Màu yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mẹ tôi làm y tá bệnh viện từ khi tôi còn bé xíu. Thời ấy khó khăn nhưng chẳng khi nào mẹ để con cái thiếu thốn. Đầu năm, mẹ được phòng khám cấp cho 2 m vải mới trắng tinh để may áo blouse. Nhưng mẹ không may, mẹ dành xấp vải mới may áo đồng phục cho con gái đến trường, còn mẹ đi xin áo cũ của đồng nghiệp để mặc đi làm. Ngày khai giảng và nhiều ngày sau đó, tôi luôn cảm giác vui và tự hào lắm lắm mỗi khi mặc chiếc áo trắng cổ cánh sen mẹ may. Cho tới giờ, khi đã làm mẹ và tự tay chuẩn bị áo quần cho con đi khai giảng, tôi vẫn nhớ niềm vui khi mặc áo mới ngày ấy.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Một ngày, tôi bất cẩn làm đổ mực lên áo. Chiếc áo trắng bị loang một mảng màu tím sậm bằng hai ngón tay trên ngực áo. Mẹ đã ngâm thuốc tẩy rồi giặt đi giặt lại nhiều lần nhưng vết mực vẫn không biến mất. Tôi buồn lắm, nhìn mảng màu nhờ nhờ trên áo mà mắt ầng ậc nước. Tôi cứ trách mình hậu đậu đã làm xấu chiếc áo đẹp mẹ may. Mẹ trấn an: “Đừng khóc con gái, mẹ có cách “hô biến” trở lại chiếc áo đẹp cho con”. Tối hôm đó, mẹ thức đến tận 2 giờ sáng thêu hoa hồng lên chiếc áo của con để che đi vết mực. Ngày hôm sau, tôi lại có “áo mới” đến trường. Chiếc áo hoa hồng quả là không đụng hàng với bất kỳ bạn nào trong lớp. Chiếc áo hoa ấy đã gắn bó với tôi suốt 2 năm học.
Đi học, tôi chỉ có 2 bộ đồng phục để thay đổi. Mùa mưa, có khi áo giặt phơi chưa kịp khô thì 4 giờ sáng mẹ đã dậy, là đi là lại chiếc áo trắng của tôi cho nó bốc hết hơi nước, để tôi có áo đến trường. 2 chiếc áo gắn bó cùng tôi ngày này qua ngày khác, nhà lại sử dụng nước giếng nên áo nhanh bị ố màu. Mẹ sợ sử dụng nhiều thuốc tẩy, những sợi vải sẽ nhanh bị mục khiến áo sớm sờn rách nên nảy ra “sáng kiến”: pha một giọt mực vào chậu nước, rồi ngâm áo thật nhanh qua đó để nhuộm màu. Chiếc áo màu cháo lòng chuyển sang màu tím nhàn nhạt, trông mới mẻ hơn hẳn chiếc áo cũ. Bông hoa hồng vô tình nhuộm thêm màu tím. Tôi đến lớp với chiếc áo trắng tim tím màu hoa cà, không giống bạn bè nhưng vẫn thấy thích thú và tự hào. Bởi đó là những chiếc áo do chính tay mẹ may, mẹ “sáng tạo” cho tôi.
Tôi đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, được tập trung cùng các bạn trong đội tuyển học bồi dưỡng ở trường chuyên trong vòng 2 tháng. Tôi trở thành niềm tự hào của trường khi là học sinh đầu tiên đạt danh hiệu đó. Cô hiệu trưởng đã đến gặp mẹ, hỏi: “Tôi muốn tặng cháu một món quà nhưng không biết cháu đang cần gì?”. Mẹ chỉ xin cho tôi một cái áo trắng mới, để tôi tự tin đi học cùng các bạn. Có áo mới nhưng tôi vẫn thích mặc những chiếc áo mẹ may đến lớp, dù nó có cũ kỹ, sờn rách. Bởi với những chiếc áo ấy, tôi luôn cảm nhận được sự quan tâm dịu dàng của mẹ. Bởi chúng có màu của yêu thương. Và bởi dù khó khăn đến mấy, mẹ đã luôn có cách để làm cho cuộc sống của các con luôn đủ đầy và ngập tràn niềm vui…
Khôi Nguyên Thảo

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.