(GLO)- Nhằm tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình và bình đẳng của Phật giáo, tạo mối đoàn kết và hiểu biết giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới, ngày 15-12-1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức công nhận Lễ Phật đản hàng năm “Là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của LHQ” và sẽ được tổ chức luân phiên tại trụ sở chính của LHQ ở New York (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ), cùng các trung tâm của LHQ và các nước Phật giáo trên toàn thế giới. Đại lễ Phật đản LHQ (còn gọi là Đại lễ Vesak) mang ý nghĩa “Tam hợp”, kỷ niệm 3 sự kiện thiêng liêng là Đức Phật Thích Ca Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn.
Chùa Bái Đính-nơi tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tại Việt Nam. Ảnh: K.N.B |
Được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam, tại Văn phòng Viện trưởng của Đại học Mahachulalongkorn, Hòa thượng GS.TS. Brahmapundit đã căn cứ vào Hiến chương Đại lễ Vesak LHQ ủng hộ và chấp thuận Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ lần thứ 11-Phật lịch 2558 - dương lịch 2014, với sự phối hợp tổ chức của Ủy ban Tổ chức Quốc tế (ICDV), sự giúp đỡ và bảo trợ của Chính phủ Việt Nam. Nhà nước giúp Giáo hội trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và các hoạt động liên quan khác. Đại lễ diễn ra từ ngày 7 đến 10-5 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Dự kiến có hơn 10.000 người dự, trong đó có hơn 1.500 đại biểu là khách mời quốc tế đến từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có Phật giáo, các tổ chức quốc tế và sứ quán các nước có Phật giáo ở Việt Nam, trong đó có các nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sĩ, học giả, tăng ni và phật tử trong và ngoài nước. Đây cũng là lần đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, khẳng định sự lớn mạnh của tổ chức Phật giáo trong nước và quan hệ mở rộng với Phật giáo quốc tế.
Chủ đề chính của Đại lễ Phật đản LHQ 2014 là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc” (Buddhist Contribution towards Achieving the UN Millennium Development). Trong khuôn khổ Đại lễ có 5 diễn đàn hội thảo khoa học (với các tiêu đề gồm: Góp phần của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội, góp phần của Phật giáo giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu và bảo vệ môi trường, đóng góp của Phật giáo về xây dựng lối sống lành mạnh, xây dựng hòa bình sau xung đột và mâu thuẫn, giáo dục Phật giáo và chương trình mở rộng đào tạo cấp đại học). Ngoài ra, nhiều chuyên đề khác của giới nghiên cứu Phật giáo cũng được trình bày tại các diễn đàn trong chương trình Đại lễ…
Tăng ni và phật tử viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh trong dịp lễ Phật đản. Ảnh: Thanh Nhật |
Đại lễ Phật đản LHQ 2014 thể hiện rõ qua 4 phương diện. Trước hết trong phương diện tín ngưỡng chính là sự tập hợp của đông đảo những người có cùng đức tin vào Phật giáo, được thể hiện qua khóa lễ tụng kinh ngắn của các trường phái Phật giáo Nam tông, Bắc tông và Kim Cang thừa trước khi hội thảo chính thức được diễn ra vào đầu mỗi ngày làm việc. Khóa lễ Phật đản ngoài trời trong khuôn viên của trung tâm chùa Bái Đính dưới hình thức một Đại lễ tập trung và trọng thể. Phương diện văn hóa của Đại lễ là ngày quốc tế của LHQ về tôn giáo và văn hóa nên yếu tố văn hóa của lễ hội được quan tâm đặc biệt. Từ sự hội tụ các bản sắc văn hóa của các nước trên thế giới, cũng như phong cách và thái độ ứng xử văn hóa của cá nhân và xã hội. Đại lễ Phật đản còn bao gồm nhiều hoạt động văn hóa như triển lãm văn hóa Phật giáo, triển lãm văn hóa Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hội chợ văn hóa và ẩm thực, xe hoa diễu hành, trang hoàng cờ phướn Phật giáo, lồng đèn, hoa đăng, tạo sự hoành tráng của một lễ hội đa sắc màu.
Về phương diện khoa học là các chủ đề hội thảo khoa học Phật giáo đóng góp cho đời sống nhân loại là phần trọng tâm nhất của Đại lễ Vesak LHQ, vì nó quyết định giá trị nội dung và những đóng góp thiết thực của Đại lễ. Chủ đề hội thảo Đại lễ Vesak LHQ 2014 gắn liền với truyền thống và bản sắc văn hóa của Việt Nam và đạo Phật Việt Nam nhằm khẳng định sự đóng góp của đất nước và Phật giáo Việt Nam về các giá trị được LHQ quan tâm. Phương diện du lịch văn hóa tâm linh là quảng bá hình ảnh Việt Nam, các tour du lịch chính thức trong Đại lễ, trước và sau Đại lễ. Hoạt động này vừa đề cao giá trị Đại lễ vừa quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp và thân thiện đối với thế giới. Đó cũng là dịp góp phần tích cực trong việc phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế từ hình ảnh đẹp mà Việt Nam tạo được qua Đại lễ Vesak LHQ 2014. Lễ khai mạc và bế mạc cùng các hoạt động hội thảo khoa học, văn hóa, nghệ thuật, triển lãm Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Hội chợ văn hóa-ẩm thực và âm nhạc tổng hợp được tổ chức tại chùa Bái Đính-trung tâm du lịch Tràng An-cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Đài Truyền hình Việt Nam sẽ truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và VTV4 phiên khai mạc (từ 8 giờ 30 phút ngày 8-5) và phiên bế mạc (từ 15 giờ ngày 10-5)…
Ảnh: Thanh Nhật |
Không chỉ là một lễ hội văn hóa tôn giáo mang tầm vóc quốc tế, Đại lễ Phật đản LHQ 2014 còn là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, cũng như khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với việc thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ. Đại lễ còn là bằng chứng sinh động tiếp tục khẳng định về chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo, đại đoàn kết tôn giáo và đoàn kết dân tộc ở nước ta, đồng thời thể hiện hình ảnh về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng tiến bộ với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”. Đất nước và con người, truyền thống và văn hóa Việt Nam, Phật giáo Việt Nam mãi là những hình ảnh thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần đoàn kết các quốc gia, dân tộc vì mục tiêu chung xây dựng thế giới hòa bình và an lạc...
Thanh Nhật