Mẹ tôi và mưa theo chiều thẳng đứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi nhớ mãi, trên chuyến tàu từ Nha Trang vào Sài Gòn năm ấy đầy ắp hàng hóa và người, khó khăn lắm mới tìm được một khoảng trống cho riêng mình.  



Mẹ tôi khá vất vả để tìm được cho tôi một chỗ ngồi dưới sàn tàu trên một tấm trải nhựa. Mẹ như muốn ngất xỉu đôi lần. Ngoài trời, cơn mưa cứ kéo dài rả rích từ sáng đến tối. Thỉnh thoảng, con tàu thả những hồi còi dài vào không gian vắng lặng. Tôi ngồi lọt thỏm trong một góc hẹp trên tàu, hẹp chỗ ngồi và hẹp cả góc nhìn để thấy được những hạt mưa bay theo chiều thẳng đứng bên ngoài ô cửa sổ. Đến đêm, không còn thấy mưa rơi, chỉ có cảm giác mát lạnh của mưa ùa vào toa tàu chật chội, ngột ngạt.

Khi tàu ghé vào những ga nhỏ, tôi mới được nhìn thấy lại những hạt mưa rơi màu vàng theo chiều thẳng đứng dưới ánh đèn vàng úa trong sân ga. Khi ấy tôi còn quá nhỏ để nghe và hiểu những chuyện làm ăn buôn bán, trao đổi, va chạm của những người chung quanh. Đúng hơn là tôi chỉ thích hơi mát lạnh của mưa ùa vào toa tàu và nhìn thấy màu trắng hay vàng úa của mưa đang bay theo chiều thẳng đứng ngoài ô cửa hẹp trôi theo thời gian, lùi lại phía sau con tàu.

Tôi không có dịp đi lại trên những con tàu như năm ấy, nhưng chuyến đi lần đầu tiên gặp ba tôi đã đem đến một ấn tượng khó phai. Hình như trong công việc, cuộc sống, từ tiềm thức, tôi cũng đã hình thành những chiều thẳng đứng với không ít niềm vui và nỗi buồn. Hôm làm lễ tốt nghiệp đại học, mẹ tôi đã ôm tôi trong cơn mưa chiều thẳng đứng, xen lẫn những giọt nước mắt nóng hổi của mẹ...  

Về sau, có dịp làm việc ở Nhật Bản, trên chuyến tàu siêu tốc đến Kyoto, tôi thật sự ngạc nhiên trước những hạt mưa bay ngang bên thân tàu siêu tốc, mờ mờ xa là hình ảnh núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết trắng xóa hay những vườn hoa anh đào đang nở chạy dài tít tắp. Tôi say sưa ngắm nhìn hạt mưa bay ngang lùi lại nhanh phía sau thân tàu, như khám phá một điều gì đó thật thú vị, mới mẻ. Nhưng cũng  năm ấy, tôi lại chứng kiến những hạt mưa xoay tròn trong cơn lốc dữ dội, để lại không ít những tàn phá trên đất nước Nhật Bản. Trong khi đó, ở miền Tây quê hương tôi, người dân lại đang gầy mòn vì khô hạn hoặc ngập mặn; những cánh đồng, khu vườn nứt nẻ, cây trái chết non, héo khô; những dòng sông, ao hồ cá tôm chết trắng. Người đi bên kia sông rơm rớm nước mắt nhìn người bên này sông, tất cả đều chờ đợi, thèm khát những cơn mưa cứu rỗi…

Tôi luôn nhớ về chuyến đi xa đầu tiên với mẹ tôi, thích hơi mát lạnh của mưa rơi và thú vị khi nhìn thấy những hạt mưa màu trắng hay vàng úa bay theo chiều thẳng đứng.

Theo HỒ VĂN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.