Miên man cùng lúa rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Lúa rẫy” là cách gọi chung cho cây lúa được trồng trên đất rẫy, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Đây là cây lương thực chính của người Tây Nguyên trước đây, có mặt ở hầu hết các huyện trong tỉnh.
Lúa rẫy của người Jrai có nhiều giống, khác nhau về hình thái hạt lúa, độ cao cây lúa, tất nhiên cũng khác nhau về chất lượng gạo. Tựu trung, lúa rẫy được chia làm 2 loại: lúa tuốt (Bdie hpua) có hạt tròn to gấp đôi hạt lúa ta thường thấy, 1 đầu có 2 cánh như mũi tên, đầu kia có đuôi dài nhọn. Loại thứ 2 là lúa gặt, còn gọi là lúa thường (Bdie).
Tên gọi “lúa tuốt” được danh từ hóa động từ “tuốt” khi thu hoạch, có chu kỳ sinh trưởng không dưới 6 tháng, thân lúa cứng cáp, cao đến ngang ngực người phụ nữ trưởng thành; gié lúa lưa thưa, dài nên tuốt lúa cho vào gùi đeo sau lưng vẫn nhanh tiện hơn. Nói là tuốt, nhưng kỳ thực từ ngày có chiếc liềm tay, người nông dân đã biết gặt ngang gié lúa mang về rẫy phơi, đập/vò lấy hạt lúa.
Lúa tuốt chỉ phát triển ở rẫy mới đốt phá, trồng theo lối chọc trỉa, từ đầu tháng 6 khi mùa mưa bắt đầu, đến đầu tháng 12 thì thu hoạch. Sức chịu hạn, khả năng miễn dịch các loại sâu bệnh là đặc điểm ưu thế của giống lúa này. Lúa tuốt không thích hợp với bất kỳ loại phân bón nào, chỉ trồng được không quá 2 lần trên đất mới khai khẩn; nếu cố trồng lần nữa, cây lúa chỉ cao đến đầu gối rồi lụi dần không một thứ phân bón nào cải thiện được.
Trò chuyện cùng tôi, anh Rơ Ô Trúc-giảng viên Trường Chính trị tỉnh (quê ở xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) hồi tưởng: “Nồi cơm gạo rẫy đương sôi, chín tới tỏa hương thơm khó tả lắm. Hạt cơm tơi mềm, nhai kỹ có vị béo, ngòn ngọt tỏa ra trong vòm miệng. Cơm gạo rẫy ăn kèm với mắm, cá khô nướng hay đơn giản thì muối lá é, muối ớt thế thôi đã quên… no. Nếu gạo rẫy nấu theo kiểu đồ xôi, hạt cơm tơi rời bốc từng nhúm cho vào miệng kèm với thịt bò một nắng nướng, gà nướng thì... ngon thôi rồi!”.
Người dân trao đổi kinh nghiệm trồng lúa rẫy. Ảnh: Ngọc Thu
Người dân trao đổi kinh nghiệm trồng lúa rẫy. Ảnh: Ngọc Thu
Vì năng suất thấp, không phải là cây hàng hóa, lại “kén” đất nên dù thơm ngon thế nào đi nữa lúa tuốt cũng dần khan hiếm! Thêm vào đó, tác động của biến đổi khí hậu, mưa nắng 2 mùa không còn rõ rệt như trước cũng ảnh hưởng đến năng suất giống lúa này. Theo tìm hiểu, riêng ở huyện Krông Pa, giống lúa này vẫn còn truyền giữ, như ở buôn Ma Yai (xã Đất Bằng), buôn Chư Jú (xã Ia Rsai), buôn Tring (xã Krông Năng), buôn Chai (xã Chư Drăng), buôn Puông (xã Ia Rmok)… với diện tích gieo trồng rất hẹp. Lúa tuốt quý hiếm nên gạo lúa tuốt chỉ dùng để biếu, dùng để đãi khách quý.
Khẳng định chất lượng dinh dưỡng của gạo lúa tuốt, ông Ama H’Nhin (buôn Ma Nhe, xã Đất Bằng) cho hay: “Người già, trẻ sơ sinh ngày trước chỉ có ăn cháo gạo rẫy nấu đặc cho thêm chút muối hạt, chút đường mía thế mà lớn lên khỏe mạnh, thế mà kéo dài tuổi thọ chứ có uống loại sữa nào đâu. Bà chị tôi, mấy năm cuối đời, tuổi ngoài 90 cứ ước thèm chén cháo gạo rẫy, cả nhà tìm xin khắp xã mà bữa có bữa không. Gạo rẫy giờ đã khan hiếm lắm. Lớp trẻ sau này chắc chỉ nghe chứ chẳng bao giờ được nhìn thấy hạt lúa, được ăn chén cơm gạo rẫy nữa rồi!”.
Cũng là lúa rẫy nhưng “lúa thường” (lúa gặt) phân biệt với “lúa tuốt” bởi chu kỳ sinh trưởng chỉ hơn 4 tháng. Tuy gieo trồng trên đất rẫy, theo phương thức chọc trỉa nhưng lúa gặt không quá khó tính trong việc chọn thổ nhưỡng, có thể trỉa nhiều lần trên 1 diện tích đất; được bón phân, phun thuốc diệt sâu bệnh.
Lúa gặt có họ hàng gần với các giống lúa nước giống mới nên có nhiều điểm giống: thân cây thấp, gié lúa dày nên thu hoạch bằng cách gặt liềm vẫn thuận tiện hơn. Hạt gạo lúa gặt tròn, thường có màu nâu đỏ hoặc trắng đục. Cơm gạo lúa gặt tơi, cứng; nhai kỹ có dư hậu vị béo ngọt. Trên những miếng đất rẫy triền dọc theo khe suối, gần nguồn nước, bà con nông dân vẫn trồng giống lúa này thay cho các loại cây lương thực ngắn ngày khác, theo hướng luân canh nhằm cải tạo đất. Giá bán gạo lúa gặt thấp hơn so với gạo lúa nước 4 tháng, thường chỉ dùng để ủ/nấu rượu hoặc làm thức ăn cho gia cầm.
“Hạt gạo là hạt ngọc của trời”, miên man vậy thôi chứ chẳng dám so sánh hơn thua!
NGUYỄN ĐÌNH

Có thể bạn quan tâm

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

(GLO)- Nhà giáo Tạ Chí Tào (trú tại huyện Chư Sê) mang trọng bệnh đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ chịu ngừng nghỉ. Anh vẫn đều đặn sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Đến nay, anh đã có gần 10 đầu sách, chính xác là 9 tập đã phát hành, còn 1 cuốn nghiên cứu lịch sử đang có kế hoạch xuất bản.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời lúc 10h45 sáng 13/3 tại Hà Nội. Năm cuối đời, ông chống chọi với bệnh ung thư. Vài tháng gần đây, nhiều đồng nghiệp chia sẻ hình ảnh thăm nhạc sĩ Thụy Kha trong bệnh viện. 

Tiết mục múa của đơn vị Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Ia Grai năm 2025.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang huyện Ia Grai: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng giành giải nhất toàn đoàn

(GLO)- Trong 2 đêm (11 và 12-3), huyện Ia Grai tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang năm 2025. Liên hoan quy tụ 13 đơn vị tham gia. Mỗi đơn vị đăng ký trình diễn từ 3 đến 5 tiết mục ca, múa và diễn tấu các loại nhạc cụ.

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

(GLO)- "Nắng chưa qua" của Bút Biển là một bài thơ đầy hoài niệm. Bằng những câu thơ nhẹ nhàng mà day dứt, tác giả khắc họa nỗi buồn của sự xa cách, khi ký ức vẫn còn đó nhưng hiện tại chỉ còn lại gió lùa, hoa rụng và căn phòng trống,... dường như có ai đang ngóng về một vệt nắng chưa qua.

Bản hòa ca cùng triền ký ức

Bản hòa ca cùng triền ký ức

(GLO)- Dù đã có hơn 30 năm sống ở Pleiku nhưng khi đọc tập “Vân môi say phố” của Ngô Thanh Vân (NXB Hội Nhà văn, 2024), tôi lại có cảm tưởng được khám phá một miền đất tưởng chừng quá đỗi quen thuộc.

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

(GLO)- Tối 10-3, tại làng C (xã Gào), Đội Thông tin lưu động-Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh (17/3/1975-17/3/2025), chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Lá cỏ hát thơ

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Lá cỏ hát thơ

(GLO)- Bài thơ "Lá cỏ hát thơ" của Nguyễn Ngọc Hưng đã khắc họa hình ảnh cỏ như một biểu tượng của sự kiên cường dù phải trải qua nhiều gian khó, đớn đau. Qua đây, tác giả muốn truyền tải thông điệp về sự bền bỉ, lòng yêu thương và tinh thần vượt qua khó khăn của con người trong mọi hoàn cảnh.

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

(GLO)- Độc đáo, sáng tạo, ý nghĩa là những đánh giá chung về hơn 300 bức tranh của các tác giả “nhí” gửi về tham gia cuộc thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp do Hội đồng Đội thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phát động gần 1 tháng qua.