Mỗi năm có 8 triệu người chết vì thuốc lá nhưng lại có thêm 8 triệu người hút mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo WHO, mỗi năm thế giới có 8 triệu người chết vì thuốc lá nhưng cũng có thêm 8 triệu người hút mới, trong đó nhiều người hút thuốc lá điện tử vì nghe quảng cáo 'thuốc lá điện tử không có hại'.

Một bạn trẻ hút thuốc lá điện tử tại quán cà phê - Ảnh: XUÂN MAI
Một bạn trẻ hút thuốc lá điện tử tại quán cà phê - Ảnh: XUÂN MAI
Đây là thông tin được thạc sĩ Đào Thế Sơn - liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi - đưa ra tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và truyền thông diễn ra vừa qua.
Thạc sĩ Sơn đánh giá với 8 triệu người chết vì thuốc lá mỗi năm trên toàn thế giới, cao hơn rất nhiều so với số người tử vong vì COVID-19 (tính đến thời điểm hiện tại là hơn 1 triệu người).
Đáng quan ngại khi mỗi năm cũng có đến 8 triệu người hút thuốc lá mới khi các hãng thuốc lá tung ra nhiều sản phẩm thuốc lá độc hại mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha...
"Nhìn dưới góc độ sức khỏe, đây là tổn thất lớn của xã hội nhưng trong vai trò của ngành sản xuất thuốc lá thì đây là bài toán kích cầu. Nghĩa là 8 triệu người chết này là khách hàng cũ của các công ty thuốc lá và được 'bù đắp' 8 triệu khách hàng mới" - thạc sĩ Sơn phân tích.
Dù vậy theo thạc sĩ Sơn, lợi ích kinh tế từ sản xuất thuốc lá không thể bù đắp được chi phí do tác hại sức khỏe mà nó gây ra. Nếu đảm bảo lợi ích kinh tế thì sẽ mất lợi ích về sức khỏe.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) - cho biết thuốc lá thế hệ mới gây hại sức khỏe như thuốc lá điếu thông thường. Chúng vẫn chứa nicotine, glycerin, propylene glycol - một chất gây ung thư khi được đun nóng, hóa hơi. 
Đặc biệt thuốc lá thế hệ mới đang nhắm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc lá mới thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, theo xu hướng. Chúng được bán qua mạng, được quảng cáo sai sự thật rằng ít gây hại, thậm chí giúp cai nghiện thuốc lá thông thường.
Tại Việt Nam, tỉ lệ người hút thuốc lá điện tử tăng lên 2,6% (năm 2019) mặc dù loại thuốc lá này chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới tại nước ta ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. 
"Thuốc lá thế hệ mới tiềm ẩn nguy cơ giới trẻ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác. Tuyệt đối không cho phép thí điểm mua bán, sản xuất, nhập khẩu với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha" - thạc sĩ Hương nhấn mạnh.
XUÂN MAI (TTO)

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.