Miên man cát trắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hồi nhỏ xíu, ba thường đạp xe chở Thám về quê mỗi mùa hè. Bình Sa cách nhà Thám có 6, 7 cây số thôi. Đó là cái xứ minh mông trắng. Trắng hoa mắt ban ngày. Trắng rờn rợn buổi đêm. Trắng ẩm rịt trong mưa. Trắng lấp lánh dưới nắng. Trắng rát rạt lòng bàn chân chai sần của Thám. Gió Lào tràn qua một cái là bụi cát tấp đầy mặt mũi, cồm cộm ứa nước mắt chẳng thấy đường đi.



Thám lên nổng cát bắn chim, nhổ nhúm đậu phụng lên nhai beo béo. Có khi nằm dưới bóng cây, trên mớ lá khô thơ thẩn nhìn mây lượn vòng quanh. Bữa làm siêng đi nhổ mè thuê hòng mong ở lại nhà bà con ăn ké cơm chiều. Khoái nhất là đào khoai trùi sa trộm nướng ăn giữa luống. Khoai lang Tiên Đỏa nổi tiếng ngọt bùi. Bình thường chỉ được ăn khoai khô ghế cùng cơm, sượng rệt. Làm răng sánh được với miếng khoai nướng nóng hổi thơm phức giữa nổng những chiều hè.

Ba chặt nát chẳng biết bao nhiêu cái ná thun của Thám. Ông đe, ta cấm mi bắn bậy bạ. Ngu một vừa hai phải thôi con. Chim sẻ ăn sâu, bìm bịp bắt rắn. Bắn chi tụi nó mà nên tội. Mỗi lúc rứa hắn lại cười hề hề. Con bắn xong thì rô ti để nhà mình đổi món mà ba. Ăn mắm ăn rau miết thèm thịt lắm ba ơi.

Thám cứ rứa mải miết chạy theo tiếng chim bìm bịp suốt tuổi thơ. Cái xã bé tẹo, mà nổng cát lại trải dài tít tắp. Bao nhiêu khe suối, biết mấy bụi sim, chỗ người ta trồng bắp, đoạn cát bỏng không cỏ dại trườn. Thám thuộc làu làu.

Càng nhớ kỹ hơn là vị trí từng ngôi mả của dòng họ. Theo chân ba, Thám tự vẽ trong đầu mình một tấm bản đồ vô hình, dẫn từ nơi chôn ông cố, sang ông nội, các cô, bác, chú. Ba xây mả cho họ ở trên cao, thành cụm với khu mộ người thân nhiều gia đình khác. Phải xuống đồi thiệt xa thì mới tìm ra mả bà nội và cô Sáu. Ông bảo hai người "chết lạ" nên phải tách biệt ra với mọi người. Sau ni ba mà có đi gặp họ, bây nhớ chôn ta chỗ ni nghe. Ông vẫn hay dặn Thám như rứa, mỗi lần chia mấy cây nhang cho Thám thắp vái. Lời ba nói gở lo xa, lọt vô tai trái Thám, lại chui ra từ tai phải hắn, rớt xuống cát trắng rồi bay biến theo gió đi đâu.


*

*     * 



Ba hay chửi Thám là nghịch tử. Cái thằng chỉ biết chơi bời lêu lổng, bắn chim, câu cá, thụt bi-a cả ngày. Hắn chẳng bận tâm lời nói của ba. Đừng trách hắn không lo học hành, bài vở. Ai lại có thể ngồi yên tính chiều dài cạnh huyền trong khi số bộ quần áo ba đã đốt của má còn không tính được? Ai lại thảnh thơi mường tượng cảnh đoàn thuyền đánh cá dưới ánh trăng bàng bạc, giữa cái lúc má mình chui bụi trốn bờ rậm rịt muỗi rết trong đêm tối thui?

Cái thằng chuyên đi ngủ lang. Không đi, ở nhà để nghe ông rủa má à! Cái thứ lộn chồng! Thám đã nghe ba chửi nhiều đến muốn buồn mửa mỗi khi ông mở lời.


 

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG



Má đúng là tránh vỏ dưa, đạp trúng y vỏ dừa. Một đời chồng má bỏ vì bợm rượu, vũ phu. Bà dứt áo ruồng rẫy chị Hai để về nhà ba, xắn quần lên tận háng như ông chửi, quét nhà nuôi heo muốn trầy vi tróc vảy hòng lấy lòng người đàn ông mà bà thương. Rốt cục cả đời má đánh đổi lại những câu khinh miệt, những cái đạp bầm bụng, tát thâm mặt. Vì cơn cớ chi ba lại biến thành tên say xỉn hay đụng tay chân thì mãi tới khi lớn lên Thám mới hiểu. Nhưng đó là chuyện của sau ni, còn lúc nhỏ Thám chỉ biết, ba luôn dằn dỗi má những lúc nắm tóc của bà trong tay giựt tưng tưng từng sợi: "Rồng vàng tắm nước ao tù. Người khôn ở với người ngu bực mình".

Không phải Thám mặc kệ má. Hắn mô có cản được ba. Xớ rớ đứng giữa lại vướng víu tay chân khiến má chẳng chạy trốn được nữa. Ba không chỉ đánh má, ông còn quất lên người Thám những lằn roi dâu. Trong cơn say tối mắt, ông dùng cào cỏ móc rách mùng lỗ trán Thám. Máu tứa ra, để lại vết sẹo dài trong ký ức. Sáng hôm sau, ba nhìn cái đầu băng trắng của Thám dịu giọng. Ta bảo mi rồi, nói với người say như háy với kẻ đui. Xước cái nhẹ nhẹ mà, vài bữa là khỏi.

Thám muốn ghét ba lắm. Hắn đâu có lỗi chi trong câu chuyện của người đã sinh ra mình. Hắn chẳng làm răng lý giải được, một người mong có con trai nối dõi như ba, mắc mớ chi luôn không vừa lòng hắn.


 


*

*     * 


Ban đầu Thám chọn đại mái hiên nhà ai đó, miễn là đủ rộng để mưa không tạt ướt. Bữa thì hắn chui lỗ chó vô được cái trung tâm kia mà ngủ. Dần dà hắn cũng biết mặt dày mò tới nhà đứa bạn ni thằng bạn kia mà xin ké chiếu mền. Có chi đâu, một giấc ngủ yên ắng là đã quá đủ cho những ngày tháng tủi hờn.

Như lẽ tất yếu, Thám cũng trở thành tên bợm nhậu, uống rượu như uống nước lã. Trong cơn lè nhè của mình mỗi khuya về, Thám hay tìm ba:

Con thương ba nhứt ba biết không?

Thương cái đầu cha mi!

Ba chửi Thám, nhưng ông luôn dìu Thám lên giường, đóng kín cửa cho khỏi trúng gió. Biết bao lần ba nướng thơm đường phèn hoặc quậy nước chanh cho Thám uống giải rượu.

Câu nói thương ba, Thám chỉ nói lúc có men trong người. Lúc không say, Thám dường như lại chẳng tỉnh táo. Bữa nớ, hắn đã phạm lỗi lầm, một cái sai mà cả đời không bao giờ hắn có cơ hội để sửa.

Bữa nớ, Thám cầm chắc con dao trên tay, lăm le gí ba chạy vòng quanh sân. Ba vừa chạy vừa vớ lấy đá chọi lại Thám. Hắn né rất nhanh, cục đá mô cũng sượt ngang qua người chớ không trúng nổi. Má Thám hớt hải theo sau. Má xin con, bỏ dao xuống Thám ơi. Có chuyện chi ba con từ từ nói. Má cố giằng con dao ra khỏi tay hắn nhưng không được. Thám đang đỏ mặt sùng máu, làm răng còn tâm trí để nghe lời chi.

Ba hắn mệt lả, dừng lại dựa vào gốc cây vú sữa, thở phù phù. Thám ngưng rượt, đứng im mắt long sòng sọc vằn đỏ nhìn ông.

Cái thứ mất dạy, mi dẫn gái về nhà, ăn nằm rồi nạo thai phá thai làm ô uế nhà ta. Chừ mi lại đòi giết ba mi. Mi nhột hả, ta nói đúng quá mà.

Lẹ như tên bắn, Thám quơ cái ghế nhựa gần đó, phang thẳng vô người ba. Ông bất ngờ tránh không kịp, đầu rỏ máu ra trong tiếng vỡ tanh bành của chiếc ghế.

Thám vật ba xuống, trói ông bằng dây thừng rồi quăng lăn lóc nơi nền đất lạnh. Sức lực của một ông già đang say thì làm răng bằng thằng con trai hơn hai lăm tuổi. Ông hét lớn: "Quớ làng, con trai tôi nó giết tôi! Cứu tôi với! Quớ làng nước ơi… ơ...i...". Làm chi có ai tới, họ đã quá quen với chuyện ba con Thám đánh nhau, quá quen với tiếng kêu nớ rồi. Mấy con chó sủa ầm ĩ. Một con nhảy đứt dây xích, đứng xa xa nhìn chủ nó nằm giãy nãy dưới đất. Đàn vịt xiêm hốt hoảng bành bạch trốn, chui sâu trong bụi mía.

Ba Thám la to quá, hắn liền kiếm vội miếng vải nhét vào miệng. Ông ú ớ thảm hại. Má Thám van nài qua tiếng thở hổn hển: "Dừng lại đi con. Má xin con. Dừng lại Thám ơi. Má xin…".

Được một lúc, dường như đã thấm mệt, ba Thám im lặng không cựa quậy nữa. Có vẻ thấy xót xót, hắn lấy miếng vải ra khỏi miệng ông.

Ông muốn yên thì ngậm miệng lại. Chớ mà còn chửi nữa, tui lấy băng keo dán mỏ liền.

Hắn chưa dứt câu, tức thì ông hả họng cắn lấy ngón tay cái của Thám. Giật mình, hắn cố gỡ ngón tay ra khỏi miệng ba nhưng vô ích. Má Thám loay hoay tìm đâu cây sắt to bằng chiếc đũa đưa vào cạy hai hàm răng đang ngậm chặt của ông ra. Ba từ từ nhả tay Thám ra. Cánh tay hắn tê cứng không cử động được, ngón tay cái bị rách da chảy máu.

Má lôi Thám đi băng bó vết thương nhưng hắn nhất quyết không đi. Thả thẳng tay ngang mặt ba mình, Thám để dòng máu từ vết thương rơi xuống mặt ông. Giọt máu của bao uất ức xưa nay. Giọt máu trả thù. Giọt máu nông nổi. Và giọt máu kết thúc tình nghĩa cha con.

 


*

*     * 



Thám dừng ngang đường lộ, bợ đuôi xe dắt lên gần bụi tràm, rút chìa khóa quăng chiếc xe gắn máy chỏng chơ. Hắn quếnh quáng dò từng bước nặng nề đi sâu vô nổng cát. Ba cái mả xây gạch quét vôi nằm cạnh bên nhau, một mới toanh tươm tất, hai cái còn lại loang lổ vết nứt thời gian. Gió thốc qua từng đợt, thổi bay hơi rượu, cái lạnh rít ngay khóe răng kin kít.

Ba hay dặn Thám chôn ông cùng chỗ với bà nội và cô Sáu nơi gò đất riêng ni. Chẳng nghĩ có ngày hắn phải xây mả cho ba ở đây thiệt. Ngàn năm bóng xế nhành dâu, cuộc đời con người ngỡ đâu mãi thế, lại hóa ra ngắn ngủi không ngờ.

Thám ngồi phệt xuống, tựa lưng ngang tấm bia của ba, thả mắt vô khoảng không tối mịt. Cát trắng ánh lên một vùng. Thám đã cãi lời ba, cưới người con gái mà hắn dẫn về nhà năm hai lăm tuổi. Rốt cục, đến khi xả tang ba xong, cô ta đòi ly dị với Thám để chia căn nhà. Ngày đó, ba chửi hắn là đúng. Đến đứa con trong bụng cô ta còn không cần, phá bỏ đi, thì cô ta cần chi Thám. Ngày đó, ba đánh chửi má có lẽ cũng vì điều ni. Ba đã sợ má bỏ anh em Thám như má bỏ chị Hai, có phải không ba? Đôi khi, chỉ vì sợ hãi mà con người ta trở nên nhẫn tâm.

Thám lỡ mất cơ hội về gặp mặt ba lần cuối. Cho đến khi hắn hiểu được, hóa ra ba không chỉ muốn con trai nối dõi, ba còn cần một đứa con học hành đến nơi đến chốn, sống đàng hoàng tử tế. Thì hắn lại chẳng thể xin lỗi ông nữa rồi. Những vết thương trên da thịt và trong tâm hồn, sự sợ hãi, kèm theo chút ít ghét bỏ. Chúng khỏa lấp hết bao nhiêu ký ức tốt đẹp về ba. Cho đến khi Thám cố gắng chắp ghép từng mảnh yêu thương rời rạc lại với nhau. Hắn mới nhận ra mình đã bỏ lỡ rất nhiều thứ.

Giọt nước mắt lăn dài. Thám lè nhè giữa nổng cát không người. Con thương ba nhứt ba biết không? Ba cũng thương con nhứt mà, ba hê. Chẳng còn tiếng ai trả lời, chỉ có nổng cát là vẫn trắng miên man.

Truyện ngắn của Ny An
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

(GLO)- Nếu như Tây Bắc có “tứ đại danh đèo”: Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ thì vùng duyên hải miền Trung lên đại ngàn Tây Nguyên cũng có “ngũ danh đèo”: An Khê, Phượng Hoàng, Khánh Lê, Ngoạn Mục, Violak.

default

Địa phận Phủ Hoài Nhơn được xác lập năm Hồng Đức thứ 2 (1471), là miền “viễn châu” khá rộng; sau hơn 550 năm, vùng đất rộng lớn lúc ban đầu được phân chia thành nhiều tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Bắc Tây Nguyên. 
Pleiku, miền nhớ...

Pleiku, miền nhớ...

(GLO)- Nếu tính từ dấu mốc ký Nghị định Toàn quyền Đông Dương thành lập đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum ngày 24-5-1925, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay đã được 100 năm.

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Trong ngôi nhà sàn dưới chân núi ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Nghệ nhân nhân dân Ðinh Chương nở nụ cười sảng khoái, hồ hởi nói: “Bà con trong làng đang trông chờ ngày 1.7.2025, để không chỉ núi liền núi, sông liền sông mà đồng bào Bana ở hai tỉnh trước đây sẽ về chung mái nhà tỉnh Gia Lai mới”.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 – 1.7.2025), sáng 29.6, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp” nhằm tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với Đảng, đất nước và nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.
Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025: Góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025: Góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Triển khai trong thời gian chưa tròn 1 năm, Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025 đã thu hút nhiều người yêu văn chương trong và ngoài tỉnh tham gia. Tác phẩm được gửi về không chỉ thể hiện sự đầu tư công phu về nội dung và hình thức, mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh vùng đất Bình Ðịnh giàu bản sắc văn hóa, chiều sâu lịch sử.
Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

Chung vai một gánh hai quê

Chung vai một gánh hai quê

Chung vai một gánh hai quê là chủ đề chung cho tập truyện ngắn “Người hai quê” của Hương Văn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội chọn lọc và được NXB Quân đội Nhân dân - 2025 ấn hành. 

Chuyện về những nhà báo không chuyên

Chuyện về những nhà báo không chuyên

(GLO)- Dù chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí, nhưng bằng nhiệt huyết, nhiều cộng tác viên của Báo Gia Lai vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề báo, cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc đời sống ở cơ sở trở thành cánh tay nối dài của tòa soạn trong việc lan tỏa thông tin, kết nối cộng đồng.

Tự hào được sống đúng đam mê

Tự hào được sống đúng đam mê

Có thẻ hay không có thẻ nhà báo họ vẫn làm báo. Bởi họ luôn có niềm đam mê và mong muốn góp một phần nhỏ bé vào hành trình chuyển động của xã hội bằng ngòi bút, bằng trái tim và bằng đôi mắt luôn đau đáu với hiện thực.

Tác nghiệp ở Trường Sa

Tác nghiệp ở Trường Sa

Mỗi chuyến tác nghiệp tại Trường Sa không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là hành trình cảm xúc, hun đúc tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến. Những trải nghiệm nơi đảo xa đã trở thành dấu mốc nổi bật trên chặng đường làm báo, để các phóng viên, biên tập viên được “tôi luyện” trong môi trường đặc biệt, khắc nghiệt và đầy cảm hứng.

null