Người lánh nạn Myanmar nhận quyên góp tại nơi phân phối tạm thời ở làng Farkawn gần biên giới Ấn Độ- Myanmar. Ảnh: Reuters |
Theo UNOCHA, xung đột, giao tranh được dự báo sẽ còn tiếp diễn và có xu hướng lan rộng ra nhiều vùng, miền của Myanmar. Tình trạng bất ổn cộng hưởng với giá cả hàng hóa thiết yếu leo thang do khan hiếm khiến cuộc sống của hàng chục triệu người dân Myanmar ngày càng khó khăn.
Trong năm 2023, UNOCHA đã cung cấp viện trợ nhân đạo cho ít nhất 3,2 triệu người Myanmar; tuy nhiên sự hỗ trợ này vẫn còn khiêm tốn so với kế hoạch ban đầu do tình hình giao tranh căng thẳng và việc các phe phái tại Myanmar áp đặt các hạn chế đi lại. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đang thiếu hụt lớn về nguồn kinh phí để có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho thêm hàng triệu người khác.
Hồi đầu năm 2024, UNOCHA cho biết 18,6 triệu người ở Myanmar, tương đương 1/3 dân số, cần được hỗ trợ nhân đạo. Tổng viện trợ ước tính 994 triệu USD, nhưng số tiền huy động được trong năm nay mới đạt 29% mục tiêu.
Xung đột ở Myanmar bùng nổ vào ngày 27/10, khi liên minh 3 nhóm quân nổi dậy tấn công đồng thời vào quân đội chính quy. Cuộc tấn công bắt đầu ở bang Shan phía đông bắc trước khi lan rộng và có sự tham gia của các nhóm khác.
Các chuyên gia an ninh tại Thái Lan cảnh báo tình hình giao tranh giữa Quân đội Myanmar và các phe nhóm đối lập sẽ diễn ra khốc liệt hơn trong tháng 3 và 4/2024 do Myanmar đã bước vào mùa khô.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ Myanmar áp dụng luật nghĩa vụ quân sự mới sẽ làm tăng đáng kể nhân lực, là cơ sở để Quân đội Myanmar tiến hành các cuộc phản công trên diện rộng.
Thực tế này khiến Myanmar ngày càng bất ổn và đối mặt với vấn đề nhân đạo tồi tệ. Hàng chục nghìn người dân Myanmar sẽ tiếp tục di tản, tìm tới các quốc gia láng giềng, nhất là Thái Lan để lánh nạn.