(GLO)- Ra đời cách đây 77 năm, cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã lập nên những chiến công vang dội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày nay, phát huy truyền thống anh hùng, LLVT tỉnh tiếp tục viết nên những bản hùng ca mới, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Những trang sử vẻ vang
Quá trình chiến đấu và trưởng thành của LLVT tỉnh luôn gắn với những cột mốc lịch sử, sự phát triển của tỉnh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, LLVT tỉnh cũng anh dũng, trung thành, đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: Đáp ứng yêu cầu của cách mạng trên địa bàn Tây Nguyên, đồng thời thực hiện chủ trương “vũ trang toàn dân” của Đảng và chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 7-11-1945, tại Pleiku, LLVT tỉnh được thành lập, lấy tên là Chi đội Tây Sơn. Chi đội gồm các đơn vị vũ trang tập trung được xây dựng sau ngày khởi nghĩa ở An Khê, Pleiku, Kon Tum mà nòng cốt là các đội viên du kích Ba Tơ, một bộ phận của Chi đội Phan Đình Phùng (tỉnh Bình Định) và các trung đội Nam tiến của 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình tăng cường cho Gia Lai.
Lực lượng dân quân chuẩn bị nhu yếu phẩm phục vụ người dân ở các khu cách ly phòng-chống Covid-19. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Những ngày đầu thành lập, dù thiếu thốn đủ thứ nhưng với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã phối hợp với quần chúng nhân dân xây dựng 214 cơ sở ở 400 làng trong toàn tỉnh, tạo thế trận rộng khắp với những vùng căn cứ được xây dựng như: chiến khu Đe HBình, chiến khu Xóm Ké, xã chiến đấu Ya Hội, làng chiến đấu Stơr. Trong chiến đấu gian khổ đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng hy sinh như: 64 cảm tử quân đánh đồn Tú Thủy ngày 14-3-1947, tiếng bom của quyết tử quân Ngô Mây ở Rộc Dứa-Suối Vối ngày 24-10-1947 và những cái tên như: Đinh Núp, Đỗ Trạc, Vi Dân, bok Wừu... Tấm gương trung dũng, kiên cường của họ đã trở thành biểu tượng cho tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của LLVT tỉnh.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Gia Lai đã lập nên những chiến công vang dội. Trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, LLVT địa phương đã phối hợp với bộ đội chủ lực tiến hành các trận đánh tiêu diệt địch trên địa bàn. Sau 12 ngày đêm chiến đấu, ta đã tiêu diệt 245 tên, bắt 326 tên, thu 900 khẩu súng các loại, giải phóng địa bàn rộng lớn trên 100 km2 với hơn 20.000 dân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Gia Lai là một chiến trường trọng điểm, nơi Mỹ-ngụy thực hiện thí điểm các chiến lược chiến tranh với những âm mưu và thủ đoạn nham hiểm, tàn bạo nhất. Từ năm 1969 đến 1974, LLVT tỉnh đã phối hợp với Mặt trận Tây Nguyên mở các đợt tiến công trên diện rộng, tổ chức hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.900 tên địch, giải phóng 10 khu dồn dân và 21 ấp chiến lược trên địa bàn tỉnh, đưa phong trào đấu tranh du kích phát triển mạnh và đều khắp.
Với quyết tâm “Một ngày bằng 20 năm”, “Tất cả để giải phóng miền Nam”, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mũi tiến công của Đại đội 70 (Tiểu đoàn Đặc công 408) cùng một số bộ phận dân chính của thị xã Pleiku đã tiến công tiêu diệt địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà vào trưa 17-3-1975. Ngay sau khi tiếp quản thị xã, thị trấn, các quận lỵ, các đơn vị LLVT khẩn trương tiến hành truy quét tàn quân ngụy, diệt 513 tên ngoan cố, bắt trên 7.000 tên, buộc ra trình diện hơn 16.000 tên, thu 4.265 khẩu súng các loại.
Tận tụy với dân
Phát huy truyền thống “Đoàn kết chiến đấu, kiên cường bám trụ, trưởng thành nhanh chóng, chiến thắng vẻ vang”, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, LLVT tỉnh tiếp tục được xây dựng vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Lực lượng vũ trang tỉnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Với vai trò là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đội quân giúp dân, LLVT tỉnh đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được LLVT tỉnh cụ thể hóa bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Từ năm 2018 đến nay, LLVT tỉnh đã huy động gần 8.400 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp người dân sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai. Cán bộ, chiến sĩ đã nạo vét 70 km kênh mương nội đồng; thu hoạch 18 ha hoa màu sau mưa bão; làm 10 km đường bê tông nông thôn; sửa chữa 8 ngôi nhà và 1 cầu treo; dọn vệ sinh gần 20 km đường liên thôn, các địa điểm công cộng.
Với phương châm “Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Nhân dân cần”, LLVT tỉnh đã đóng góp công sức của mình làm nên những công trình mang đậm dấu ấn “Bộ đội Cụ Hồ”, được chính quyền và người dân ghi nhận. Đặc biệt, để cụ thể hóa Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, LLVT tỉnh đã tham gia giúp đỡ người dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số di dời, bố trí lại nhà ở, cải tạo vườn tạp. Tại huyện Kbang và Phú Thiện, cán bộ, chiến sĩ đã di dời hơn 50 ngôi nhà, 40 chuồng trại chăn nuôi, đào 30 móng nhà, làm mới 35 kho thóc, đào 40 hố vệ sinh gia đình, 50 hố trồng cây ăn quả; đào, chôn 500 trụ bê tông, rào 1.000 m lưới B40... Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, LLVT tỉnh đã tham gia thi công 18 căn nhà cho các gia đình. Từ năm 2017 đến nay, LLVT tỉnh đã hỗ trợ 1,2 tỷ đồng để giúp 98 hộ thoát nghèo; huy động hơn 2,5 tỷ đồng tặng 6 ngàn suất quà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo và tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 12 ngàn lượt người.
Lực lượng vũ trang tỉnh giúp người dân thu hoạch lúa. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Đại tá Lê Tuấn Hiền-Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-khẳng định: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, LLVT tỉnh vẫn kề vai sát cánh cùng với các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong tỉnh ra sức thi đua, tiếp tục góp phần thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong giai đoạn cách mạng mới, LLVT tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng-an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân.
VĨNH HOÀNG