Trong báo cáo tiếp cận chiến lược đối với Trung Quốc gửi Quốc hội ngày 21-5, Mỹ nhìn nhận Trung Quốc tiếp tục chiến thuật đe dọa và cưỡng ép ở Biển Đông.
Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Barry lớp Arleigh-Burke trong bài đăng của Hạm đội 7 (Mỹ) trên Facebook - Ảnh: Facebook
Theo website Bộ Quốc phòng Mỹ, bản báo cáo này có tên "Tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", được thực hiện theo Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2019.
Báo cáo này được chính quyền Tổng thống Donald Trump gửi các thành viên quốc hội ngày 20-5 (21-5 theo giờ Việt Nam), nhằm làm rõ cách tiếp cận của cả chính quyền đối với Trung Quốc theo Chiến lược an ninh quốc gia 2017.
Báo cáo được chia làm 3 phần chính gồm: nhìn nhận thách thức; cách tiếp cận của Mỹ và việc thực thi cho đến nay.
Cụ thể, chính quyền Mỹ tiếp tục cáo buộc Trung Quốc vi phạm các cam kết về kinh tế và thương mại quốc tế, cũng như tạo ra các thách thức an ninh và làm tổn hại giá trị Mỹ đang theo đuổi.
Trong phần thách thức an ninh, Mỹ nhấn mạnh việc Trung Quốc triển khai nỗ lực đe dọa và cưỡng ép, nhằm triệt tiêu những mối đe dọa mà lãnh đạo nước này cho rằng ảnh hưởng tới lợi ích và mục tiêu chiến lược toàn cầu của họ.
"Hành động của Bắc Kinh trái với tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc, vốn cho rằng họ phản đối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác, cũng như giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình. Bắc Kinh mâu thuẫn trong những lời hùng biện và mỹ từ về chuyện cam kết với các nước láng giềng, thông qua việc khiêu khích và cưỡng ép quân sự cũng như bán quân sự ở Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Biển Đông, eo biển Đài Loan và khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ", báo cáo viết.
Qua nhìn nhận như trên, chính quyền Tổng thống Trump khẳng định: Chiến lược an ninh quốc gia 2017 đòi hỏi Mỹ phải "suy nghĩ lại về các chính sách trong hai thập kỷ qua".
Trong phần thực hiện những phản ứng đối với Trung Quốc, Mỹ nhấn mạnh một số điểm quan trọng về vấn đề Biển Đông.
"Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện quyền di chuyển và hoạt động ở bất kỳ khu vực nào luật quốc tế cho phép, bao gồm Biển Đông. Chúng tôi lên tiếng cho các đồng minh và đối tác trong khu vực, và cung cấp hỗ trợ an ninh nhằm giúp họ xây dựng năng lực để chống cự nỗ lực của Bắc Kinh trong việc dùng các lực lượng quân sự, bán quân sự và thực thi pháp lực để cưỡng ép chiếm ưu thế trong các tranh chấp", báo cáo nêu rõ.
Những cáo buộc và cam kết nêu trên cũng nhất quán với những gì chính quyền ông Trump đưa ra lâu nay liên quan tới các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bản báo cáo này cũng nhắc lại việc Mỹ đã rút lại lời mời quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2018. Đây được xem là động thái phản đối của Mỹ sau khi Bắc Kinh triển khai các hệ thống tên lửa hiện đại ở các thực thể trên Biển Đông.
NHẬT ĐĂNG (TTO)