"Nghe những tàn phai"(*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Nghe đến hai chữ “tàn phai”, hẳn trong lòng chúng ta thường có những nỗi lo lắng sợ hãi vô hình nào đó. Cứ như là sắp vuột mất điều gì từng rất quý giá. Những khoảnh khắc giữa hiển hiện và mất hút, giữa xuân sắc và lụi tàn, giữa mơn mởn và héo úa thường gợi lên những nuối tiếc. Có lẽ, dã quỳ biết rõ quy luật ấy nên những khoảnh khắc lụi tàn vẫn kiêu hãnh tỏa sắc vàng rực rỡ đến kiệt cùng.
 Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
Nhìn những đài hoa trơ khấc vẫn ngạo nghễ chen lẫn những đóa vàng mơn mởn vươn lên trong nắng gió cao nguyên mà lòng người dậy lên nhiều cảm xúc gối nhau tựa sóng. Giữa những ào ào gió thổi, lớp lớp bụi đỏ, từng vạt dã quỳ vàng nối nhau ngút tầm mắt ngoại ô, len lỏi vào từng ngõ nhỏ, ngách đất chỉ để lặng lẽ nở những đóa mặt trời khẳng định sự tồn tại của mình.
Những ngày này, dã quỳ đang khép lại mùa hoa. Lá úa đã chen nhiều vào từng mảng xanh thẫm. Ở nhiều vạt đồi, đường mòn, những chiếc đài ngả sang màu nâu đất đã lan dần vào đám hoa vàng cánh mỏng đung đưa. Không hiểu sao, trong sự tàn lụi ấy, người ta vẫn cảm nhận được sức sống mãnh liệt của một loài hoa dại. Những cánh hoa héo tàn rơi rụng nhưng đài hoa vẫn ngẩng cao đầu trước nắng gió khắc nghiệt xứ này. Lẽ thường, tàn sẽ tạ. Nhưng dã quỳ không vậy. Cứ khô dần cho đến tận cuối mùa mà cái dáng vẫn vươn thẳng đầy kiêu hãnh. Dã quỳ đã tự mình phác họa mình bằng thủ pháp nghệ thuật chấm phá cổ điển phương Đông. Những nét họa ấy dẫu có tàn phai vẫn gieo vào mắt nhìn con người một vẻ đẹp gai góc nhưng cũng đầy nét mềm mại. Ấy là những lúc nhìn những nhành cây với từng đài, từng đài nâu thẫm đung đưa theo từng cơn gió thốc. Gió chiều nào cây chao chiều ấy. Chao để mềm mại hài hòa với thiên nhiên dù ở những giây phút cuối cùng của đời cây.
2. Trong những tàn phai lại nghĩ đến nhan sắc cuối chiều của người phụ nữ. Ngẫm cho cùng, đời cây và đời người cũng chẳng khác gì nhau là mấy. Từ những hạt mầm, nảy nở thành cây, vắt kiệt mình để khai hoa nở nhụy, rồi lại lặng lẽ về chiều. Cái tuổi về chiều lại chính là thời khắc mãn khai. Ấy là khi người ta hiểu và thấu được nhiều hơn về cuộc sống. Là khoảng thời gian rực rỡ, đằm thắm, quyến rũ nhất. Ngay cả ánh nắng cuối chiều cũng mang một sức hấp dẫn vô cùng. Ở thời khắc này, sẽ khó tìm được sự hừng hực non tơ tràn đầy nhựa sống của thời xuân sắc. Nhưng sự duyên dáng, tinh tế đầy trải nghiệm lại chính là sợi lạt mềm để kết nối những giá trị thiêng liêng khó thể xa rời. Quả chín trên cây cũng vậy. Những lứa quả cuối cùng bao giờ cũng sần sùi, thô ráp hơn những lứa quả rộ mùa. Vậy mà khi thưởng thức, ai cũng sẽ gật gù bởi sự đậm đà, ngọt thơm. Dường như cây cũng biết chắt chiu những gì còn sót lại để dồn hết cho lứa quả cuối cùng rồi lại tiếp tục một vòng quay mới, sứ mệnh mới của mùa sau.
Trong những tàn phai lại hiểu thêm ít nhiều về lẽ sống ở đời. Chúng ta đôi lúc cứ cuồng quay đi tìm những giá trị tuyệt đối. Nhưng làm gì có điều tuyệt đối trên đời. Nhiều lúc chúng ta cũng cứ mải miết đi tìm những đáp án đúng cho hàng ngàn câu hỏi. Nhưng đáp án đúng lúc này nhưng lúc khác có khi sai. Hoặc đúng với người này chưa chắc đã đúng với người kia. Học hỏi hoa để biết mềm mại hơn trong muôn vàn câu chuyện thường ngày. Rực rỡ và úa tàn đôi lúc đứng bên nhau, sống cùng nhau lại trở nên hài hòa, và biết đâu lại tôn nhau lên để vươn tới những giá trị tốt đẹp.
Trong những tàn phai, tôi nghe những đài quỳ phất phơ như đang reo cùng gió. Tôi nghe tiếng thầm thì khe khẽ bên những cánh vàng mỏng manh cười trong nắng ấm. Hình như chúng muốn nhắn gửi: Tàn phai chưa hẳn đã là hết…
-------------------------
(*): Tên một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
NGÔ THANH VÂN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

(GLO)- Khi tôi và nhà thơ Hương Đình “mở tiệc” chia tay Đỗ Tiến Thụy ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du thì anh là Thượng úy, công tác tại Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Ấy là năm 2002. Tháng 11 năm nay, khi trở “về nhà”, anh đã mang hàm Đại tá, Trưởng ban Văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

(GLO)- Ngày 16-12, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định Phê duyệt kết quả cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu” thuộc dự án Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.