Mùa cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bất kể là vào mùa nào đi chăng nữa thì cái không khí rạo rực của cụm từ “vào mùa” cũng khiến ta liên tưởng đến việc hưởng thụ thành quả lao động sau những tháng ngày vất vả. Tây Nguyên của tôi cũng đang rạo rực như vậy, không chỉ là mùa dã quỳ, mùa cỏ hồng mà là mùa của ngược xuôi tất bật trong mùa thu hoạch cà phê.
Cách đây khoảng 1 tháng, nhiều gia đình đã túc tắc ra vườn rẫy nhưng chỉ là thu hái đợt cà phê chín sớm, tranh thủ hái trước chứ không là khi vào mùa, cây sẽ bị chín quá và tự rụng quả. Quả cà phê lúc này ít chín đỏ mà chỉ hơi hanh vàng hoặc cam đỏ thôi, cứ từng chùm, từng chùm trĩu quả nối nhau đến tận cành lá non mới ngừng lại. Thu hoạch đầu mùa không nhiều, một ngày chỉ vài bao đổ lại. Cái khoảng sân đã được cào cỏ, quét dọn sạch sẽ, trải bạt ra, người đi hái về vừa trút xuống là người ở nhà tranh thủ cào cà phê ra phơi ngay. Phải tranh thủ nắng, tranh thủ sân đang còn rộng, tranh thủ cà phê đang còn ít phơi cho chóng khô. Chứ đến lúc vào mùa thì sân nhà nào nhà nấy đều đầy ắp cà phê, sợ phơi không kịp, cứ phải đổ xếp lớp dày rồi canh trở rất mất công.
 Ảnh minh họa: Đức Thụy
Ảnh minh họa: Đức Thụy
Thế rồi ào một cái, cà phê chín. Không còn mùi thơm ngào ngạt tinh khôi như khi ra hoa, những quả cà phê đã chín đỏ. Cây trĩu cong cành xuống hố, những phiến lá xanh to không thể che giấu được màu quả mà lại như đang làm nhiệm vụ tôn lên những chùm quả cà phê dần đỏ mọng lên từng giờ theo cái nắng hanh hao của mùa khô. Vào mùa, nhà nhà tất tả đi tìm công, gọi công, rồi đổi công. Đây là công đoạn rộn ràng và cũng chật vật nhất, bởi vào mùa rồi thì bao nhiêu nhân công cho đủ, huy động cả người nhà, tìm người làm theo ngày, theo mùa mà nhiều lúc còn không ra. Cà phê thường chín đồng loạt nên công theo mùa vụ phải huy động rất nhiều, một số gia đình cứ đến mùa là lại nhờ anh em ở dưới quê lên giúp. Cái cảnh thường thấy nhất trong mùa cà phê ở Gia Lai chính là người lớn đồng loạt vào rẫy cắm chốt để thu hái, để coi công, để phơi phóng luôn trong khu nhà rẫy đến khi xong mùa mới trở ra. Chính vì thế, những ngôi nhà vào mùa chỉ còn lại toàn người già và trẻ nhỏ tự chăm sóc lẫn nhau.
Không khí vào mùa cà phê nhộn nhịp nhất là ở trong những khu rẫy, san sát, liền kề. Tan sương là cả đoàn người kéo ra rẫy, người giăng bạt, tỉa cành, người bắc thang, người tuốt quả, cứ thế, nhịp nhàng và rôm rả chuyện trò. Xong cây này, lại kéo bạt qua cây khác, bạt đầy thì vơ lá, nhặt cành, trút quả vào, đóng bao. Nói thì nghe nhanh và nhẹ nhàng vậy, chứ việc thu hái cà phê khá mệt nhọc vì ở những cành dày quả, kiến và sâu là 2 loài vật dễ đụng nhất mùa, mỗi khi tuốt quả thì kiến lại ùa ra, ngứa rân. Thế nên phải che chắn, phải mặc áo dài tay, trùm mũ, mang khẩu trang để đỡ bụi, đỡ kiến, những đôi bao tay dày cộp mới đầu tuốt quả còn êm tay, tuốt xong 1 ngày đôi bao tay nào cũng bung sợi, để ngày sau lại phải lồng thêm đôi nữa. Nhịp điệu ngày mùa cứ thế tiếp diễn cho đến cuối ngày, cuối mùa…
LÊ THỊ KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.