Mùa lúa chín

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chủ nhật, tôi cùng những đứa trẻ Jrai nơi tôi sống xuống đồng. Nhiều đứa từ khi còn bé xíu đã được mẹ địu ra thăm lúa, đã được ngửi hương lúa chín thoảng đưa.
Mùa lúa chín. Sau rặng tre xanh, bao loài chim thổi vào khúc đồng dao ngày mùa bản nhạc ríu ran, cánh đồng miên man với những bông lúa chắc mẩy trải mình như dải lụa phơi cái màu vàng óng trong cái nắng cũng vàng óng. Thêm vào khung cảnh ấy là những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, trên lưng của người cha, người mẹ và tiếng cười của lũ trẻ. Vừa thanh bình dung dị vừa no đủ ấm cúng. Thương yêu làm sao!
Thuở nhỏ, mùa lúa chín quyến rũ bọn trẻ chăn trâu chúng tôi bởi những chiếc tổ chim nơi gốc rạ, món cốm rang từ lúa tươi và trò trốn tìm bên những ụn rơm vừa mới tuốt. Chúng tôi bám theo lưng mẹ, lưng cha và sung sướng reo lên khi phát hiện chiếc tổ chim nào đó, nhè nhẹ đưa bàn tay nhỏ xíu nâng niu từng quả trứng mang chia cho nhau. Đấy là món ngon và lạ cho bữa trưa hôm đó.  
  Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Mùa lúa chín. Lũ trẻ cùng nhau đi mót những chẽn lúa rơi sót trên ruộng, cả nhóm gom lại rồi đem rang lên thành cốm, ngồi quây tròn lại chia nhau cắn, vừa cắn vừa kể đủ thứ chuyện linh tinh. Mùi thơm của loại cốm làm từ những hạt lúa tươi ấy cứ ngòn ngọt, cứ dịu dàng, đăm đắm thật khó cưỡng. Đã gần ba mươi năm trôi qua nhưng mùi thơm ấy như đã ủ vào tóc, vào tim, vào vị giác khiến tôi chẳng thể nào quên. Nhớ đến quê hương là tôi lại nhớ da diết món cốm thơm của thuở trẻ nít ấy. Ngay như lúc này cũng thế, khi đang ngồi gõ những dòng này mà mùi hương dịu ngọt ấy cũng hiện hữu da diết trong tâm tưởng.
Mùa lúa chín. Ấy là mùa con trâu trở về chuồng với cái bụng căng tròn, lũ trẻ có thêm khoảng không gian để thả diều. Đêm trăng lên, chúng tôi tha hồ chạy đuổi nhau bằng trò chơi đánh trận, trốn tìm, chui rúc trong những ụn rơm mới còn thơm mùi lúa tươi, mùi bùn. Đó cũng là mùa sung sướng nhất với chúng tôi bởi có những bữa cơm no đủ mà không phải độn khoai hay mì. Ngày đưa lúa về nhà, mẹ chọn một bao bỏ vào cối giã, đong mấy lon gạo liền cho vào nồi nấu, cha làm thêm con gà cúng cơm mới, cộng với canh khế chua nấu với mấy chú cá đồng bắt được trong buổi gặt lúa của chị. Gạo đầu mùa thơm, ngon và dẻo, canh chua nấu cá đồng vị ngọt, thanh. Giờ đây, đã bao lần dự tiệc, ăn đủ thứ món ăn nhưng thật là chẳng có bữa tiệc nào ngon hơn bữa cơm mới của mẹ thuở ấy.
Tôi đi giữa biển vàng lúa, hít hà mùi đồng, là là những ngón tay trên bông lúa vàng óng chắc mẩy. Màu vàng óng của lúa hòa trong màu nắng. Tôi cũng xin xuống ruộng cùng những người Jrai gặt lúa, cho giọt mặn mồ hôi thấm tháp trên má, cho chẽn lúa chín tưa vào bàn tay để được hưởng lây niềm vui sướng của người nông dân. Đâu đó, trên cánh đồng nghe như thoảng tiếng cha mẹ tôi xưa. Mẹ bảo “Lúa là ngọc của trời cho”, cha xoa đầu con hiền dịu “Lúa nuôi con lớn đó con ạ!”. Vậy đó, làm sao tôi quên được mùa lúa chín quê hương!
 PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...