Ngày xưa như khói...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Canh khuya, tôi và đứa em chở nhau trên chiếc xe cà tàng về phố. Đường đầy sương. Hai bên đường, những vườn cà phê trĩu quả cứ vun vút lướt qua theo từng vòng bánh xe. Chúng tôi đi ngang qua những vườn cao su thấp thoáng ánh đèn của người đi cạo mủ. Đường vắng, chỉ còn chúng tôi và ánh đèn xe loang loáng trên những khúc cua lô nhô cát sỏi. Sương nặng hạt rơi đầy trên mũ rồi chảy xuống ướt đầm manh áo, dính vào da lành lạnh. Gió ù ù bên tai. Đêm nhấp nhô theo vòng xe, nhấp nhô theo cánh cửa của ban mai dần hé.

Chúng tôi dừng chân ở quán nhỏ ven đường về xóm trọ. Bà chủ đang canh lửa thấy khách quen, miệng cười đon đả. Bà mang ấm chè xanh đặt lên bàn: “Chè mới hãm đấy”. Chúng tôi rót hai ly đầy, mùi chè xanh xộc vào cánh mũi. Tôi đưa ly lên miệng thổi vài hơi rồi nhấp một ngụm nghe được vị thơm dịu, thanh thuần, sảng khoái thấm dần nơi đầu lưỡi. Mùi hương khiến tôi nhớ đến ấm chè của ba mỗi sớm...

  Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang


Nhớ những ngày còn khỏe, ba thường dậy sớm để nhóm bếp và nấu nước hãm chè. Tiếng nạng gỗ, tiếng dép bị kéo lê trên nền xi măng lẹt xẹt, tiếng củi rơi khiến tôi tỉnh giấc. Ba đặt cây nạng gỗ cho phần tay cầm chạm xuống đất rồi ngồi lên, một tay dùng nạng kéo những cây củi lại gần rồi cho vào bếp. Lửa rần rật cháy, ba bắc nồi nước lên rồi cầm giỏ ra vườn hái chè. Ba tôi nghiện nước chè xanh. Mẹ đã cuốc đất, xin hạt về trồng một khoảng nho nhỏ độ 30 cây để ba tiện uống. Đất quê tôi cằn cỗi, sỏi đá nên để có được khoảnh vườn chè ấy là cả một sự kỳ công, khó nhọc của mẹ. Ba lấy ghế nhựa ngồi hái cẩn thận. Ba chọn những cây chè được nắng hái trước. Ba bảo: “Nước sẽ xanh, đượm hương và ngon hơn”.

Ngày còn khỏe, ba pha ấm nước chè xanh bảo tôi đặt trên bàn gỗ kê sẵn ngoài hiên. Tầm 7 giờ, ông Trong, thầy Minh (thầy giáo của ba) lần lượt đến. Sau những hỏi thăm sức khỏe, ăn uống là những câu chuyện về làng trên xóm dưới, về rộng dài đất nước và cả những nước ở bên kia bán cầu. Câu chuyện cứ lan man đến những năm tháng đội mũ rơm đi học, đào đất đắp kênh thủy lợi đến những trận chiến trong lằn ranh còn mất. Vòng tròn câu chuyện rộng dần khi có các cụ hưu trí ghé lại và kể về những ngày xưa đồng ruộng, những chạy lũ canh khuya, những đói no rưng rưng trên vành mắt... Ngày ông Trong mất, ba tôi buồn lắm. Ba nhìn chiếc ghế ông hay ngồi, rót một ly nước chè để sẵn rồi lặng im trông vời ra những đóa mẫu đơn trước sân.

Rồi những cuộc chuyện trò dần thưa vắng theo thời gian. Ba ngày một yếu. Mỗi bận về quê, ba bảo tôi dìu ra chiếc bàn gỗ ngoài hiên để ngồi hóng gió. Quãng đường dăm mét ba bước đi đầy khó nhọc như khoảng lặng dăm năm thời cuộc. Ba nhấm nháp ly nước chè tôi pha rồi dõi đôi mắt mờ đục ra sân.

Lâu rồi, tôi chưa về thăm ba. Lâu rồi, ba chưa ra ngồi nơi chiếc bàn gỗ quen thuộc. Tôi bất giác giật mình bởi nhận ra những cây chè chưa ai cưa gốc để ra chồi mới. Hương nước chè thơm xộc lên cánh mũi, những sợi khói bay theo. Sợi khói như trách móc, như giận hờn, lại như nhớ thương mà quẩn quanh trước mặt. Bất giác mắt tôi nhòa lệ. Bất giác, tôi nhớ về những ngày ba còn khỏe, ngày của những ấm chè xanh neo sợi khói tỏa hương.

 

ĐÔNG HÒA 

 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…