Metro số 1 chính thức chạy thử, khai thác thương mại trong năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng ngày 21-12, đoàn tàu của tuyến metro số 1 chính thức chạy thử nghiệm sau hơn 10 năm thi công. Chủ đầu tư và nhà thầu cam kết đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào vận hành khai thác trong năm 2023.
 
Tàu metro số 1 lăn bánh chạy thử đoạn trên cao sáng 21.12. Ảnh: Anh Tú
Tàu metro số 1 lăn bánh chạy thử đoạn trên cao sáng 21.12. Ảnh: Anh Tú
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã tham dự và trải nghiệm đi thử tàu metro đầu tiên của TPHCM.
Hơn 10h sáng, đoàn tàu metro số 1 lăn bánh ở đoạn trên cao gần 9 km từ ga Suối Tiên đến ga Bình Thái. Đoạn trên cao thiết kế cho tàu chạy tốc độ tối đa 110 km/h, nhưng quá trình thử nghiệm chỉ chạy dưới 40 km/h. Trên hành trình, tàu dừng ở ga Công nghệ cao khoảng 5 phút cho khách tham gia thử nghiệm tham quan.
 
Tàu metro số 1 chạy qua ga Công nghệ cao. Ảnh: Anh Tú
Tàu metro số 1 chạy qua ga Công nghệ cao. Ảnh: Anh Tú
Ông Kazuhiko Nagasawa - Giám đốc dự án nhà thầu Hitachi, (Gói thầu CP3), cho biết sau sự kiện này, trong năm 2023 nhà thầu sẽ huy động mọi nguồn lực để tiếp tục công việc lắp đặt và thử nghiệm tất cả các hệ thống trong khu vực depot, cầu cạn và hầm.
Đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó trưởng Ban phụ trách Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cũng cam kết cùng nhà thầu sẽ sử dụng tất cả nguồn lực để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, chuyển sang giai đoạn đưa vào vận hành khai thác trong năm 2023.
Đặc biệt, năm 2023 là kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Do đó, việc phấn đấu hoàn thành dự án là một điểm nhấn hết sức quan trọng trong quan hệ ngoại giao hữu nghị hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
 
Ông Hà Ngọc Trường – Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TPHCM vui mừng khi được đi thử tàu metro. Ảnh: Phương Ngân
Ông Hà Ngọc Trường – Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TPHCM vui mừng khi được đi thử tàu metro. Ảnh: Phương Ngân
Có mặt trên đoàn tàu metro số 1, ông Hà Ngọc Trường – Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TPHCM, cho biết rất mừng khi được đi thử trên chuyến tàu metro đầu tiên của TPHCM.
“Đây là thành công của ngành giao thông nói chung và ngành metro nói riêng. Sau cột mốc này, rất mong dự án được đẩy nhanh hoàn thành và khai thác thương mại trong năm 2023. Cùng với metro số 1, các tuyến metro khác cũng cần sớm xây dựng để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị, giúp giảm ách tắc giao thông” – ông Trường nói.
 
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên (giữa) trải nghiệm tàu metro số 1. Ảnh: Phương Ngân
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên (giữa) trải nghiệm tàu metro số 1. Ảnh: Phương Ngân
Sau khi đi thử tàu metro số 1, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đánh giá, việc cho tàu chạy thử từ ga Suối Tiên đến Bình Thái đánh dấu dự án metro số 1 chuyển từ giai đoạn hoàn thiện thi công sang bước thử nghiệm an toàn để sớm đưa vào khai thác thương mại. Hiện cả chủ đầu tư tập và nhà thầu đều đã cam kết đưa dự án vào khai thác năm 2023.
 
Bên trong tàu metro số 1. Ảnh: Phương Ngân
Bên trong tàu metro số 1. Ảnh: Phương Ngân
Lãnh đạo TPHCM cho biết, tuyến metro số 1 có ý nghĩa rất quan trọng, ngoài phục phụ hướng phát triển của TPHCM về hướng Đông, đây còn là tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện các dự án đường sắt đô thị khác như metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), metro số 5 kết nối tuyến số 1 và số 2...
Ngoài ra, metro số 1 được tổ chức quy hoạch kết nối với Đồng Nai và Bình Dương, giúp tăng kết nối vùng Đông Nam Bộ.
Tuyến metro số 1 có 17 đoàn tàu, mỗi đoàn có 3 toa dài 61,5 m với sức chứa 930 hành khách, trong đó, 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Tốc độ tối đa là 110 km/h đoạn trên cao và 80 km/h đoạn ngầm. Tính đến nay, toàn dự án đã đạt được 93,56% khối lượng thi công.
Theo PHƯƠNG NGÂN - ANH TÚ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.