêu đó, Việt Nam cũng đồng thời đề nghị các bên tham gia đàm phán cần có sự linh hoạt phù hợp với trình độ phát triển của mỗi nước, trong đó quan tâm đến lợi ích cốt lõi của Việt Nam, hướng tới một hiệp định cân bằng về quyền lợi của các thành viên.
Việt Nam và Australia có nhiều lợi ích và cách tiếp cận tương đồng trong đàm phán. Australia còn là thành viên có nhiều sáng kiến và tích cực thúc đẩy đàm phán sớm kết thúc, phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm không chỉ trong gần 4 năm đàm phán vừa qua, mà còn đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Có những doanh nghiệp Australia đã ở thế "nằm chờ" ngay trên thị trường Việt Nam và đang lấn cấn vì chờ thời điểm TPP hoàn tất để chính thức bước vào đầu tư. Việt Nam có thể tiếp cận đầu tư từ Australia ra sao khi ngay cả chưa có TPP? Con số đầu tư 1,43 tỷ USD, đứng thứ 21/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào VN của nước này chưa xứng với tiềm năng của hai bên?
Đúng là hợp tác đầu tư giữa hai nước, mặc dù có tăng trưởng trong thời gian qua song còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên.
Đầu tư của Australia vào Việt Nam có một số đặc điểm như số lượng dự án ít, quy mô dự án nhỏ; tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp theo là nông-lâm-thủy sản và khai khoáng, giáo dục, đào tạo; hình thức đầu tư chủ yếu là 100% vốn nước ngoài, kế tiếp là các dự án theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Chính giới và các nhà đầu tư Australia nhận định tích cực về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam trong những năm qua, mong muốn hai bên cùng hợp tác thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước, bao gồm việc khuyến khích các công ty Việt Nam đầu tư vào công nghiệp khai khoáng và cơ sở hạ tầng của Australia.
Để tạo chuyển biến đáng kể trong hợp tác đầu tư giữa hai nước, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư trong những lĩnh vực Australia có thế mạnh và ta có tiềm năng, nhu cầu như công nghiệp khai khoáng, xây dựng, dịch vụ tài chính, nông nghiệp.
Tăng cường lòng tin chính trị
Nếu xem xét chuyến thăm của bà Ngoại trưởng là một "cơ hội" mới tiếp theo cho quan hệ song phương Việt Nam-Australia, hai nước có thể tập trung vào điểm nhấn hợp tác nào?
Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Australia Julie Bishop sau khi nhậm chức và vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Australia-ASEAN cho thấy Australia coi trọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.
Đây là cơ hội thuận lợi để tiếp tục tăng cường những thế mạnh trong hợp tác giữa hai nước.
Đó là tăng cường lòng tin chính trị; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ thương mại, nâng cao hợp tác đầu tư cho xứng với tầm phát triển quan hệ và tiềm năng giữa hai nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác về phát triển; thúc đẩy hợp tác quốc phòng, đặc biệt về đào tạo quốc phòng; tăng cường hợp tác về thực thi pháp luật, mở rộng quan hệ hợp tác giáo dục, khoa học-công nghệ.
Một trong những lĩnh vực hợp tác nổi lên trong những năm trở lại đây đó là hợp tác quốc phòng. Sau Nga, Ấn Độ, Australia cũng là nơi VN có những chương trình hợp tác đào tạo quân đội khá mạnh, với lượng học viên gửi đi thường xuyên hàng năm. Có thể kỳ vọng hai bên sẽ mở rộng hợp tác?
Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã đạt được những bước phát triển tích cực, nhất là từ khi hai bên ký Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương năm 2010.
Việt Nam đánh giá cao việc Australia thời gian qua đã hỗ trợ đào tạo chuyên ngành và nâng cao trình độ tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam và tích cực hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh…
Theo Vietnamnet