Ngày 23-8, tại Đắk Nông, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị “Phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu Hiệp định Thương mại tự do”.
Người dân cần nâng cao nhận thức phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững
Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, dự báo thị trường để tìm ra những nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tín dụng, thị trường, tìm ra cơ hội và đề xuất các giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam.
Cung vượt xa cầu
Theo Bộ NN-PTNT, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn đứng vị trí số 1 về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới. Năm 2001 cả nước có hơn 35.000ha, thì năm 2018 diện tích hồ tiêu là 150.000ha (tăng hơn 400%), chiếm trên 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. Hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến 105 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2001 chỉ đạt 90 triệu USD, thì đến năm 2018 kim ngạch đạt đạt 758,8 triệu USD (tăng hơn 700%). Tuy nhiên, sau khi giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt kỷ lục năm 2016 là 1,422 tỷ USD, thì 3 năm gần đây (2017-2019), giá hồ tiêu trên thế giới sụt giảm liên tục do nguồn cung tăng từ 8%-10%, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đánh giá, do nguồn cung vượt cầu khiến giá hồ tiêu tụt dốc, trước đây giá hồ tiêu trong nước có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg, nay xuống chỉ còn khoảng 45.000 - 46.000 đồng/kg. Với giá bán này, những hộ trồng tiêu trong cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn do bị lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu. Theo nhận định và dự báo, sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong thời gian tới vẫn trong xu hướng tăng, do đó, giá hồ tiêu của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống. Năm 2019, sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ đạt 602.000 tấn, tăng 8,27%, trong đó Brazil tăng 28%, Campuchia tăng 17%; riêng Việt Nam dự báo sản lượng đạt 240.000 tấn, tăng khoảng 9%, do diện tích trồng mới từ năm 2014-2016 bắt đầu cho thu hoạch.
Theo Bộ NN-PTNT, ở thời điểm giá tốt, diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh, ngay cả ở những vùng không phù hợp. Ngoài ra, tình trạng dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm; công tác giống còn hạn chế, trong đó có việc nghiên cứu, chọn tạo giống mới, sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh, công tác bình tuyển và công nhận cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện; sản xuất GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa toàn diện. Việc tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu.
Chung tay cứu cây tiêu
Về hướng phát triển ngành hồ tiêu trong thời gian tới, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng cần khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng bền vững, gắn với việc đầu ra cho sản phẩm. Ông Đinh Xuân Thu, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Đắk Song (tỉnh Đắk Nông), cho rằng, hiện nay các ngành chức năng khuyến khích phát triển sản xuất hồ tiêu hữu cơ nhưng phải xem xét lại nguồn tiêu thụ như thế nào. Hiện nay thị trường thế giới chỉ tiêu thụ khoảng 5% hồ tiêu hữu cơ, nếu tất cả đều tập trung sản xuất hồ tiêu hữu cơ thì sẽ tiếp tục dẫn tới nguồn cung vượt cầu và tiếp tục đi theo vết xe đổ của hồ tiêu cũ.
Thực tế, tại huyện Đắk Song có nhiều đơn vị tập trung phát triển hồ tiêu hữu cơ nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn tiêu thụ ổn định. Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cũng cho rằng, muốn phát triển hồ tiêu bền vững thì trước mắt cần nâng cao chất lượng hồ tiêu Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. “Ngành chức năng phải có chính sách tập huấn, trang bị kiến thức cho người dân để nâng cao nhận thức thì khi đó mới phát triển được hồ tiêu bền vững”, ông Bính nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, đứng trước thực trạng cây hồ tiêu hiện nay, Việt Nam cần cố gắng ổn định diện tích hồ tiêu khoảng 100.000ha. Đối với những vườn hồ tiêu bị bệnh chết, không phù hợp, cần phải chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn. Trong việc canh tác cần tăng cường đẩy mạnh sử dụng phân hữu cơ để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh chết nhanh, chết chậm xảy ra trên cây hồ tiêu. Cùng với đó, cần phải lựa chọn phương pháp canh tác phù hợp để mang lại hiệu quả, chẳng hạn như việc trồng xen mà nông dân Tây Nguyên thực hiện đang mang lại nhiều kết quả tốt.
Về phía địa phương, cần nâng cao vai trò của mình trong việc xây dựng phát triển theo chuỗi giá trị; đồng thời quan tâm đến việc chế biến sâu sản phẩm hồ tiêu. Đối với Cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, cần tiếp tục phổ biến các quy trình sản xuất hồ tiêu cho địa phương, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phòng trừ sâu bệnh; giám sát chặt chẽ tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm nâng cao giá trị cho ngành hàng hồ tiêu. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân.
Ông Đinh Xuân Thu, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) cho biết, Đắk Song là huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất Đắk Nông. Tại thời điểm hồ tiêu có giá (năm 2012- 2016) tại huyện có những người được mệnh danh là “đại gia của ngành hồ tiêu” nhưng đến nay đã phá sản, đất và nhà cửa thế chấp cho ngân hàng, không có khả năng trả nợ. |
Đông Duyên (SGGP)