Mang Yang phát huy vai trò tổ tự quản bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Các tổ tự quản bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường và xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp.

Trở lại làng Chưp (xã Lơ Pang) lần này, chúng tôi khá ấn tượng với cảnh quan nơi đây. Dọc những con đường bê tông phẳng lì là nhà cửa, sân vườn ngăn nắp, gọn gàng.

Ông Lý-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chưp-cho biết: “Tháng 11-2023, Tổ tự quản BVMT đi vào hoạt động. Tổ hiện có 50 thành viên. Mình và các thành viên trong tổ thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, BVMT; đồng thời hướng dẫn bà con cách phân loại rác thải. Hàng tháng, tổ huy động người dân ra quân dọn vệ sinh 2-3 đợt. Nhờ đó, môi trường được cải thiện đáng kể”.

Ra mắt Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Chuk, xã Kon Thụp. Ảnh: N.H

Ra mắt Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Chuk, xã Kon Thụp. Ảnh: N.H

Chị Blăn (làng Chưp) cho hay: “Khi tham gia tổ tự quản BVMT, tôi được Phòng Tài nguyên và Môi trường tặng một số vật dụng và được hướng dẫn cách thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt. Nhờ đó, nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng hơn trước”. Còn chị Blớt (cùng làng) thì chia sẻ: Mỗi lần tham gia dọn vệ sinh, chăm sóc hàng rào xanh với mọi người trong làng, tôi thấy rất vui vì đã góp phần làm cho đường làng, ngõ xóm thêm sạch đẹp.

Mặc dù mới ra mắt từ tháng 11-2023 nhưng Tổ tự quản BVMT làng Đê Gơl (xã Đak Djrăng) cũng đã phát huy vai trò tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ vệ sinh môi trường ở khu dân cư.

Ông Aron-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đê Gơl-thông tin: “Tôi là Tổ trưởng Tổ tự quản BVMT của làng. Mỗi tháng 2 lần, tổ chia 50 thành viên thành 5 nhóm và huy động thêm người dân cùng tham gia dọn vệ sinh tại khu dân cư. Ngoài ra, các thành viên cũng tích cực vận động người dân trồng hoa trước cổng nhà để tạo cảnh quan môi trường thêm sạch đẹp”.

Theo ông Trần Đức Tiến-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đak Djrăng: Trước đây, dân làng Đê Gơl vẫn còn thói quen nuôi gia súc thả rông, làm chuồng trại dưới gầm nhà sàn và chưa chú trọng việc dọn vệ sinh. Từ khi ra mắt Tổ tự quản BVMT, các thành viên đã tích cực tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen cho người dân trong gìn giữ vệ sinh môi trường.

“Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh của người dân, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường theo hướng xanh-sạch-đẹp, phấn đấu đưa làng Đê Gơl đạt chuẩn làng nông thôn mới vào năm 2025”-ông Tiến cho hay.

Các thành viên tại Tổ Tự quản bảo vệ môi trường làng Chưp tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh khu vực công cộng. Ảnh: N.H

Các thành viên tại Tổ Tự quản bảo vệ môi trường làng Chưp tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh khu vực công cộng. Ảnh: N.H

Trao đổi với P.V, bà Phan Thị Ngọc Phượng-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện-cho hay: Huyện Mang Yang có hơn 60% dân số là người dân tộc thiểu số. Trước đây, người dân chưa có thói quen gìn giữ vệ sinh môi trường nên còn tình trạng rác thải vương vãi trong khu dân cư, tình trạng gia súc nuôi thả rông và nuôi nhốt dưới gầm nhà sàn vẫn còn phổ biến.

Để cải thiện cảnh quan môi trường nông thôn, Phòng đã phối hợp với Mặt trận và các hội, đoàn thể tổ chức các đợt tuyên truyền và trực tiếp về cơ sở vận động người dân thực hiện thu gom, xử lý rác thải, di dời chuồng trại ra xa nhà ở, cải tạo vườn tạp, trồng con đường hoa, hàng rào xanh.

Riêng năm 2023, chúng tôi phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và UBND các xã, thị trấn ra mắt 6 tổ tự quản BVMT tại các thôn, làng đang phấn đấu đạt chuẩn làng nông thôn mới trong năm 2024 và 2025, gồm: Chưp (xã Lơ Pang), Đê Gơl (xã Đak Djrăng), Đak Yă (xã Đak Yă), Kdung (xã Hà Ra), Chuk (xã Kon Thụp), Đê Hrel (thị trấn Kon Dơng). Để các tổ hoạt động hiệu quả, Phòng đã tặng 60 sọt rác, 120 chiếc chổi, 48 rựa, 60 hốt rác và 300 sọt rác nhỏ để thu gom, phân loại, xử lý rác thải.

“Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các thôn, làng khác nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hình thành thói quen, thay đổi hành vi cho người dân trong việc BVMT ở khu dân cư. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới”-bà Phượng cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm