Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước bằng việc cổ phần hóa hay chuyển giao quyền khai thác cơ sở hạ tầng do nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Mục đích của việc này nhằm chuyển nguồn lực từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân, giúp nhà nước thu lại vốn đã đầu tư để tập trung vào các lĩnh vực khác cấp bách hơn.
Nhiều năm trước, không ít đơn vị được nhà nước giao quyền quản lý công sở, nhà xưởng, mặt bằng đã tự ý cho thuê hay chuyển một phần diện tích sang làm nhà hoặc bỏ hoang gây lãng phí trong thời gian dài. Nhiều kẻ lợi dụng những chủ trương đúng đắn của nhà nước như hóa giá nhà để biến công sản thành tư hữu. Biết bao nhiêu căn nhà được định giá rẻ như biếu không; biết bao nhiêu kho bãi, nhà xưởng của các công ty quốc doanh được "phát mãi" với giá thấp đến mức bất ngờ, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước và làm giàu cho những kẻ cơ hội.
Tình trạng công sản biến thành tư hữu ngày càng diễn ra tinh vi dưới "tấm áo giáp" là chủ trương cổ phần hóa chuyển đổi mục đích đã phân lô đất cho các dự án hay đấu thầu những khu đất vàng.
Trong các hội nghị giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ thường căn dặn phải phấn đấu đạt mục tiêu nhưng không được sai sót, không được tiêu cực, không được bán đổ bán tháo... Lời cảnh báo của người đứng đầu Chính phủ không thừa khi ngày càng nhiều các nhóm lợi ích được sự hậu thuẫn của các quan chức để "hợp thức hóa" nhằm chuyển công sản sang tư hữu một số tài sản khổng lồ của toàn dân, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.
Gần đây, các nhóm lợi ích còn vươn vòi bạch tuộc lấn sâu vào quá trình hình thành chính sách để tận dụng những lợi thế nhằm phục vụ mục đích chuyển công sản về tay tư hữu.
Không phải tất cả các nhóm lợi ích đều được nhìn dưới lăng kính màu xám, bởi trong thực tế có những nhóm lợi ích phục vụ cho quyền lợi chung của cộng đồng dân cư và đất nước. Nhóm lợi ích chỉ xấu đi khi quyền lợi chung hoàn toàn bị thúc thủ trước quyền lợi của phe nhóm. Ngăn chặn tình trạng này, chỉ dùng công cụ quản lý - tức luật pháp - là chưa đủ, bởi quyền lực được sự hỗ trợ của đồng tiền thì có thể làm bất cứ điều gì. Tình hình thực tế hiện nay là không ít trường hợp thay vì đầu tư vào nền kinh tế, nhiều nhóm lợi ích đã "đầu tư" vào sân sau của một số quan chức để tìm lợi thế làm ăn cho mình.
Vậy làm thế nào để "toàn dân làm kinh tế" nhưng không bị nhóm lợi ích nhân danh những điều đúng nhất để làm những việc sai nhất là biến công sản thành tư hữu? Theo các chuyên gia, vấn đề cốt tử ở đây là yếu tố con người trong bộ máy công quyền và tính minh bạch trong tất cả các chính sách để tạo ra một cơ chế, một môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, để hạn chế thấp nhất sức tấn công của họ vào việc hình thành chính sách.
Tình trạng lợi dụng chủ trương cổ phần hóa để "phù phép" công sản thành tư hữu đã diễn ra từ lâu. Chuyện ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng để giám sát, kiểm soát và ngăn chặn thì không hề đơn giản khi va vào những nhóm lợi ích.
Theo PHẠM THU GIANG (NLĐO)