Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- * Bạn đọc T.V.H. (TP. Pleiku) hỏi: Cha tôi là ông T.V.M. có thửa đất và căn nhà cấp 4 gắn liền với đất có diện tích khoảng 200 m2. Cha mẹ tôi có 3 người con gồm tôi và T.V.N, T.V.C. Mẹ tôi đã mất năm 2013. Đến năm 2019, cha tôi có tặng cho quyền sử dụng đất và căn nhà nêu trên là tài sản duy nhất của ông cho ông C.

Sau đó, ông C. đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và căn nhà theo quy định. Mặc dù hợp đồng không ghi điều kiện là ông C. phải phụng dưỡng cha tôi đến cuối đời nhưng gia đình có họp lại và nêu nội dung này để ông C. được cấp giấy chứng nhận. Thời gian gần đây, ông C. thường xuyên chửi bới cha tôi nên tôi đã đón ông về nhà mình để chăm sóc, phụng dưỡng. Vậy cha tôi có quyền khởi kiện yêu cầu ông C. trả lại tài sản hay không?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Ông M. có quyền khởi kiện ông C. để yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Lý do yêu cầu hủy hợp đồng là do ông C. đã vi phạm điều kiện của hợp đồng tặng cho.

Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tặng cho tài sản có điều kiện như sau:

“1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Mặc dù trong hợp đồng tặng cho không ghi điều kiện tặng cho nhưng theo lời của các thành viên trong gia đình, theo phong tục tập quán thì hợp đồng tặng cho này là hợp đồng tặng cho có điều kiện. Mặt khác, theo Án lệ số 14/2017/AL có nội dung như sau:

“[11] Tuy nhiên, ông Quàng Văn P1 cho rằng việc ông tặng cho vợ chồng anh Quàng Văn P2 là có điều kiện, đó là vợ chồng anh Quàng Văn P2 phải làm nhà cho ông ở, chăm sóc ông và bố, mẹ của ông, nhưng vợ chồng anh Quàng Văn P2 không thực hiện cam kết. Tuy anh Quàng Văn P2 không thừa nhận việc ông Quàng Văn P1 tặng cho có điều kiện, nhưng tại giấy ủy quyền ngày 25-3-2006, thể hiện ông Quàng Văn P1 ủy quyền cho anh Quàng Văn P2 xin giấy phép xây dựng... có trách nhiệm xây nhà trên lô đất 379B để ông Quàng Văn P1 ở, có trách nhiệm chăm sóc vợ chồng cụ K (là bố, mẹ của ông Quàng Văn P1). Tại bản Cam kết ngày 12-10-2006, anh Quàng Văn P2 có ghi “... Tôi được bố cho mảnh đất... tôi làm cam kết này với chính quyền địa phương sẽ tiến hành xây dựng nhà ở cho bố tôi và không được chuyển nhượng cho ai”.

[12] Mặc dù hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không ghi điều kiện nhưng tại các văn bản nêu trên có thể hiện anh Quàng Văn P2 phải làm nhà cho ông Quàng Văn P1 ở, chăm sóc ông Quàng Văn P1 và bố mẹ của ông Quàng Văn P1”.

Như vậy, chiếu theo các quy định nêu trên thì ông M. nhiều khả năng sẽ được Tòa án xét xử chấp nhận yêu cầu và được quyền đòi lại toàn bộ tài sản đã tặng cho.

Có thể bạn quan tâm

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.