Ngành Xây dựng Gia Lai: Những bước trưởng thành vững chắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, ở giai đoạn nào ngành Xây dựng Gia Lai cũng lập được nhiều thành tích đáng ghi nhận, góp phần to lớn vào công tác xây dựng, quy hoạch của tỉnh.

Ông Lưu Văn Thanh-Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành Xây dựng Gia Lai luôn đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà. Nhưng ban đầu, phần lớn cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý của ngành được Bộ Xây dựng điều vào từ các tỉnh miền Bắc; cán bộ kỹ thuật phần lớn được tuyển dụng từ các Trường Trung cấp Xây dựng Hà Đông, Thanh Hóa; lực lượng kỹ sư, kiến trúc sư rất ít. Lực lượng lao động và cán bộ kỹ thuật thi công chủ yếu là người của chế độ cũ. “Do vậy, Tỉnh ủy và UBND tỉnh thống nhất ngành Xây dựng phải mở thêm trường công nhân xây dựng để đào tạo lực lượng cho ngành mới đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị lúc bấy giờ. Số lượng đào tạo hàng năm từ 100 đến 150 lao động với đủ các ngành nghề như: thợ nề, thợ mộc, cơ khí…”-ông Thanh cho hay.

 

Công trình trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đức Thụy
Công trình trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đức Thụy

Từ khi thành lập đến nay, ngành Xây dựng tỉnh đã xây dựng được hàng loạt công trình lớn đảm bảo tiến độ, chất lượng như: Hội trường Tỉnh ủy, Nhà làm việc Tỉnh ủy, Hội trường 19-5, Hội trường 2-9, Nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh Gia Lai-Kon Tum, Nhà Thiếu nhi tỉnh, trụ sở Quân đoàn 3 và các hạng mục của Quân đoàn, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, Nhà máy Nước Pleiku, Trung tâm Thương mại Pleiku, hàng loạt trụ sở làm việc của các địa phương và hàng trăm công trình dân sinh khác.

Sau khi chia tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum năm 1991, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành Xây dựng Gia Lai tổ chức kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy. Đến năm 1996, ngành đã có bước phát triển đáng kể về tổ chức bộ máy, năng lực sản xuất và quản lý nhà nước, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Công tác quản lý hoạt động xây dựng và quản lý chất lượng công trình được xác định là nhiệm vụ quan trọng của ngành Xây dựng. Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, trong đó tiêu biểu là đơn giá xây dựng, vật liệu xây dựng, định mức kinh tế-kỹ thuật, tham gia phân cấp quản lý đầu tư, thẩm định nhiều công trình, cắt giảm hàng trăm tỷ đồng vốn ngân sách do sai phạm trong đầu tư xây dựng. Công tác quản lý vật liệu đã được quan tâm đúng mức và hiện đang triển khai lập quy hoạch vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở Xây dựng tham gia thẩm định thiết kế mỏ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gạch, ngói không nung đi vào hoạt động.

Công tác quản lý hoạt động quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Xác định quy hoạch phải đi trước, đến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố đều có quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết; 90% số xã đã có quy hoạch khu trung tâm; 100% số huyện có quy hoạch khu công nghiệp; ngoài ra còn có quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu, quy hoạch vùng Tam giác phát triển, quy hoạch khu công nghiệp. Riêng TP. Pleiku đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị… Việc cấp phép xây dựng cũng đã được phân cấp dần cho địa phương, thời gian cấp phép giảm xuống còn 50% so với quy định.

Công tác quản lý, phát triển, xây dựng nhà đã được chú trọng, đặc biệt là nhà cho các đối tượng nghèo và gia đình chính sách. Từ năm 2009 đến nay, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng 12.000 căn nhà theo Quyết định số 167 và Quyết định số 33 của Chính phủ, trong đó, nhà cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%; xây dựng trên 1.500 căn nhà cho gia đình có công với cách mạng; xây dựng chung cư Lê Lợi, nhà tạm cư, nhà công vụ.

Nhìn lại chặng đường 43 năm hình thành và phát triển, ngành Xây dựng Gia Lai đã khẳng định được vai trò cũng như đã ghi được những dấu ấn đậm nét trong sự phát triển của tỉnh nhà. “Năm 2018, ngành Xây dựng Gia Lai tiếp tục thực hiện các hoạt động với chủ đề “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Cụ thể là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh phòng-chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo; tạo điều kiện để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, đảm bảo đồng bộ, bền vững; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, hoạt động xây dựng bảo đảm nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; nâng cao công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh”-ông Đỗ Tiến Đông-Giám đốc Sở Xây dựng, nhấn mạnh.

Những phần thưởng cao quý của ngành Xây dựng Gia Lai qua các thời kỳ gồm: Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; 17 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho các tập thể và cá nhân; hàng trăm bằng khen của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Xây dựng Việt Nam tặng cho các tập thể và cá nhân trong ngành (trong đó có 60 bằng lao động sáng tạo) cùng 278 Kỷ niệm chương của Bộ Xây dựng tặng cho các cá nhân đã có công lao đóng góp cho sự phát triển vì sự nghiệp của ngành Xây dựng. Cùng với đó là Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm